Trong khi so sánh tương quan về tiềm lực quân sự giữa hai cường quốc Mỹ - Nga, cái tên "Perimeter" - hệ thống tự động tiến hành đòn tấn công hạt nhân quy mô lớn của Nga - lại được các nhà bình luận quân sự nhắc đến.
Thời điểm cao trào của Chiến tranh Lạnh, do lo ngại một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu từ Mỹ, ban lãnh đạo Liên Xô đã yêu cầu phát triển một hệ thống chỉ huy mới nhằm đảm bảo đòn trả đũa vẫn được triển khai trong trường hợp các đường dây liên lạc chỉ huy của lực lượng tên lửa chiến lược bị phá hủy.
Thông thường, việc điều khiển, chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược của Liên Xô được thực hiện thông qua chiếc vali hạt nhân, tuy nhiên nhược điểm của phương thức này là vẫn cần đến mệnh lệnh của người chỉ huy tối cao.
Ngày 30-8-1974, sắc lệnh mật số 695-227 của lãnh đạo tối cao Liên Xô giao cho Phòng Thiết kế Dnepropetrovsk, một tổ hợp chế tạo tên lửa xuyên lục địa, nhiệm vụ thiết kế hệ thống phản công hạt nhân Perimeter.
Ban đầu, các nhà khoa học Liên Xô áp dụng biện pháp sao lưu dữ liệu để bảo đảm lệnh điều khiển chắc chắn sẽ tới được mọi kíp phóng. Sau đó, họ nảy ra ý tưởng sử dụng các tên lửa đạn đạo có trang bị các bộ truyền phát sóng radio cực mạnh, đóng vai trò như đường truyền dẫn thông tin tới các bệ phóng vũ khí hạt nhân.
Tên lửa đạn đạo UR-100UTTKh (được phía NATO đặt cho tên gọi Spanker) là trung tâm của hệ thống này. Thay vì bay thẳng tới mục tiêu đối phương, tên lửa đạn đạo trang bị hệ thống truyền dẫn sẽ bay trên bầu trời Liên Xô, gửi lệnh phóng tới tất cả tên lửa được đặt trong hầm ngầm, máy bay, tàu chiến, bệ phóng mặt đất.
Hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động mà không cần đến bất kỳ sự can thiệp nào từ con người. Quyết định phóng tên lửa được thực hiện bởi hệ thống kiểm soát tự động được phát triển trên cơ sở trí thông minh nhân tạo phức tạp.
Các lần phóng thử nghiệm cho thấy toàn bộ các thành phần trong hệ thống Perimeter đều tương tác thành công với nhau, và đầu đạn phát tín hiệu phóng gắn trên quả tên lửa luôn bay theo quỹ đạo đã định.
Trong trường hợp lãnh đạo cấp cao Liên Xô nhận được thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm có một nước khác đã phóng tên lửa vào Liên Xô, Perimeter cũng được kích hoạt ở giai đoạn báo động.
Sau đó, khi không nhận được lệnh hủy báo động trong thời gian nhất định, tên lửa sẽ được phóng đi. Điều này sẽ giúp loại bỏ yếu tố con người và bảo đảm sẽ có đòn giáng trả hạt nhân ngay cả khi các đội điều khiển, phóng tên lửa bị tiêu diệt hoàn toàn.
Để đảm bảo không xảy ra một vụ phóng không kiểm soát, trước khi phóng, Perimeter sẽ kiểm tra các tham số được gửi về trung tâm chỉ huy từ bốn kênh: thông tin từ các cuộc đàm thoại trong không gian điện từ, thông tin từ về trường phóng xạ và các nguồn bức xạ khác tại các điểm kiểm soát, thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm về các vụ phóng tên lửa và cuối cùng là phân tích dữ liệu địa chấn.
Bộ não điện tử của hệ thống sau khi tổng hợp bốn kênh thông tin sẽ đưa ra kết luận về tình huống một vụ tấn công hạt nhân quy mô lớn.
Nếu có dấu hiệu xảy ra, hệ thống kiểm tra tiếp tục "xem xét" có hệ thống liên lạc nào còn kết nối với Bộ Tổng tham mưu hay không. Nếu cơ quan đầu não của quân đội vẫn duy trì liên lạc, hệ thống Perimeter sẽ tự động ngắt.
Nếu Bộ Tổng tham mưu không có phản ứng, Perimeter sẽ gửi yêu cầu tới chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược-chiếc cặp hạt nhân Kazbek nằm trong tay Tổng Bí thư Liên Xô.
Nếu tiếp tục không nhận được phản hồi từ Kazbek, hệ thống kiểm soát sẽ cho phép bất kỳ một chỉ huy nào ở hầm chứa tên lửa hạt nhân quyền ra quyết định. Chỉ khi không nhận được mệnh lệnh nào nữa, nó mới bắt đầu thực hiện chuỗi hành động đáp trả thực sự.
Đến tháng 11-1984, tên lửa UR-100UTTKh mang theo đầu đạn phát tín hiệu được phóng từ Polotsk và truyền lệnh phóng tới một hầm chứa tên lửa đạn đạo RS-20 (SS-18 Satan) ở Baikonur-sân bay vũ trụ của Liên Xô. Quả RS-20 này được phóng lên và nhắm trúng mục tiêu ở trường bắn Kura, trên bán đảo Kamchatka.
Tháng 1-1985, Perimeter được chính thức biên chế vào lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược Liên Xô. 5 năm sau, hệ thống được nâng cấp và hiện đại hóa, mang mật danh là "Perimeter - RC".
Theo Hiệp định START-1, hệ thống được dừng trực chiến. Từ đó, không một ai nhắc đến "Perimeter" nữa. Tuy nhiên, hệ thống một lần nữa đã được tái kích hoạt và đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu sau khi hết thời hạn hiệu lực của START-1 (tháng 12-2009).
Một câu hỏi lớn mà các nước trong khối NATO và Mỹ ráo riết tìm lời giải đáp: Trung tâm điều khiển hệ thống tự động đáp trả tên lửa hạt nhân ấy nằm ở đâu?
Chỉ đến năm 1992, chính phủ Mỹ mới biết đến sự tồn tại của một căn cứ ngầm bí mật tại vùng núi Kosvinsky nằm sâu trong dãy Ural, cách Moscow 1.368 km về hướng đông.
Giới tình báo và quân sự Mỹ cho rằng, đây là địa điểm phát triển, sản xuất vũ khí hạt nhân cũng như thực hiện nhiều chương trình quân sự khác nhằm tránh tai mắt từ các vệ tinh do thám của Washington.
Lầu Năm Góc còn tin rằng căn cứ hoạt động như một trung tâm chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạt nhân của Nga. Các tên lửa đạn đạo được cất giấu tại đây có khả năng vận hành tự động hoặc được điều khiển từ xa, sẵn sàng đáp trả trong trường hợp nổ ra chiến tranh hạt nhân.
Vào năm 1997, CIA đưa ra một báo cáo: "Năm 1996, Tổng thống Nga B. Yeltsin ban hành 3 sắc lệnh về kế hoạch phản ứng khẩn cấp, với sự giám sát xây dựng cơ sở ngầm để duy trì vai trò lãnh đạo trong một cuộc chiến tranh hạt nhân".
Theo báo cáo này, các hình ảnh vệ tinh chụp núi Yamantau gần thị trấn Beloretsk, cũng thuộc dãy Ural cho thấy sự xây dựng "một phức hợp ngầm rất sâu" và công trình xây dựng ở hai khu hỗ trợ trên mặt đất.
CIA xác định một pháo đài ngầm từng được các lãnh đạo Nga sử dụng ở Voronovo, một vị trí cách Moscow 46 dặm về phía nam. Pháo đài ngầm thứ hai ở Sharapovo, cách Moscow gần 84km, được trang bị một chuyến xe điện ngầm đặc chủng chạy thẳng đến đó.
Tất cả các pháo đài bí mật và những thành phố đặc biệt của Nga đều có sự kiểm soát của Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) và Cục đặc biệt Phủ Tổng thống Nga, nên không có nhiều thông tin về những vị trí này.
Thỉnh thoảng, thông tin được chuyển cho giới truyền thông về hệ thống pháo đài ngầm này, chủ yếu là từ hồ sơ giải mật của Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB).
Báo Vzglyad (Quan điểm) đưa tin rằng: "Một thành phố ngầm có thể chứa 15.000 người nằm ở quận Ramenski, khu vực giữa Trường Đại học tổng hợp quốc gia Moscow với đường Udaltsov. Và một dinh thự ngầm dành cho Tổng thống Nga và chỉ huy quân sự gần khu nghỉ dưỡng miền núi Abzakovo".
Trang tin điện tử Gazeta.ru thì nêu: "Mezhgorie là một thành phố kín ở núi Yamantau thuộc dãy núi Ural và được xây thời Chiến tranh Lạnh. Nó thường được giới truyền thông gọi là pháo đài của Putin".
Đến nay, hệ thống Perimeter vẫn thường xuyên được Nga nâng cấp nhằm đảm bảo năng lực trả đũa hạt nhân của mình.
Lần công khai xác nhận sự hiện diện của Perimeter gần đây nhất là vào năm 2015, khi đó Tướng Andrey Burbin, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm các lực lượng tên lửa chiến lược Nga, khẳng định: "Nếu chúng tôi bị tấn công hạt nhân, dù hoàn toàn bất ngờ, trong bất cứ điều kiện nào, chúng tôi đều có thể đảm bảo thực hiện đòn phản công".