Thiên thạch khổng lồ lao vào Trái Đất là một trong những kịch bản gây lo lắng nhất đối với các nhà khoa học hiện đại liên quan sự tồn vong của Trái Đất, bởi trong quá khứ, Trái Đất đã từng phải hứng chịu sự kiện thảm khốc nhất trong lịch sử tồn tại của mình.
Đó là sự kiện thiên thạch Chicxulub đâm vào Trái Đất cách đây 66 triệu năm, xóa sổ gần như toàn bộ sự sống trên hành tinh chúng ta, khiến loài khủng long tuyệt chủng hoàn toàn, 75% các loài động vật và thực vật trên hành tinh mãi mãi trở thành cát bụi.
Nếu như trước đây các nhà khoa học còn hoài nghi về sự kiện 3/4 sự sống trên Trái Đất bị hủy diệt vì thiên thạch thì nay các nhà khoa học Mỹ đã có phát hiện bổ sung cho sự kiện này.
Theo đó, các nhà cổ sinh vật học tại Đại học Kansas (Mỹ) đã tìm thấy hóa thạch của một loài cá thuộc bộ Acipenseriforms (Cá Tầm) niên đại 66 triệu năm, được bảo quản tự nhiên trong điều kiện rất tốt tại Tanis, thuộc Thành hệ Hell Creek ở bang Bắc Dakota, Mỹ (đây là một thành hệ được nghiên cứu kỹ lưỡng có niên đại từ kỷ Creta muộn và kỷ Paleocen sớm tại Bắc Mỹ).
Hóa thạch cá tầm niên đại 66 triệu năm được các nhà nghiên cứu trường ĐH Kansas (Mỹ) và ĐH Manchester (Anh) phát hiện. Nguồn: Getty Images/CNN
Robert DePalma, tác giả chính của công trình nghiên cứu, nói với The Guardian rằng sóng xung kích khổng lồ từ vụ nổ của thiên thạch Chicxulub đã giết chết các loài cá ngọt, động vật có xương sống, động vật biển... Chúng chết vài phút trước khi phần còn lại của thiên thạch đâm sầm vào Trái Đất.
Điều khiến cho phát hiện này trở nên đặc biệt là trạng thái của hóa thạch được bảo quản tự nhiên một cách tuyệt vời. Các hóa thạch được bảo quản theo hình dáng ba chiều, chúng không hề bị nghiền nát mà giữ được hình dáng như ban đầu, David Burnham, đồng tác giả cho biết.
"Chúng bị thiêu sống nhanh chóng sau sự kiện thiên thạch phát nổ tạo sức nóng khủng khiếp, len lỏi tận xuống đại dương.", ông David Burnham nói thêm.
Sẽ thật khó tưởng tượng nếu khủng long còn sống đến tận ngày này! Ảnh minh họa
Dưới ý nghĩa khoa học, các nhà nghiên cứu cho biết, việc thiên thạch Chicxulub đâm vào Trái Đất khi đó, dù xóa sổ hoàn toàn khủng long và nhiều loài động vật khác nhưng lại mở đường cho sự phát triển của loài người. Sẽ thật khó tưởng tượng nếu khủng long còn sống đến tận ngày này!
Phát hiện mới nhất này được công bố ngày 1/4/2019 trên Proceedings of the National Academy of Sciences.
Hố va chạm Chicxulub đường kính hơn 180 km còn tồn tại đến tận ngày nay ở bán đảo Yucatan (Mexico) - một trong những cấu trúc chịu va chạm lớn nhất trên Trái Đất - là "vết thương" mà Trái Đất phải chịu sau cú va chạm khủng khiếp của thiên thạch Chicxulub.
Từ đường kính của hố Chicxulub, các nhà khoa học đã tính ra được kích thước, tốc độ cũng như năng lượng khủng khiếp mà thiên thạch này gây ra khi tấn công Trái Đất cách đây hàng chục triệu năm.
Theo đó, thiên thạch Chicxulub có đường kính khoảng 10.000 mét, di chuyển với vận tốc gấp 40 lần vận tốc âm thanh. Sau khi ma sát với khí quyển Trái Đất đã tạo ra vụ nổ có năng lượng tương đương 100.000 tỷ tấn TNT (gấp khoảng 7 tỷ lần một quả bom nguyên tử).
Không chỉ hủy diệt 3/4 sinh vật trên Trái Đất, vụ va chạm còn tạo ra một cơn địa chấn kèm sóng thần khổng lồ, cao hàng trăm mét. Hệ quả là tạo ra Đường biển nội địa phía tây, chia Bắc Mỹ ra làm 2 phần: Laramidia ở phía Tây và Appalachia ở phía Đông.
Sau vụ nổ, hàng nghìn tỷ hạt bụi, đá lao xuống mặt đất với tốc độ vô cùng khủng khiếp. Vì ma sát với khí quyển nên chúng tạo ra một lớp màn lửa cực nóng. Sức nóng còn duy trì đến khi chạm đất khiến cho cây cối, sinh vật bốc cháy ngay lập tức.
Các nhà khoa học ví Trái Đất lúc đó như một lò nung nóng rực. Sự sống bị hủy diệt rất khủng khiếp!
Theo dữ liệu của NASA, trong vòng 100 năm qua, Trái Đất tiếp tục hứng chịu 3 vụ nổ trên không lớn, trong đó Sự kiện Tunguska xảy ra ngày 30/6/1908 tuy nhà khoa học chưa chắc chắn là do thiên thạch gây ra nhưng hậu quả sau vụ nổ mạnh 10-15 triệu tấn TNT đã quét sạch 80 triệu cây cối và hàng loạt các loài động vật trên vùng diện tích rộng gần 2.000km² (đọc chi tiết).
Các mảnh vụn vũ trụ, thiên thạch, tiểu hành tinh đều tiềm ẩn hiểm họa tấn công Trái Đất mọi lúc. Ảnh minh họa
Với NASA, các mảnh vụn vũ trụ, thiên thạch, tiểu hành tinh đều tiềm ẩn hiểm họa tấn công Trái Đất mọi lúc, cũng bởi vậy, sứ mệnh Quan sát Vật thể gần Trái Đất (nhằm đưa ra cảnh báo cũng như loại bỏ yếu tố nguy hiểm) luôn được cơ quan của Mỹ này đặt lên hàng đầu.
Ngày nay, nhân loại đã có nhiều bước tiến trong hành trình khám phá vũ trụ. Song song với việc vươn tầm đến những hành tinh, ngoại hành tinh khác thì con người cũng cần phải có những tiến bộ khoa học vượt trội để bảo vệ chính Trái Đất - nơi nuôi dưỡng và phát triển sự sống - sao cho an toàn nhất.
Bài viết sử dụng nguồn: Sputniknews, Scitech Daily