Bí mật lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Cả trăm binh sĩ đất nung được "đi spa" suốt 2000 năm

Nguyễn Hằng |

Phát hiện hàng nghìn bức tượng binh sĩ đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng thực sự gây chấn động, nhưng việc bảo quản và phục dựng "cổ vật" này cũng không dễ dàng.

LTS: Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được coi là một trong những phát hiện khảo cổ chấn động nhất của thế kỷ 20.

Hơn 40 năm sau phát hiện lần đầu, nhưng đến nay đội quân gồm hơn 8.000 tượng binh sĩ đất nung vẫn còn là một ẩn số lớn đối với các nhà khảo cổ trên thế giới.

Bài viết này là hành trình trải nghiệm thực tế của phóng viên Brook Larmer, đăng trên tạp chí lừng danh thế giới National Geographic (chúng tôi chuyển ngữ - người dịch). Nó sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về quá trình khám phá những bức tượng "ngủ quên" hơn 2.000 năm dưới lòng đất và cách phục dựng chúng tại Bảo tàng Binh Mã Dũng, Trung Quốc.

Bài 1: Bí ẩn màu sắc của đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Bài 2: Bí ẩn kỹ thuật bảo quản tượng đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Tượng binh sĩ đất nung vẹn nguyên nhờ lớp bùn "lạ"

Ngày nay, nhờ sự kết hợp của các kỹ thuật bảo quản mới xen lẫn một chút may mắn, đã cho chúng ta thấy được màu sắc thật sự của những bức tượng đất nung trong lăng mộ hoàng đế Tần Thủy Hoàng.

Theo đó, một cuộc khai quật kéo dài 3 năm tại địa điểm khảo cổ nổi tiếng gọi là Hố số 1, đã giúp các nhà khảo cổ tìm thấy hơn 100 bức tượng binh sĩ.

Cụ thể, một số vẫn còn được giữ được dáng vẻ gần như nguyên vẹn màu sắc của sơn, bao gồm mái tóc màu đen, đôi mắt màu đen hoặc nâu, mặt của tượng binh sĩ đất nung được tô màu trắng, xanh lục hoặc hồng.

Bí mật lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Cả trăm binh sĩ đất nung được đi spa suốt 2000 năm - Ảnh 2.

Dựa vào các bức tượng đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, các nhà nghiên cứu nhận thấy cớ sự phân chia rõ ràng về trang phục theo các cấp bậc. Cụ thể, binh lính mặc vải thường, trong khi các sĩ quan sẽ được mặc quần áo bằng lụa.

Những mẫu vật bảo quản tốt nhất được tìm thấy ở đáy hố, nơi mà một lớp bùn được tạo ra nhờ địa hình ngập nước.

Lớp bùn đóng vai trò như một loại nguyên liệu được sử dụng trong spa này có khả năng bảo vệ tốt đến mức đáng ngạc nhiên, dù thời gian các mẫu vật ở dưới lòng đất đã hơn 2.000 năm.

Tuy nhiên, cuộc khai quật cuối cùng ở Hố số 1 đã bị hoãn lại vào năm 1985 sau khi một công nhân đánh cắp một bức tượng chiến binh.

Tần Thủy Hoàng (210 – 259 trước Công nguyên) là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, có công thống nhất đất nước và có tầm ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử của quốc gia này. Ông để lại nhiều công trình khổng lồ, kỳ vĩ nhưng còn không ít nghi vấn cho hậu thế dù đã yên nghỉ hơn 2.000 năm qua.

Trong khoảng thời gian dài gián đoạn, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phối hợp làm việc với các chuyên gia từ Phòng Bảo tồn tiểu bang Bavarian ở Đức để phát triển một chất bảo quản có tên là PEG (polyethylene glycol) nhằm giúp bảo vệ màu sắc của các bức tượng binh sĩ đất nung trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.

Trong cuộc khai quật gần đây, thời điểm một bức tượng đất nung được khai quật, các công nhân đã phun một chút màu với dung dịch này, sau đó bọc hiện vật bằng bao nhựa để bảo vệ và giữ độ ẩm.

Những mảnh đất nung có màu sắc nhất cũng được đưa đến một phòng thí nghiệm ngay tại đó để tạo tác thêm. Các kỹ thuật hiện đại để bảo quản màu sắc cổ xưa trên những bức tượng đất nung dường như đang hoạt động "khá tốt" .

Trong một hào hẹp ở phía bắc của Hố số 1, nhà khảo cổ Shen Maosheng dẫn tôi đi qua những thứ trông giống như bao đất nung nằm trên nền đất đỏ.

Bí mật lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Cả trăm binh sĩ đất nung được đi spa suốt 2000 năm - Ảnh 4.

Khuôn mặt của các bức tượng binh sĩ đất nung có màu hồng, xanh lục hoặc trắng, rất khó hiểu và bí ẩn.

Trên thực tế, túi đựng bằng đất nung vẫn có rải rác những mũi tên bằng đồng. Nhà nghiên cứu Shen và tôi đi vòng quanh tàn tích của một chiếc xe ngựa mới được khai quật, và sau đó dừng lại bên cạnh tấm nhựa phủ.

Bí mật lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Cả trăm binh sĩ đất nung được đi spa suốt 2000 năm - Ảnh 5.

Cỗ xe tứ mã trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Pinterest

Shen hỏi tôi: "Anh muốn nhìn thấy cổ vật vừa khai quật không?"

Nâng tấm nhựa bên ngoài ra, nhà khảo cổ Shen tiết lộ tấm khiên dài khoảng gần 1 mét. Gỗ đã mục, rời ra, nhưng thiết kế tinh vi của tấm lá chắn này vẫn "hoàn hảo" với màu sắc rực rỡ như màu đỏ, xanh và trắng được in trên mặt đất.

Đi tiếp vài bước, tôi lại thấy một cái trống dùng trong quân đội còn nguyên vẹn hằn in hình khối trên đất. Bề mặt da của trống có những đường vẽ được nhuộm đỏ, trông đẹp giống như tóc người.

Phát hiện quý nhưng bảo quản hết sức thận trọng

Ngoài ra, nhiều ấn phẩm như dệt lụa tơ tắm và hàng dệt lanh cũng được tìm thấy ở đây. Theo các nhà nghiên cứu, số hiện vật này cung cấp những đầu mối thông tin về văn hóa nghệ thuật đã từng phát triển mạnh dưới thời nhà Tần và bảng màu sắc sống động, rực rỡ thường được sử dụng.

Với rất nhiều màu sắc và dấu ấn nghệ thuật được in trên nền đất trong hầm mộ, để lộ ra màu sơn cổ. Tuy nhiên, loại sơn này lại bị bám chặt vào bụi bẩn hơn so với sơn mài. Do đó, các nhà bảo tồn Trung Quốc hiện đang cố gắng để giữ gìn lớp đất đặc biệt này.

Bí mật lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Cả trăm binh sĩ đất nung được đi spa suốt 2000 năm - Ảnh 6.

Những mảnh ghép đất nung tiết lộ trang phục của đội quân bảo vệ hoàng đế Tần Thủy Hoàng ở thế giới bên kia cũng rất chỉn chu. Hầu hết, các binh sĩ đều mặc chiếc áo dài đến đầu gối và phần bụng có chiếc đai lưng. Ngoài ra, phần bắp tay và vai còn được trang bị thêm lớp giáp để bảo vệ. Thần thái oai phong, tay của những binh sĩ được chế tác uốn cong trong tư thế cầm vũ khí, giống như thể họ luôn sẵn sàng chiến đấu.

Rong Bo, nhà hóa học hàng đầu tại Bảo tàng Binh Mã Dũng, cho biết: "Chúng tôi đang nghiên cứu nền đất trong lăng mộ như là một hiện vật". Việc gìn giữ và tìm ra cách bảo quản sẽ giúp màu sắc cổ đại trên nền đất không bị mất.

Nhà nghiên cứu Rong Bo chia sẻ, thách thức tiếp theo đối với các chuyên gia đó là sẽ tìm ra phương pháp thích hợp có thể phục dựng được những màu sắc cổ này để áp dụng điểm màu sống động cho các bức tượng binh sĩ đất nung.

Bí mật lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Cả trăm binh sĩ đất nung được đi spa suốt 2000 năm - Ảnh 7.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng hơn 2.200 năm nhưng vẫn còn quá nhiều bí ẩn thách thức hậu thế. Ảnh minh họa

Phát hiện về màu sắc cổ có lẽ chỉ chiếm ít hơn 1% bí ẩn của lăng mộ Tần Thủy Hoàng rộng lớn và đầy phức tạp vẫn đang được tiếp tục khai quật và tiến hành nghiên cứu cho đến ngày nay.

Rất có thể phải mất hàng thế kỷ để khám phá ra hết tất cả những gì vẫn còn ẩn giấu trong lăng mộ. Tuy nhiên, tốc độ của các phát hiện đang nhanh hơn.

Trong năm 2011, Bảo tàng Binh Mã Dũng đã đưa ra hai dự án khai quật dài hạn ở bên sườn mô đất đắp nổi cao 76 mét bao bọc lăng mộ.

Bí mật lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Cả trăm binh sĩ đất nung được đi spa suốt 2000 năm - Ảnh 8.

Đội quân đất nung được chế tác tỉ mỉ qua bàn tay tài hoa của những người thợ cách đây hơn 2.200 năm. Ảnh minh họa

Trước đó, cách đây một thập kỷ, cuộc khảo sát ở khu vực này cũng tìm ra một nhóm bức tượng diễn viên nhào lộn và những người đàn ông mạnh khỏe, rắn rỏi bằng đất nung.

Wu Yongpi, Giám đốc Viện Bảo tàng Binh Mã Dũng nhận định: "Các cuộc khai quật quy mô lớn hơn sẽ mang lại những khám phá đáng kinh ngạc".

Quay trở lại, tôi thấy nghệ nhân Yang đang thắt chặt đai dây để giữ tượng binh sĩ đất nung lại với nhau. Phần đầu của bức tượng vẫn được bọc bằng lớp bao bằng nhựa để duy trì độ ẩm cần thiết, hạn chế quá trình phong hóa, bị vi khuẩn phá hoại.

Màu sắc sống động của bức tượng được bảo tồn và chiến binh đất nung này sẽ được trưng bày tại Bảo tàng với tất cả những dấu ấn, vết nứt thời gian trong suốt 2.200 năm thăng trầm dưới lòng đất.

Trong những ngày đầu của cuộc khai quật ở Tây An, những mảnh vỡ và tình trạng khiếm khuyết của các bức tượng binh sĩ đất nung đã được các chuyên gia kết dính, ghép nối lại.

Bí mật lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Cả trăm binh sĩ đất nung được đi spa suốt 2000 năm - Ảnh 9.

Các nhà khảo cổ cho rằng nhờ chế tác tài hoa, tỉ mỉ trong từng chi tiết của những người thợ tài hoa thời cổ đại, mà họ có thể nhận biết được tướng mạo, tính cách hiền lành hay dữ tợn của các bức tượng binh lính, sĩ quan bằng đất nung.

Bây giờ, những mảnh vỡ đã dần được thay thế bằng thành quả là một đội quân đất nung hàng nghìn người đang dần hình thành ở ngay trên đầu ở hầm hào thuộc phía tây của khu vực khai quật.

Nghệ nhân Yang nở nụ cười khiêm tốn khi nói về tác phẩm của mình: "Không có gì đặc biệt".

Bà và những người bạn của mình lại bắt đầu quay trở lại công việc "thầm lặng", tỉ mỉ nhưng cũng không kém phần tâm huyết.

Đó là phục dựng, ghép nối, gắn kết những mảnh vỡ đất nung để tạo nên thành quả là hàng nghìn bức tượng binh sĩ đất nung với màu sắc sống động như thật trong bảo tàng mà chúng ta được chiêm ngưỡng như ngày nay.

Đội quân đất nung cũng như lăng mộ Tần Thủy Hoàng có lẽ vẫn còn là một ẩn số lớn đối với các nhà khoa học, dù đã dành gần nửa thế kỷ để nghiên cứu, khai quật và tìm kiếm.

Tham khảo nguồn: NatGeo/Ảnh: O. Louis Mazzatenta

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại