Taekwondo được đưa vào Olympic lần đầu tiên vào năm 2000, sau một cuộc bỏ phiếu tại đại hội Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) năm 1994. Suốt hai thập kỷ trước đó, dù nhiều lần vận động nhưng Hàn Quốc không thể đưa môn võ thuật của họ vào nội dung thi đấu ở Thế vận hội. Vậy tại sao lần này họ lại thành công? Tất cả đều có lý do.
Kim Un-yong, Chủ tịch sáng lập của liên đoàn Taekwondo thế giới, sau đó trở thành phó chủ tịch của IOC. Trước thềm đại hội IOC năm 1994, ông chỉ đạo các nhân viên phải làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo sự ủng hộ của các thành viên Ủy ban.
Vì vậy Ho Kim, người giữ chức trưởng bộ phận tiếp thị và PR tại Liên đoàn Taekwondo Thế giới, đã gửi 1 chiếc xe Daewoo cho Lamine Keita, một thành viên IOC đến từ Mali. Nhưng chưa đủ. "Tên khốn ấy đòi 1 chiếc nữa. Gửi thêm đi", Kim Un-yong nói với Ho Kim. Và một chiếc khác lại được gửi cho Keita.
Các quan chức khác lại muốn nhận tiền mặt. Tất cả mua vé máy bay hạng nhất tới Seoul và đưa biên lai cho Ho Kim, người nhận chúng tại khách sạn Shilla và gửi lại tiền mặt, dĩ nhiên lớn gấp nhiều lần giá trị tấm vé, trong các phong bì màu nâu.
Taekwondo được đưa vào Olympic nhờ các hoạt động mờ ám hậu trường. (Ảnh: The Times)
Như đã biết, Taekwondo là nội dung Olympic trong 6 kỳ Đại hội gần nhất. Không ngạc nhiên, Hàn Quốc là quốc gia thành công nhất với 22 huy chương (12 vàng, 3 bạc, 7 đồng).
Ho Kim cho biết văn hóa phong bì rất phổ biến ở Thế vận hội, nơi những tấm huy chương Vàng được quy đổi thành tiền. Ví dụ tại Olympic 2012, 350.000 USD là giá cho một tấm huy chương Vàng. Nhưng cũng còn tùy vào môn thi đấu. Trước đó 8 năm ở Olympic Athens, một quan chức đã đòi 1 triệu USD cho tấm huy chương Vàng môn quyền Anh, khiến quốc gia khao khát vinh quang ở môn này lắc đầu lè lưỡi.
“Họ nói với tôi, họ không thể trả nhiều đến vậy”, Ho Kim cho biết. Mặc dù vậy vẫn có nhiều quốc gia chịu chi. Năm 2010 Azerbaijan từng bỏ ra 10 triệu USD dưới hình thức tài trợ cho Giải Quyền Anh Thế giới (WSB) mới được thành lập. Đổi lại, họ phải có 2 huy chương Vàng ở Olympic 2012 . Wu Ching-kuo, quan chức trong IOC yêu cầu Ho Kim sắp xếp việc đó.
Ho Kim, người kể câu chuyện với tờ The Times. (Ảnh: The Times)
Đột nhiên câu chuyện bị thay đổi. Bằng cách nào đó tờ BBC biết được vụ hối lộ và công khai kịch bản Azerbaijan mặc nhiên có 2 huy chương Vàng. Wu hoảng sợ bởi có tham vọng tranh cử Chủ tịch IOC năm 2013. Ông ta lại gọi Ho Kim, ra lệnh ngăn Azerbaijan giành Vàng (nhằm chứng minh cáo buộc của BBC là sai).
Bị phản bội, Azerbaijan đe dọa sẽ tung hê tất cả. Wu hứa hẹn xem xét kháng cáo, và phản bội thêm lần nữa. Sau này ông ta đổ mọi trách nhiệm lên Ho Kim. Vụ việc rồi cũng chìm xuồng, nhưng Ho Kim vẫn còn giữ bản sao hợp đồng, trong đó có chữ ký của Wu.
Năm 2006 Ho Kim ngồi vào ghế Giám đốc điều hành của Hiệp hội quyền Anh quốc tế (AIBA), vị trí mà ông nắm giữ trong một thập kỷ. Ho Kim không ngại nói rằng hối lộ là phương thức đưa ông tới vị trí đó. Trong chiến dịch tranh cử, Ho Kim không có nhiều tiền mặt. Ông tìm kiếm một thỏa thuận chính trị với tay môi giới quyền Anh Gafur Rakhimov, hứa rằng gã sẽ là Phó Chủ tịch, rồi kế nhiệm sau 2 nhiệm kỳ.
Rakhimov đã cử 5 trợ lý cùng vali tiền đến để phân phát. 350.000 USD được chia vào nhiều phong bì khác nhau cho mỗi đại biểu. Dĩ nhiên sẽ có phát sinh. 150.000 USD khác lại được gửi đến. Các quan chức cũng nhận được tiền từ phe đối lập, nhưng vẫn bỏ phiếu cho Ho Kim vì độ chịu chơi.
Những tấm huy chương Olympic có thể được quy bằng tiền. (Ảnh: JPTimes)
Ho Kim hiện đã 66 tuổi, bị ung thư và nghĩ rằng có những sự thật cần được tiết lộ. Vậy nên đã có cuộc gặp gỡ với phóng viên The Times, và trong hơn 4 ngày, công khai mặt tối của Olympic. Song cũng có động cơ khác thúc đẩy ông. IOC đang đe dọa loại quyền Anh khỏi Olympic, bắt đầu từ Thế vận hội 2028 tại Los Angeles, sau cáo buộc AIBA thiếu trong sạch.
Richard McLaren, luật sư người Canada, từng có cuộc điều tra độc lập về tình trạng tham nhũng, hối lộ tràn lan ở AIBA. McLaren đã tìm thấy bằng chứng ở Olympic Rio 2016 về “tham nhũng, hối lộ và thao túng kết quả thể thao”. Trên sân, các trọng tài móc ngoặc để thay đổi kết quả. Bên ngoài, các cuộc mặc cả diễn ra. Ví dụ, quan chức Mông Cổ đã hối lộ 250.000 USD để có kết quả có lợi ở một trận bán kết.
“Rất nhiều câu chuyện bị chôn vùi và ẩn giấu nhưng Olympic nên là biểu tượng của sự chính trực. IOC đang chứng minh điều đó khi mạnh tay với quyền Anh, nhưng họ cũng phải làm điều tương tự để làm trong sạch vị thế của mình. Cần phải có một cuộc điều tra”, Ho Kim nói. Và ông có trong tay các bằng chứng.