Khi Thế chiến II đi vào hồi kết, Mỹ có một bước đi thể hiện chiến lược đầy khôn ngoan. Chính bước đi này đã giúp Mỹ củng cố sức mạnh quân sự tối cường sau chiến tranh. Trở thành siêu cường mạnh nhất lúc bấy giờ.
Một chiến dịch đã được mở ra với tên "Cái kẹp giấy" đã được tiến hành trên quy mô toàn nước Đức, vậy mục đích của chiến dịch này là gì?
Chiến dịch "Cái kẹp giấy"
Khi Đức thất trận, Anh và Mỹ đã mở những cuộc lùng sục khắp lãnh thổ nước Đức nhằm lấy tất cả những nghiên cứu phát triển công nghệ, khoa học và quân sự mà họ có thể tìm được.
Chúng ta đều biết rằng lúc đó, Đức có những dự án nghiên cứu vô cùng bí ẩn và điên rồ. Chính nền khoa học phát triển đã giúp Đức trở thành thế lực đối đầu các đế quốc lớn như Anh, Mỹ...
Kỹ thuật quân sự của Đức đã phát triển về nhiều phương diện trước hơn phe đồng minh nhiều năm, đặc biệt là trong lĩnh vực động cơ phản lực không khí và việc sử dụng nó trong tên lửa hành trình và các máy bay (V1, Heinkel He 178, Messerschmitt Me 262), cũng như hỏa tiễn (V2).
Thậm chí người ta còn đặt ra giả thuyết về sự giúp đỡ của người ngoài hành tinh về công nghệ và những phát minh khó tin vượt trội của Đức. Những thành tựu to lớn mà Đức có được khiến cả những nước lớn như Mỹ và Anh "thèm khát".
Không những thế, sở hữu chúng còn tăng thêm lợi thế và không ai muốn những thành tựu to lớn đó rơi vào tay của nước khác, điều này sẽ vô cùng nguy hiểm và bất lợi.
Mỹ lúc đó đã có một nước cờ thông minh, một văn kiện mật của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đề ngày 6/7/1945 gửi Tổng thống Harry Truman đã thuyết phục Tổng thống Truman "thu nạp" những nhà khoa học của Đức Quốc xã bằng chiến dịch "Cái kẹp giấy".
Chiến dịch này mở ra với mục đích thu hút nhân tài của Đức Quốc xã sau Thế chiến II. Mặt khác, khi Đức thất trận, những nhà khoa học này bị truy lùng gắt gao vì những tội ác chiến tranh mà họ đã thực hiện.
Mỹ có được những bí mật và cả những người nắm giữ bí mật của Đức Quốc xã
Những bí mật của Đức đã bị Mỹ lấy được. Ảnh minh họa.
Do đó, nước cờ thông minh của Mỹ là tạo cho họ một vùng đất hứa, nơi mà họ sẽ được an toàn. Liên Xô khi ấy là thế lực duy nhất có thể đối trọng với Mỹ.
Chính vì thế các nhà quan chức Mỹ đã thuyết phục được Tổng thống Harry Truman đi trước Liên Xô nhằm không để các tài liệu bí mật của Đức cũng như những nhà khoa học uyên thâm Đức Quốc xã không rơi vào tay Liên Xô.
Chính bước đi chiến lược này đã giúp Mỹ có được vị trí tối cường trong cuộc chiến tranh lạnh, nâng sức ảnh hưởng của Mỹ với các cường quốc lúc đó.
Chiến dịch mở ra với chương trình của Văn phòng dịch vụ chiến lược (OSS) (cơ quan tình báo tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương CIA) như Tiểu ban Mục tiêu Tình báo Hỗn hợp (CIOS) sẽ bí mật theo sau các lực lượng chiến đấu của quân Đồng Minh.
Ban đầu chiến dịch gọi là "chiến dịch mây mù" (Operation Overcast). Họ sẽ tiến hành thu thập và tịch thu các loại tài liệu và vật liệu có liên quan đến cuộc chiến, và thẩm vấn các nhà khoa học tại các cơ sở nghiên cứu của Đức.
Một tài liệu quan trọng đã được tìm thấy trong một phòng vệ sinh tại ĐH Bonn (Đức).
Đó là Danh sách Osenberg: một bản danh sách ghi lại tên những nhà khoa học và kỹ sư đã phải làm việc cho Đế chế thứ Ba, đã giúp Mỹ lên danh sách những mục tiêu hàng đầu mà họ muốn có được.
Không chỉ muốn những thông tin này, Mỹ còn muốn có cả con người, những người nghiên cứu ra chúng, những người hiểu rõ nhất về các thông tin này.
Chiến dịch cái kẹp giấy được thực hiện bởi Cơ quan tình báo Mục tiêu chung (JIOA) (JIOA là một đơn vị mới thành lập có mục tiêu thu thập nguồn lực trí thức Đức để giúp phát triển kho vũ khí hóa học, sinh học và tên lửa cho Mỹ), có nhiệm vụ di chuyển họ về Mỹ.
Sau đó, họ sẽ bí mật đưa các nhà khoa học Đức sang Mỹ. Trong chiến dịch này khoảng 1.600 nhà khoa học Đức (cùng gia đình của họ) đã được đưa sang Mỹ để làm việc cho nước này.
Đến năm 1955, hơn 760 nhà khoa học từng làm việc trong bộ máy Đức Quốc xã đã trở thành công dân Mỹ với những vị trí quan trọng và được đối xử rất hậu hĩnh.
Trong đó, có những nhà khoa học từng giữ những vị trí hàng đầu trong Đảng Quốc xã và tham gia những dự án hay các cuộc thí nghiệm man rợ ở những nhà tù tập trung.
Ban đầu Tổng thống Harry Truman từ chối tiếp nhận những nhà khoa học mang tội ác chiến tranh như vậy, nhưng theo một số tài liệu, nhiều hồ sơ trong chiến dịch Cái kẹp giấy đã được chỉnh sửa để phù hợp với yêu cầu của Tổng thống Truman.
Mỹ đã "thu nạp" nhân tài của Đức Quốc xã. Ảnh minh họa.
Trong cuốn sách “Operation Paperclip: The Secret Intelligence Program to Bring Nazi Scientists to America” (Tạm dịch: Chiến dịch cái kẹp giấy:
Chương trình tình báo bí mật nhằm đưa các nhà khoa học Quốc xã tới Mỹ) của tác giả Annie Jacobsen đã công bố một số tài liệu mật mới được giải mật.
Như nhà khoa học tên lửa Wernher von Braun, người đóng vai trò quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa V2 của phát xít Đức. Ông là người đứng đầu trong danh sách các nhà khoa học mà Mỹ muốn "chiêu mộ".
Von Braun và các nhà khoa học tên lửa khác đã được đưa đến Fort Bliss, Texas và Bãi thử Tên lửa White Sands, New Mexico với tư cách “chuyên viên Bộ Chiến tranh” nhằm giúp Quân đội Mỹ thử nghiệm tên lửa.
Von Braun sau đó đã trở thành Giám đốc Trung tâm Phi hành Vũ trụ Marshall thuộc NASA và là người thiết kế chính của tên lửa đẩy Saturn V, loại tên lửa sau này đã giúp Mỹ lên Mặt Trăng và chiếm ưu thế trong cuộc chạy đua không gian thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Mỹ còn tịch thu loại máy bay ném bom mạnh nhất lúc bấy giờ mang tên Horten 229 khi chiếm đóng nhà máy sản xuất máy bay Horten - 229 của Đức và bí mật mang về Mỹ.
Nhiều nhà khoa học Đức đã trở thành công dân Mỹ và có vai trò quan trọng. Ảnh minh họa.
Nhiều chuyên gia kỹ thuật quân sự cho rằng phiên bản máy bay ném bom tàng hình hiện đại và mạnh nhất hiện nay của Không quân Mỹ là B - 2 Spirit là sản phẩm dựa trên thiết kế của chiếc Ho-229.
Ngày nay, không ai có thể phủ nhận sức mạnh của Mỹ sau Thế chiến II. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nếu Mỹ không đi trước Liên Xô trong nước cờ này thì rất có thể cán cân sức mạnh và quyền lực sẽ nghiêng về Liên Xô.
Nguồn tham khảo: History, Operationpaperclip, Wikipedia