Nói đến đặc sản Sài Gòn, ngoài bánh mì còn phải kể đến phá lấu.
Phá lấu ở cái vùng đất này được bày bán hầu như khắp nơi, từ nhà hàng cao cấp, cho đến hàng quán bình dân và cả những xe, gánh hàng rong của những ông chú, bà cô khắc khổ, rong ruổi khắp nẻo đường Sài Gòn cả ngày lẫn đêm, bán dạo từng chén ngon nức lòng.
Quả thật không ngoa khi nói, từng chén phá lấu ăn vội vàng ấy đã góp phần tạo nên Sài Gòn với lối văn hóa ẩm đường phố thực phong phú hơn, đặc sắc hơn, thấm đượm trong ký ức của bao thế hệ thị dân nơi đây bằng một hương vị khó có thể quên: béo ngậy vị nước cốt dừa, thơm mùi lòng non nấu kỹ, ăn lại giòn giòn, xen lẫn chút cay nhẹ của ớt thái nhuyễn, một chút chua nhẹ nhàng của nước me.
Nhưng có phải tất cả các chén phá lấu ngon được bán ở Sài Gòn đều có những hương vị cơ bản ấy đâu. Vẫn có nhiều hàng quán giữ cho riêng mình một chút gì đó đặc biệt khi nấu món này mà vẫn đủ sức níu chân thực khách sành ăn suốt bao thập kỷ.
Chẳng hạn như hàng phá lấu nhỏ nhắn của một cụ bà 82 tuổi trong con hẻm 96, Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận này đã phục vụ suốt 30 năm qua mà không hề đi theo lối mòn hương vị như bất kỳ nơi bán phá lấu nào khác ở Sài Gòn.
Phá lấu "bà ngoại", đó là cụm từ thân thương mà những thực khách quen thân vẫn hay gọi bà trong suốt nhiều năm qua. Bởi lẽ, ở cái tuổi 82, bà có khác gì bà ngoại của mình đâu.
Dáng vẻ khô khồng đó, gương mặt khí khái điềm tĩnh đó, làn da nhăn nheo nhưng sáng loáng đó vốn đã là hình mẫu để bất kỳ người trẻ nào gặp bà lần đầu tiên, cũng cảm thấy thân thuộc như chính người bà của mình.
Bà có tên là Phạm Thị Hoa, một người con của đất Gò Công (Tiền Giang), nhưng đã sớm đến Sài Gòn mưu sinh. Chồng bà qua đời sớm, bà ở vậy nuôi một con trai và một người con gái bằng nghề bán phá lấu.
Mỗi ngày, vào lúc 4, 5 giờ sáng, bà rời căn nhà rộng 25m2 của mình trên đường Phan Chu Trinh (P.24, Q.Bình Thạnh) để lấy lòng được đặt ở một lò mổ tận Long An, rồi đến chợ Bà Chiểu mua nguyên phụ liệu về làm phá lấu. Đến 10 giờ thì nấu xong, nhờ con gái chở đến bán tại hẻm 96, Phan Đình Phùng.
Bà kể, trước kia bà vốn làm nghề nấu đám, tức là chỗ nào đặt nấu đám cưới hay đám giỗ thì bà tới nấu cho người ta.
Vậy nên, với nền tảng đó, về sau khi đi hết nửa đời người, bà bắt tay vào nấu phá lấu để bán mà không cần phải học hỏi công thức từ ai.
Phá lấu bà bán có cái riêng, khác những nơi khác, đó là bà không nấu bằng nước cốt dừa, thay vào đó bà nấu hoàn toàn bằng nước dừa xiêm tươi. Ngoài ra, bà tạo nên vị chua trực tiếp cho mỗi chén phá lấu mình làm ra bằng tắc (quất) tươi, chứ không dùng me.
Với cách đó, món phá lấu của bà không hề ngấy ngán dù cho có ăn vài chén đi chăng nữa. Bù lại, nó vẫn giữ được hương vị nồng nàn cơ bản của lòng bò, vừa giòn, lại ngọt thanh vị nước dừa tươi.
Chưa kể, gia vị của bà bỏ vào phá lấu khi nấu cũng không nhiều, đảm bảo được độ ngon tự nhiên. Đến khi múc vào từng chén, bà mới thêm một muỗng nhỏ xíu hỗn hợp muối, đường, sau đó bỏ vào vài lát ớt ngâm, vắt nửa quả tắc thêm. Vậy là đủ gây nghiện.
Sức "gây nghiện" của món phá lấu của bà đã được bảo chứng bởi 30 năm qua, khách hàng của bà, từ lạ đến quen vẫn đến ủng hộ nườm nượp mỗi ngày.
Với 13kg lòng bò lấy mỗi buổi sáng, mỗi chén phá lấu giá 20k, ai mà tin được bà chỉ bán hết trong vài giờ đồng hồ. Thường là 10 giờ sáng bán, đến 3 giờ chiều là hết sạch. Khách đến trễ, muốn ăn thì đều tiếc nuối đành hôm sau quay lại.
Có nhiều người thắc mắc, tại sao đến từng tuổi này, bà vẫn cực khổ mưu sinh, không như bao "bà ngoại" khác mà tận hưởng những năm tháng đời người ít ỏi sau cuối, bằng một cuộc sống nhàn nhã quanh con cháu.
Với những câu hỏi này, bà chỉ biết cười trừ, thi thoảng ít khách bà mới thong thả trả lời. Bà nói bán phá lấu với bà như cái nghiệp, làm rồi khó bỏ, ở không ở nhà nhiều khi chán, sinh bệnh nhiều hơn.
Đó là chưa kể, hiện tại, bà đang sống cùng con trai có sức khỏe yếu, lại thêm 3 đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, nên dù đã 82 tuổi, bà vẫn quyết bám trụ cái nghề đã gắn bó với mình hơn 30 năm qua, để đỡ đần được đồng nào nuôi con, nuôi cháu thì hay đồng đó.