Nằm sâu bên dưới bề mặt Trái Đất mà chúng ta đang sinh sống, có rất nhiều vi khuẩn "xác sống" và các dạng sống đang phát triển mạnh mà các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu hiểu được.
Sau một thập kỷ, nghiên cứu của hơn 1.000 nhà khoa học thuộc chương trình "Deep Carbon Observatory" (DCO) đã làm thay đổi nhận thức về sự sống trên hành tinh của chúng ta.
Nhà nghiên cứu Karen Lloyd tại ĐH Tennessee ở Knoxville (Mỹ), giải thích:
"Mười năm trước, chúng tôi chỉ tiến hành lấy mẫu ở một vài địa điểm, những nơi mà chúng tôi mong muốn tìm thấy sự sống. Giờ đây, nhờ lấy mẫu được ở khoảng cách cực sâu, chúng tôi nhận ra rằng có thể tìm thấy chúng ở khắp mọi nơi, mặc dù việc lấy mẫu rõ ràng chỉ là chạm đến một phần cực kỳ nhỏ của sinh quyển sâu".
Theo đó, mới đây, các nhà khoa học đã lần đầu đưa ra những tính toán cụ thể về kích thước của hệ sinh quyển ở sâu bên dưới mặt đất.
Cụ thể, các chuyên gia ước tính có khoảng 70% tổng số vi khuẩn và vi khuẩn cổ trên hành tinh hiện được cho là đang sống dưới lòng đất. Hệ sinh quyển này lên tới khoảng 15-23 tỷ tấn carbon, tức là lớn hơn gấp hàng trăm lần so với khối lượng carbon của toàn bộ cuộc sống con người trên mặt đất.
Đặc biệt, các chuyên gia phát hiện ra rằng "sinh quyển sâu" bên dưới lòng đất khoảng từ 2-2,3 tỷ km3, lớn gần gấp đôi so với thể tích của tất cả các đại dương trên thế giới.
Các nhà khoa học phát hiện ra nhiều loại vi khuẩn, vi khuẩn cổ ở bên dưới lòng đất. Ảnh: CNN
Để có thể lấy được những bằng chứng thuyết phục, những nhà khoa học đã tiến hành lấy các mẫu vi khuẩn từ các mỏ ở hàng trăm địa điểm trên toàn thế giới, với lỗ khoan sâu lên đến hơn 5km ở bên dưới bề mặt Trái Đất.
Những phát hiện dường như đã làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta về sự sống trên Trái Đất và có ý nghĩa với khả năng phát hiện tương tự trên các hành tinh khác.
Mitch Sogin, nhà vi trùng học tại Marine Biological Laboratory ở Woods Hole, Massachusetts (Mỹ), chia sẻ rằng: "Khám phá ở sâu bên dưới bề mặt giống như là khám phá rừng nhiệt đới Amazon. Có sự sống ở khắp mọi nơi và ở khắp nơi có nhiều sinh vật không ngờ và bất thường".
Mặc dù điều kiện vô cùng khắc nghiệt, nhưng ở sâu bên dưới bề mặt Trái Đất vẫn còn tồn tại một hệ sinh quyển khổng lồ. Ảnh:
Đáng chú ý là những dạng sống này không chỉ trông khác thường về ngoại hình và môi trường sống, mà còn thể hiện ở cách chúng tồn tại với vòng đời cực kỳ chậm, trong điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt khi không có ánh sáng, áp lực cực mạnh, sức nóng cực lớn và gần như không tồn tại một ít chất dinh dưỡng nào.
Chia sẻ với tờ The Guardian, Lloyd cho biết: "Điều kỳ lạ nhất đối với tôi là một số sinh vật có thể tồn tại tới hàng thiên niên kỷ. Chúng hoạt động trao đổi chất nhưng sử dụng rất ít năng lượng mà chúng ta nghĩ là có thể hỗ trợ cho sự sống".
Các nhà nghiên cứu hy vọng hệ sinh quyển này có thể giúp giải đáp nhiều câu hỏi về việc làm thế nào mà các vi sinh vật có thể tồn tại và sinh sản trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, cũng như thắc mắc về những giới hạn của sự sống trên Trái Đất, và nhiều bí ẩn của hành tinh mà chúng ta đang sinh sống.
Theo dự kiến, báo cáo cuối cùng từ chương trình nghiên cứu của DCO sẽ được công bố vào tháng 10/2019.
Tham khảo nguồn: Sciencealert, CNN