Trong lịch sử Minh triều không thể không nhắn đến đội Cẩm Y Vệ (còn gọi là Xưởng Vệ). Tổ chức này ban đầu được thành lập bởi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, cũng là vua đầu tiên của nhà Minh.
Trong suốt thời kỳ nhà Minh thì Cẩm Y Vệ chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ hoàng đế và được gọi là "Hoàng Đế Cấm Binh". Những người của bộ phận này cũng chịu trách nhiệm cho "Nghi Loan Ti" (phục vụ nghi lễ cho hoàng tộc) và kiêm cả nhiệm vụ bảo vệ kinh thành.
Tạo hình Cẩm Y Vệ trong một bộ phim điện ảnh (Ảnh: Sohu.com)
Có thể nói Cẩm Y Vệ thời Minh đảm bảo rất nhiều chức năng mà trong đó, duy trì sự an toàn cho hoàng gia là chức năng chính. Họ chính là cánh tay phải của nhà vua, là lực lượng cốt yếu của triều đình.
Sau hơn 5 năm thành lập, Cẩm Y Vệ đã có lực lượng lên tới 5.500 người. Hình ảnh tiêu chuẩn của Cẩm Y Vệ chính là "Thân mang Phi Ngư Phục, Eo thắt Tú Xuân Đao".
Vậy, Cẩm Y Vệ có những bí mật sứ mệnh gì?
Cẩm Y Vệ phụ trách nuôi cả... voi
Có vẻ khó tin nhưng đây là sự thực, Cẩm Y Vệ có nhiệm vụ chăm sóc cả những chú voi của triều đình và đây là công việc rất được coi trọng. Trong các cơ quan của Cẩm Y Vệ có một cơ quan gọi là "Thuần Tượng Sở" , có nhiệm vụ trông coi và huấn luyện voi. Ở Trung Quốc thời đó, voi là loài hiếm có.
Voi cũng sẽ xuất hiện trong các nghi lễ lớn của nhà Minh. Từ thời cổ đại, voi được coi là loài động vật tượng trưng cho "Thái Bình".
Trong cuốn "Dã Hạch Biên Lịch Sử" của Thẩm Đức Phù (một nhà văn và là một vị quan dưới triều Minh) cũng viết: "Phàm khi đại triều có hội lớn, voi phục vụ sẽ xuất hiện rất nhiều, còn trong các lễ nghi bình thường thì sẽ có sáu con voi".
Còn trong một số sử liệu khác thì nói hoàng gia tổ chức lễ "Đại Tự" (cúng tế tổ tiên) thì có thể huy động tới 31 con voi. Đây là một số lượng lớn voi rất cần người trông nom, quản lý và Cẩm Y Vệ luôn được tin tưởng giao cho nhiệm vụ này.
Cẩm Y Vệ cũng có thể xuất hiện trên chiến trường
Một trong những chức năng quan trọng khác của Cẩm Y Vệ là đồng hành cùng quân đội. Vào những năm Vĩnh Lạc dưới thời của Minh Thành Tổ Chu Đệ, ông đã tuyển chọn khoảng 5000 người trong Cẩm Y Vệ để tham gia cuộc chiến bắc phạt.
Còn dưới thời Minh Anh Tông, Cẩm Y Vệ cũng xuất hiện trong sự biến Thổ Mộc Bảo, khi quân Minh do đích thân hoàng đế chỉ huy đối đầu với người Ngõa Lạt (tức Mông Cổ) và hầu hết họ cũng bị giết khi triều đình phải chịu thất bại nặng nề còn nhà vua bị bắt làm con tin.
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương là người lập ra Cẩm Y Vệ.
Theo một khía cạnh nào đó, thì Cẩm Y Vệ trên chiến trường được coi là lực lượng đặc biệt, đảm nhận vai trò chiến đấu lẫn bảo vệ hoàng đế. Điều này cũng dễ hiểu bởi những người tham gia Cẩm Y Vệ đều phải có võ nghệ cao cường.
Có phải Cẩm Y Vệ lúc nào cũng mặc "Phi Ngư Phục" và cầm "Tú Xuân Đao"?
Trên thực tế, hình ảnh mặc Phi Ngư Phục và tay cầm Tú Xuân Đao không phải lúc nào cũng xuất hiện. Nếu trong phim ảnh hoặc tiểu thuyết võ hiệp luôn miêu tả hình tượng như vậy thì đó chỉ là sản phẩm của hư cấu. Không phải cứ người nào của Cẩm Y Vệ thì người đó sẽ có Phi Ngư Phục và được trao cho Tú Xuân Đao.
Cũng giống như các hình tượng rồng, phượng, kỳ lân trên áo mũ của vua hay quan lại. Phi Ngư Phục là được coi là trang phục có hình tượng cá đang vươn cao, không phải ai cũng có thể mặc.
Chỉ có "Đường Thượng Quan" trong một đơn vị Cẩm Y Vệ (cấp trưởng quan có hàm cao tương ứng với người đứng đầu nha môn) mới được mặt Phi Ngư Phục mà cũng chỉ mặc trong các thời điểm thích hợp như xuất hiện trong các lễ nghi bảo vệ hoàng gia. Còn các lính Cẩm Y Vệ thông thường thì chỉ mặc trang phục gọi là "Thanh Lục Cẩm Tú Phục" (áo gấm màu xanh lá).
Tranh minh họa một chuyến tuần du của hoàng đế, Cẩm Y Vệ là những người đi đầu để bảo vệ (Ảnh: Sohu.com)
Còn "Tú Xuân Đao" cũng không phải là loại vũ khí có thể dễ dàng thấy được ngay cả khi một người đã gia nhập Cẩm Y Vệ. Dựa theo các ghi chép lịch sử về vũ khí thì "Tú Xuân Đao" có xuất xứ từ một loại đao còn gọi là đao "Nhạn Linh".
Đặc điểm của nó là dài, mỏng, cạnh khá sắc, hình dáng đẹp, gọn gàng, như vậy là tương đối mang nặng tính nghi thức.
Vì vậy, một sản phẩm như thế không thể sản xuất số lượng quá lớn trong khi lực lượng Cẩm Y Vệ không phải là ít, có thời điểm lên tới 15 vạn người. Nên Tú Xuân Đao có thể chỉ được dùng bởi các cấp cao trong lực lượng này mà thôi.
Như vậy có thể nói, hình ảnh Phi Ngư Phục và Tú Xuân Đao của Cẩm Y Vệ không phải hình ảnh phổ thông tùy tiện. Hình tượng đẹp và xuất chúng như vậy được tô điểm lên cũng vì bởi đây là lực lượng chịu sự giám sát trực tiếp của hoàng đế, nhiệm vụ của họ gắn liền với hoàng gia nên cần được miêu tả long lanh hơn mức bình thường cũng là điều dễ hiểu.
Thời nhà Minh, "Tú Xuân Đao" thường dành cho những người có chức vụ nhất định trong lực lượng Cẩm Y Vệ. Nó không chỉ là vũ khí chiến đấu mà còn là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, quân tử, lòng trung quân báo quốc của một đấng nam nhi trong thiên hạ.
Độ dài và trọng lượng các bộ phận của "Tú Xuân Đao" (Ảnh: Sohu.com)
Đây là thanh đao có độ dài tổng thể là hơn 77cm một chút. Trong đó phần đao là 52cm, phần cán đao dài gần 16cm, độ dày bề ngang chỉ khoảng 0,7 cm, bao đựng đao dài 60cm. Trọng lượng đao là 1,24kg, còn riêng bao đựng đao sẽ có trọng lượng 0,6kg.
Hình ảnh "Tú Xuân Đao" được phục dựng và tái hiện chi tiết (Ảnh: Sohu.com)
Với hình dạng và cân nặng như vậy, khá tiện dụng cho người dùng lẫn đảm bảo tính thẩm mỹ trong việc tham gia các lễ nghi triều đình.
Tham khảo: SOHU