Là những người tiên phong thực hiện các sứ mệnh không gian đầu tiên cho loài người, các anh hùng vũ trụ của thế giới xứng đáng là những huyền thoại bất tử!
Những phi hành gia được lịch sử lưu danh đó, họ gồm những ai?
Là người đầu tiên bay lên vũ trụ, Yuri Gagarin được xem là phi hành gia vĩ đại bậc nhất trong lịch sử khám phá vũ trụ của loài người kể từ năm 1961 đến nay.
Người đầu tiên bay lên vũ trụ - Yuri Gagarin. Ảnh: IMDb
Chuyến bay trên tàu Phương Đông 1 ngày 12/4/1961 đã đưa phi hành người Liên Xô lần đầu tiên trong lịch sử thoát được lực hút ngàn đời của Trái Đất, tiến thẳng vào không gian.
Năm 21 tuổi, Yuri Gagarin gia nhập Lực lượng Không quân Liên Xô và được đào tạo với vai trò là phi công lái máy bay phản lực.
Yuri Gagarin là một trong 20 tài năng vũ trụ tài giỏi nhất của Liên Xô lúc bấy giờ. Anh nằm trong danh sách tuyển chọn 20 người Liên Xô đầu tiên được đào tạo để sẵn sàng cho các sứ mệnh bay vào không gian thời đó.
Tiếp đó, anh nằm trong nhóm Sochi Six, nhóm các nhà du hành vũ trụ tài giỏi nhất, trở thành xương sống cho chương trình Vostok của Liên Xô.
Trong quá trình đào tạo, nhờ được lãnh đạo và đồng nghiệp ưu ái và công nhận, Yuri Gagarin được chọn là người đầu tiên trong lịch sử Liên Xô thực hiện sứ mệnh bay ra ngoài vũ trụ.
Kết quả thành công mỹ mãn. Anh nhanh chóng trở thành biểu tượng quốc gia, là anh hùng dân tộc, giúp Liên Xô đứng ở vị trí tiên phong trên bản đồ khai phá vũ trụ.
Ngày 12/4 năm đó trở thành "Ngày Vũ trụ", được vinh danh hàng năm tại Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Yuri Gagarin mất đột ngột vào ngày 27/3/1968. Nguyên nhân cái chết của anh không được công bố cho đến tháng 6/2013, một bản báo cáo được đưa ra nói rằng: Anh qua đời vì lỗi của phi công khác, khi đang lái tập huấn trên chiếc MiG-15(đọc chi tiết).
Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với bản báo cáo đưa ra nguyên nhân cái chết của anh hùng vũ trụ Yuri Gagarin. Bởi thế, cho đến nay, vẫn còn nhiều điều day dứt và bí ẩn xoay quanh ngày cuối cùng của Gagarin.
Alan B. Shepard Jr., tên thường gọi là Alan Shepard, là tài năng xuất chúng của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ với bằng Cử nhân khoa học, từng là phi công chiến đấu và phục vụ trên một số tàu sân bay ở Địa Trung Hải, nên Alan Shepard được chọn là một trong 110 phi công thử nghiệm quân sự gia nhập NASA. Sau đó nằm trong danh sách là 1 trong 7 người thuộc biệt đội Mercury Seven - 7 phi công đầu tiên được NASA lựa chọn để lên vũ trụ.
Ngày 5/5/1961 (gần 1 tháng sau chiến tích của Yuri Gagarin), phi hành gia Alan Shepard lái tàu vũ trụ Freedom 7 thẳng tiến vào không gian, ghi danh mình là người đầu tiên trong lịch sử bay ra ngoài vũ trụ.
Tổng thống Kennedy (phải) trao tặng huân chương cao nhất của NASA (NASA Distinguished Service Medal) cho phi hành gia Alan Shepard. Ảnh: NASA
Các năm về sau, Alan Shepard tiếp tục phục vụ cho các chương trình Mặt Trăng Apollo của NASA. Năm 1971, Alan Shepard lên đường thực hiện sứ mệnh Apollo 14 với vai trò chỉ huy, cùng với hai phi công Edgar Mitchell và Stuart Roosa.
Trong sứ mệnh này, Alan Shepard đã đánh 2 quả bóng golf trên bề mặt Mặt Trăng, các quả bóng golf bay khoảng vài trăm mét trong môi trường không trọng lực, trở thành phi hành gia đầu tiên trong lịch sử đánh golf trên Mặt Trăng.
Sau khi rời NASA, ông trở thành một doanh nhân thành đạt, về sau qua đời vì bệnh bạch cầu vào ngày 21/7/1998.
Sinh ra tại làng Maslennikovo, miền trung nước Nga ngày nay vào ngày 6/ 3/1937, Valentina Tereshkova đã sớm có niềm đam mê với việc nhảy dù ngay từ nhỏ và chăm chỉ luyện tập tại một câu lạc bộ địa phương.
Nhờ có lý lịch hoàn hảo: Gia đình có công với tổ quốc; Từng nhảy dù trước 30 tuổi; Thấp hơn 1,7m và nặng không quá 70kg, năm 1962 Valentina Tereshkova được chọn tham gia quân đoàn nữ phi hành gia; tiếp đó được Chương trình Vũ trụ quốc gia chọn là 1 trong số 5 phụ nữ xuất chúng dự kiến sẽ lên vũ trụ, sau khi vượt qua 400 ứng viên tài năng khác.
Trước khi thực hiện sứ mệnh bay đưa nữ phi hành gia đầu tiên lên vũ trụ, Valentina Tereshkova phải tham gia các khóa luyện tập dày đặc kéo dài 18 tháng, gồm: Bay không trọng lượng, thực hiện 120 chuyến nhảy dù, lái máy bay phản lực MiG-15, thuần thục các kỹ năng trên tàu vũ trụ đến các cuộc kiểm tra cách ly, kiểm tra ly tâm và các bài lý thuyết liên quan khác.
Ngày 16/6/1963, Valentina Tereshkova lên đường thực hiện sứ mệnh Vostok 6. Nữ phi hành gia 26 tuổi đã thực hiện chuyến hành trình dài tổng 2 ngày, 22 giờ, 41 phút. Bà lái con tàu Vostok 6 bay vòng quanh Trái Đất 48 vòng, với tổng quãng đường là 1,97 triệu km!
Vào thời điểm đó, số lần bay quanh Trái Đất của bà còn nhiều hơn tổng số lần mà các nhà du hành vũ trụ Mỹ thực hiện được.
Với bề dày kinh nghiệm khi làm phi công Thủy quân lục chiến Mỹ, John Glenn Jr. cũng được NASA lựa chọn vào nhóm Mercury Seven năm 1959, họ những phi công tài năng sẵn sàng cho sứ mệnh lên vũ trụ của Dự án Mercury.
Ngày 20/2/1962, phi hành gia John Glenn Jr. lên đường thực hiện sứ mệnh trên tàu vũ trụ Friendship 7. Sứ mệnh hoàn thành xuất sắc đưa ông trở thành người Mỹ đầu tiên bay vòng quanh quỹ đạo Trái Đất và người thứ 5 vào không gian (tính đến năm 1962).
Phi hành gia John Glenn Jr. và tàu vũ trụ Friendship 7. Ảnh: NASA
Với những đóng góp của mình cho ngành hàng không vũ trụ Mỹ, John Glenn Jr. được trao tặng Huân chương Danh dự của Quốc hội năm 1978.
Sau khi rời khỏi NASA năm 1964 để tham gia vào chính trường, năm 1974, ông được bầu làm Thượng nghị sĩ Mỹ, và nhiều lần tái đắc cử trước khi nghỉ hưu năm 1999.
Với cái chết của phi hành gia Scott Carpenter vào ngày 10/10/2013, John Glenn Jr. trở thành thành viên cuối cùng còn sống của đội Mercury Seven. Ông cũng là phi hành gia Mỹ duy nhất bay trong cả hai chương trình Mercury và Tàu con thoi.
Năm 2012, ông vinh dự nhân Huân chương Tự do của Tổng thống (do Tổng thống Barack Obama trao tặng tại Nhà Trắng). John Glenn Jr. mất ngày 8/12/2016.
"Đây là bước chân nhỏ bé của con người nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại" là câu nói mà phi hành gia Mỹ Neil Armstrong đúc kết sau những bước chân đầu tiên lên bề mặt Mặt Trăng cách đây 50 năm. Khi đó, 530 triệu người trên Trái Đất đang hồi hộp dõi theo những bước chân "nhỏ bé" của phi hành gia chỉ huy ấy qua truyền hình.
Ngày 16/7/1969, Neil Armstrong đảm nhận vai trò chỉ huy tàu Apollo 11 lên đường thực hiện sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng, cùng với hai phi công Buzz Aldrin và Michael Collins.
Ngày 20/7/1969, sau 76 giờ bay, phi thuyền Apollo 11 tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng. Neil Armstrong và Buzz Aldrin bước vào mô-đun Mặt Trăng mật hiệu Đại Bàng, thực hiện nhiệm vụ đổ bộ trực tiếp lên bề mặt Mặt Trăng tại Biển Tĩnh Lặng/Biển Yên Bình (Sea of Tranquility).
Bước chân đi vào huyền thoại của phi hành gia Neil Armstrong. Ảnh: NASA/NEWSMAKERS VIA GETTY IMAGES PLUS
Sau tổng 2 giờ 36 phút trên Mặt Trăng, thực hiện các việc đi bộ, khám phá bề mặt Mặt Trăng tại nơi đáp xuống, cắm lá cờ Mỹ, trò chuyện với Tổng thống Richard Nixon qua điện đàm, hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin quay trở lại Mô-đun Điều khiển, cùng Michael Collins trở về Trái Đất an toàn ngày 24/7/1969.
Sau khi nghỉ hưu tại NASA năm 1971, Neil Armstrong hoàn thành bằng thạc sĩ về kỹ thuật hàng không vũ trụ, trở thành giáo sư tại Đại học Cincinnati và là một doanh nhân tư nhân.
Vào ngày 25/8/2012, phi hành gia huyền thoại của thế giới qua đời ở tuổi 82 sau khi bị biến chứng do phẫu thuật động mạch vành. Ngày 14/9 cùng năm, hài cốt hỏa táng của ông được trang trọng rải tại một số địa điểm ở Đại Tây Dương.
Nếu như Yuri Gagarin là người đầu tiên trong lịch sử bay lên vũ trụ thì Neil Armstrong là công dân Trái Đất đầu tiên đặt chân lên một thiên thể ngoài vũ trụ. Không có bất cứ sự cân đo đong đếm cho hai sứ mệnh tiên phong này của Liên Xô và Mỹ, bởi thành tựu mà nhân loại đạt được đã vượt ngưỡng của những sự so sánh bình thường. Nhờ họ, chúng ta mới có những bước tiến vĩ đại ngoài không gian.
James Lovell Jr. sinh ngày 25/3/1928 tại Cleveland, bang Ohio. Giống như Alan Shepard, ông tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ và từng làm phi công trước khi trở thành thành viên xuất chúng của Mercury Seven.
Trong suốt sự nghiệp du hành vũ trụ của mình, James Lovell Jr. đã thực hiện một số nhiệm vụ vào không gian và phục vụ với nhiều vai trò khác nhau.
Trước khi lên đường thực hiện sứ mệnh chỉ huy tàu Apollo 8 năm 1968 - tàu vũ trụ đầu tiên đi vào quỹ đạo Mặt Trăng, James Lovell Jr. đã tham gia các sứ mệnh trên các tàu vũ trụ Gemini 7 năm 1965 và Gemini 12 năm 1966.
Ảnh minh họa.
Năm 1970, James Lovell Jr. làm chỉ huy sứ mệnh Apollo 13. Tuy nhiên, Apollo 13 gặp phải thất bại nghiêm trọng trên đường đến Mặt Trăng, nhờ có nỗ lực của phi hành đoàn với sự trợ giúp của trung tâm chỉ huy mặt đất mà Apollo 13 trờ về Trái Đất an toàn.
Nhờ những đóng góp to lớn cho ngàng vũ trụ, James Lovell Jr. được trao tặng Huân chương Danh dự của Quốc hội và Huân chương Tự do của Tổng thống.
Sinh ngày 26/5/1951, tại La Jolla, bang California, Sally Ride nhận bằng tiến sĩ của Đại học Stanford trước khi gia nhập NASA vào năm 1978.
Ngày 18/6/1983, Sally Ride trở thành nữ phi hành Mỹ đầu tiên bay lên vũ trụ, thực hiện sứ mệnh cùng phi hành đoàn của tàu con thoi Challenger trên chuyến bay STS-7.
Ở độ tuổi 32, bà là nữ phi hành gia trẻ tuổi nhất trong lịch sử tính cho đến nay bay lên vũ trụ. Một năm sau đó, bà tiếp tục thực hiện sứ mệnh bay khác trên tàu con thoi Challenger. Tổng cộng, bà đã bay trong không gian hơn 343 giờ.
Khi NASA trải qua 2 thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử: Nổ tàu con thoi Challenger(đọc chi tiết) và tàu con thoi Columbia(đọc chi tiết), Sally Ride là người duy nhất có mặt trong ủy ban điều tra của 2 vụ tai nạn tồi tệ này.
Khi bà mất năm 2012, Tổng thống Barack Obama cùng phu nhân Michelle đã gửi lời chia buồn sâu sắc. Một năm sau, bà được truy tặng Huân chương Tự do Tổng thống vì sự nghiệp cống hiến hết mình cho ngành vũ trụ Mỹ.
Bài viết sử dụng nguồn: Universe Today
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.