Bí mật rùng mình trên mảnh đất "địa ngục" của Thanh triều

Trần Quỳnh |

Được ví như "đường xuống suối vàng", vùng đất lưu đày Ninh Cổ Tháp đã trở thành một trong những địa danh ám ảnh nhất Thanh triều.

Trong những nguồn sử liệu về Thanh triều, ta có thể dễ dàng bắt gặp phát ngôn kinh điển của các Hoàng đế: "Đem kẻ đó đày tới Ninh Cổ Tháp, cả đời không được nhập quan."

Vào thời bấy giờ, Ninh Cổ Tháp đã được nhắc tới như chốn "địa ngục trần gian", khiến cho bách tính, quan quân khi đó chỉ cần nghe thấy tên đã sợ mất mật.

Vậy, điều gì đã khiến Ninh Cổ Tháp trở thành một địa danh khiến người người "kinh hồn bạt vía"? Bí mật ẩn sau vùng đất lưu đày nổi tiếng nhất Trung Quốc thời ấy là gì?

Vùng đất... không dành cho người ở

Ninh Cổ Tháp là khu biên cương trọng điểm ở biên giới phía Đông Bắc dưới thời nhà Đại Thanh, nay thuộc địa phận tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc).

Tương truyền rằng, Ninh Cổ Tháp sở hữu khí hậu dị thường, môi trường khắc nghiệt, cỏ cây, ngũ cốc không thể sinh trưởng. Bởi vậy, con dân Đại Thanh luôn tâm niệm: bị lưu đày tới Ninh Cổ Tháp, chẳng khác gì chịu án tử hình.

Bí mật rùng mình trên mảnh đất địa ngục của Thanh triều - Ảnh 1.

Nơi đây vốn là tên một tòa thành, cũng là địa danh nổi tiếng chuyên lưu đày những trọng tội của triều đình. (Ảnh: Qulishi.com).

Trong cuốn "Nghiên đường kiến văn tạp ký", tác giả Vương Gia Trinh từng miêu tả: Ninh Cổ Tháp cách kinh đô bảy, tám ngàn dặm, là địa phương ít người ở nhất.

Những tội nhân bị lưu đày tới đây phần lớn đều bị dã thú ăn thịt, nếu không thì cũng chết đói trên đường. Bởi vậy, số người sống sót để tới Ninh Cổ Tháp lãnh án rất ít.

Bí mật rùng mình trên mảnh đất địa ngục của Thanh triều - Ảnh 2.

Ninh Cổ Tháp trở thành "địa ngục trần gian" bởi khí hậu dị thường và môi trường khắc nghiệt. (Ảnh: nguồn internet).

Học giả Ngô Triệu Khiên cũng từng viết: "Ninh Cổ Tháp nghèo khổ nhất thiên hạ, từ mùa xuân tới trung tuần tháng 4, gió to, sấm giật, chớp lóe; tháng 5 tới tháng 7 mưa dầm liên tục; giữa tháng 8 đã có tuyết rơi; tới tháng 9 thì sông ngòi đều đóng băng cả.

Tuyết vừa chạm đất lập tức kết thành băng, ngàn dặm chỉ thấy trùng trùng tuyết trắng."

Học giả Phùng Củng Can thậm chí còn cảm thán: "Người ta thường sợ xuống suối vàng, nhưng đã tới được Ninh Cổ Tháp, thì dù có tới 10 cái suối vàng cũng không sợ nữa!"

Ninh Cổ Tháp và âm mưu thâm độc của giai cấp thống trị

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, vùng đất này chính là nơi khởi nguồn của tộc người Mãn, cũng được xem như "quê cha đất tổ" của hoàng tộc triều đình Đại Thanh. Thực chất, việc đem tội nhân lưu đày tới Ninh Cổ Tháp gồm có 2 mục đích:

Thứ nhất, trừng phạt cái ác, đề cao cái thiện, khiến cho tội phạm phải chịu hết mọi khổ đau, tới nơi quan ngoại để tự thú, tự ngẫm, tự hối.

Thứ hai, tận dụng lao động khổ sai của người phạm tội để xây dựng, cải tạo vùng đất "quê cha đất tổ" tồi tàn của hoàng tộc triều đình.

Bí mật rùng mình trên mảnh đất địa ngục của Thanh triều - Ảnh 3.

Án lưu đày thực chất chỉ là một "chiêu bài" của triều đình Đại Thanh nhằm tận dụng sức lao động khổ sai của các tù nhân lúc bấy giờ. (Tranh minh họa).

Hơn nữa, vùng biên giới phía Đông Bắc của Đại Thanh lúc bấy giờ là một vị trí chiến lược trọng yếu.

Nơi này luôn nằm trong vòng kiểm soát của chính quyền triều đình. Đem những nhân vật chính trị phạm tội đày tới nơi đây, biến họ thành "cá nằm trên thớt" để dễ bề kiểm soát chính là thâm ý của giai cấp thống trị.

Mặt khác, phía Nam còn chưa hoàn toàn được khống chế, phía Tây Bắc tình hình càng phức tạp, nên vùng Đông Bắc trở thành lựa chọn duy nhất để lưu đày tội nhân.

Hơn nữa, lúc đó quan hệ Trung – Nga đặc biệt căng thẳng. Phía biên giới phía Đông Bắc thường xuyên bị Sa Hoàng tìm cách quấy nhiễu. Bởi vậy, để các phạm nhân tới đây sung quần, thực hiện trấn thủ biên cương cũng là việc xuất phát từ nhu cầu bức thiết của quốc phòng.

Thanh triều và thời đại lên ngôi của án "lưu đày"

Án lưu đày xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc từ rất sớm, bắt đầu vào thời Ngũ đại thập quốc. Tuy nhiên, hình phạt này lại có bước phát triển kinh điển dưới thời kỳ cai trị của các Hoàng đế Thanh triều.

Trong những năm đầu Thuận Trị tại vị, luật lệ Thanh triều đã ban hành những quy định cụ thể về nguyên nhân, thời hạn thi hành án và nội dung lao động cải tạo của phạm nhân chịu án lưu đày.

Tới thời của Càn Long, bộ "Luật lệ Đại Thanh" có ghi rõ:

"Tội nhân bị đày đến Ninh Cổ Tháp trong thời hạn 10 năm. Sau đó, dựa vào biểu hiện cải tạo, xét thấy có hối lỗi sửa sai, cải tà quy chính, tình nguyện về lại quê cũ thì cho về.

Tuy nhiên, những kẻ bị phán án chung thân thì vĩnh viễn không được nhập quan, trừ khi được Hoàng đế đặc biệt phê chuẩn."

Triều đại này đã từng bước kiện toàn chế độ lưu đày tội nhân, thiết lập nhiều điểm cải tạo ở các vùng đất xa xôi, khắc nghiệt, mà Ninh Cổ Tháp chính là một trong số đó.

Bí mật rùng mình trên mảnh đất địa ngục của Thanh triều - Ảnh 4.

Không ít văn nhân, trí thức, đại thần đã trở thành nạn nhân của án lưu đày và vong mạng trên đường tới "địa ngục" Ninh Cổ Tháp. (Tranh minh họa).

Căn cứ vào cuốn "Tổng quát lịch sử Trung Quốc" và "Thanh sử cảo": tại Ninh Cổ Tháp, ngoại trừ đại bộ phận là dân thường phạm tội và người bản xứ, còn có nhiều quan viên, thậm chí là đại thần của triều đình vì phạm trọng tội mà bị lưu đày.

Năm Thuận Trị thứ 12 (1655), quan đại thần Bộ Lại là Bành Trường Canh và Nhất đẳng Tử tước Hứa An Dân từng dân sớ ca ngợi Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn, còn tấu dâng Hoàng đế "sửa lại án sai" cho vị Nhiếp chính vương tiền triều này.

Vua Thuận Trị nghe xong vô cùng tức giận, hạ lệnh phán hai đại thần này án tử hình. Nhưng sau lại xét tới công lao, nên Hoàng đế niệm tình miễn tử, lưu đày hai người tới Ninh Cổ Tháp.

Chỉ tính riêng dưới thời Thuận Trị, các văn nhân, đại thần vướng phải án văn tự, án trường thi…bị đày tới nơi "địa ngục trần gian" này cũng phải lên tới con số mấy nghìn người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại