Trong buổi họp báo công bố những phát hiện về sự sống trong Hệ Mặt trời của NASA ngày 13/4/2017 mà chúng tôi tường thuật trực tiếp đến độc giả (đọc tại đây), cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ cung cấp những thông tin đáng mừng trong hành trình tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh trong Thái Dương Hệ.
Sau hơn 20 năm thực hiện sứ mệnh, cả tàu vũ trụ Cassini và kính viễn vọng không gian Hubble đều cung cấp cho chúng ta 2 vệ tinh (mặt trăng) "ứng viên sáng giá nhất" cho sự sống ngoài hành tinh trong Hệ Mặt trời, đó là: Enceladus và Europa.
Europa là mặt trăng của sao Mộc (hành tinh đứng thứ 5 trong Hệ Mặt trời) - Enceladus là mặt trăng của sao Thổ (hành tinh đứng thứ 6 trong Hệ Mặt trời).
Ứng viên sáng giá thứ 1:
Mặt trăng Enceladus
1. Lịch sử khám phá Enceladus của loài người - Những cột mốc đáng nhớ
Ngày 28/8/1789, nhà thiên văn học người Anh gốc Đức Fredrick William Herschel (1738 - 1822) là người có công phát hiện vệ tinh Enceladus sau khi dùng kính thiên văn lớn nhất thế giới thời bấy giờ quan sát sao Thổ.
Ngày 5/9/1977, NASA phóng tàu vũ trụ Voyager 1, với nhiệm vụ đầu tiên là "thám thính" sao Mộc, sao Thổ và các vệ tinh quay xung quanh 2 hành tinh này. Ngày 20/8/1977, NASA tiếp tục phóng tàu Voyager 2.
3 năm sau khi phóng tàu Voyager 1 và gần 200 năm sau khi phát hiện Enceladus, ngày 12/11/1980, tàu vũ trụ Voyager 1 bay cách mặt trăng Enceladus 202.000 km. Lần đầu tiên nó chụp được những bức ảnh bề mặt Enceladus với đặc điểm là vùng bình nguyên có độ phản xạ mạnh và không có hố thiên thạch.
Bề mặt Enceladus chụp từ tàu vũ trụ Cassini. Ảnh: NASA.
Ngày 26/8/1981, Voyager 2 bay chỉ cách Enceladus hơn 87.000 km, cung cấp những bức ảnh nét hơn, cho thấy bề mặt trẻ của Enceladus.
Cả Voyager 1 và Voyager 2 đều chưa thể giúp các nhà khoa học trả lời câu hỏi "Enceladus có hoạt động địa chất không?" cho đến khi "sứ giả của Trái Đất" mới xuất hiện 20 năm sau đó.
Ngày 15/10/1997, tàu thăm dò vũ trụ Cassini (do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) - Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) - và Cơ quan không gian Italia (ASI) phối hợp) được phóng thẳng vào quỹ đạo của Sao Thổ. Ngày 1/7/2004, Cassini trở thành vệ tinh của sao Thổ.
Một năm sau, năm 2005, ở khoảng cách cách mặt trăng sao Thổ Enceladus dưới 100.000 km, Cassini đã có những phát hiện tuyệt vời tại vệ tinh lớn thứ sáu của sao Thổ: Phát hiện cột vật chất chứa nước và các hợp chất hydrocarbon phức tạp phun lên từ vùng cực nam của mặt trăng Enceladus, với vận tốc gần 2.189 km/giờ.
Cuối năm 2008, các nhà thiên văn học đã phát hiện thấy hơi nước bốc lên từ bề mặt Enceladus. Điều đó chứng tỏ rằng trên vệ tinh này có nước.
Tháng 6/2009, các tinh thể băng của Enceladus được tàu Cassini phân tích là băng của nước muối.
Vệt khí phụt ở vùng cực nam Enceladus được tàu vũ trụ Cassini phát hiện năm 2005. Ảnh: Reuters.
Tháng 9/2015, các nhà khoa học Đức, Mỹ cho biết, trên vệ tinh Enceladus tồn tại một đại dương nước lỏng ngay dưới bề mặt băng.
Ngày 13/4/2017, trong cuộc họp báo mới nhất của NASA , cơ quan này tiết lộ, tàu vũ trụ Cassini đã phát hiện khí hydro phụt lên từ kẽ băng nứt của vệ tinh này. Đây được cho là sản phẩm của phản ứng thủy nhiệt giống như trên Trái Đất của chúng ta.
Ngoài ra, phân tích của Cassini còn phát hiện khí CO2 và khí methane (sản phẩm phụ mà vi khuẩn dưới đại dương của Trái Đất vẫn tạo ra).
Xem video minh họa: NASA phát hiện nguồn "nguồn thức ăn ngoài hành tinh" tại Enceladus
NASA phát hiện nguồn "nguồn thức ăn ngoài hành tinh" tại Enceladus.
Các chuyên gia tại cuộc họp báo NASA ngày 13/4/2017 khẳng định, tổng hợp tất cả những dữ liệu mà Cassini truyền về, Enceladus là ứng viên sáng giá nhất cho sự sống ngoài hành tinh, nơi đang có ba nguyên liệu tạo nên sự sống, gồm: Nước lỏng, nguồn năng lượng (năng lượng hóa học) và các thành phần hóa học thích hợp (như carbon, hydro, nitơ, oxy).
Nghiên cứu bề mặt mặt trăng Enceladus. Đồ họa: NASA.
Cho đến nay, chúng ta đã có những bằng chứng không thể chối cãi rằng bên dưới bề mặt Enceladus tồn tại nước dạng lỏng cùng các điều kiện thích hợp để sự sống đơn giản nhất tồn tại.
Việc phát hiện hydro, CO2 và methan cho thấy, rất có thể vi khuẩn tại Enceladus đang hấp thụ hydro hoặc CO2 và thải ra khí methan, tương tự như môi trường sự sống tại các địa tầng núi lửa trên Trái Đất.
Đây là dạng sự sống không cần đến năng lượng Mặt trời mà chỉ nhờ nhiệt lượng từ chính thiên thể Enceladus.
Vào ngày 15/9/2017, tàu vũ trụ Cassini sẽ chính thức kết thúc sứ mệnh 20 năm thăm dò sự sống trên Sao Thổ và các mặt trăng của nó.
Dự kiến, con tàu vũ trụ nặng 2,78 tấn, trị giá 3 tỷ USD này sẽ lao vào sao Thổ để "tự sát" trước khi hết nhiên liệu.
Các nhà khoa học NASA buộc phải kết thúc sứ mệnh cao cả của con tàu bằng cách này, vì nếu không may nó rơi xuống vệ tinh Enceladus (và gây nhiễm vi khuẩn từ Trái Đất) thì mọi cuộc nghiên cứu sự sống ngoài hành tinh trên vệ tinh này đều trở thành vô nghĩa.
Để khẳng định chắc chắn Enceladus tồn tại sự sống, NASA và các nhà khoa học thế giới sẽ tiếp tục thực hiện các sứ mệnh vũ trụ mới trong tương lai.
2. Những đặc điểm của Enceladus
Vệ tinh Enceladus có đường kính là 505 km và có diện tích bề mặt bằng 800.000 km². Với các chỉ số này, Enceladus chỉ rộng bằng 1/10 kích thước của Titan (vệ tinh lớn nhất của Sao Thổ), bằng 1/7 Mặt trăng của Trái Đất, có kích thước tương đương với Vương quốc Anh.
Kích thước tương đương với Vương quốc Anh của Enceladus. Ảnh: NASA.
Với kích thước và khối lượng của mình, Enceladus lớn thứ 6 trong số 6 vệ tinh lớn nhất của sao Thổ, sau Titan (5.150 km), Rhea (1.530 km), Iapetus (1.440 km), Dione (1.120 km) và Tethys (1.050 km).
Cùng với mặt trăng Io (của sao Mộc) và vệ tinh Triton (của sao Hải Vương), Enceladus là 3 thiên thể có hiện tượng phun trào vật chất bắt nguồn từ lớp nước dưới bề mặt vệ tinh trong Thái Dương Hệ (chưa tính Trái Đất).
Đón đọc kỳ tới: Ứng viên sáng giá thứ 2: Mặt trăng Europa
Bài viết sử dụng nguồn: Solarsystem.nasa.gov, Space.com, Dailymail,