"Bí mật" được tiết lộ từ những cuộc điện đàm của TT Trump với các nguyên thủ nước ngoài

Thu Ngọc |

Trong nhiều cuộc gọi với ông Putin, Tổng thống Trump đã khiến các trợ lý an ninh quốc gia và quan chức hàng đầu trong chính phủ rơi vào thế lúng túng - nguồn tin của CNN tiết lộ.

Trong hàng trăm cuộc điện đàm có tính bảo mật cao với các nguyên thủ nước ngoài, Tổng thống Donald Trump thường ở trong tình trạng thiếu sự chuẩn bị khi thảo luận về các vấn đề nóng, có phần "dưới cơ" trong các cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo như Tổng thống Nga Putin hay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, và thường lấn lướt lãnh đạo các nước đồng minh chủ chốt.

Điều này đã khiến một số quan chức cấp cao của Mỹ lo lắng, CNN dẫn nguồn tin Nhà Trắng và quan chức tình báo cho hay.

Khi Trump điện đàm với Putin, Erdogan

Những cuộc điện đàm đã khiến một số cố vấn hàng đầu của ông Trump - bao gồm cựu cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, John Bolton, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson, và cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, cũng như các quan chức tình báo - kết luận rằng Tổng thống Trump thường "nhầm lẫn" khi trao đổi với các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Những lo ngại của các quan chức này về các cuộc điện đàm càng tăng khi xuất hiện thông tin cho rằng Tổng thống Mỹ có thể đã biết về cáo buộc Nga treo thưởng cho Taliban sát hại quân đội Mỹ ở Afghanistan từ hồi tháng 3 mà không hề có động thái nào.

Các nguồn tin của CNN cho biết đã có những cuộc điện đàm giữa Putin và Trump về mong muốn chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan, nhưng các cuộc gọi này không đề cập gì tới các khoản tiền treo thưởng cho phiến quân Taliban.

Theo lời các nguồn tin, trong các cuộc điện đàm với ông Putin, Tổng thống Trump chủ yếu nói về bản thân, thường xuyên sử dụng các từ ngữ tự tán dương; ca ngợi thành công "chưa từng có" trong việc xây dựng nền kinh tế Mỹ; khẳng định ông thông minh và "mạnh mẽ" hơn nhiều so với những người tiền nhiệm bằng ngôn từ mỉa mai; chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân khi điều hành cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Moscow và mong muốn nhận được sự ngưỡng mộ, tán thành của tổng thống Putin.

Trong nhiều cuộc gọi với Tổng thống Putin đã được mô tả với CNN, Tổng thống Trump đã khiến cho các trợ lý an ninh quốc gia và những quan chức hàng đầu trong chính phủ rơi vào thế lúng túng, thường phần nhiều do cách ứng xử của ông Trump chứ không phải vì những nhượng bộ mà ông đề xuất.

"Ông Trump đã đánh mất lợi thế rất khó khăn mới giành được trong thời Chiến tranh Lạnh", một trong những quan chức nói - một phần bằng cách "đem đến cho ông Putin và nước Nga một sự thân thiết mà họ chưa từng có".

Bí mật được tiết lộ từ những cuộc điện đàm của TT Trump với các nguyên thủ nước ngoài - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Cho đến nay, nguyên thủ quốc gia mà Tổng thống Trump điện đàm nhiều nhất là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Có những giai đoạn ông Erdogan điện tới Nhà Trắng ít nhất 2 lần/tuần và được nối máy trực tiếp theo lệnh của ông Trump.

Tần suất của các cuộc gọi với tổng thống Erdogan nhằm thúc ép ông Trump nhượng bộ các chính sách và đòi hỏi các ưu đãi khác là vấn đề đặc biệt đáng lo ngại với ônh McMaster, Bolton và Kelly. Đáng lẽ, ông Erdogan sẽ phải thông qua thủ tục ngoại giao thông thường và Hội đồng an ninh Quốc gia Mỹ để tiếp cận Tổng thống.

Gay gắt với đồng minh

Trong khi đó, Tổng thống Trump lại thường khắt khe với lãnh đạo các nước đồng minh. Có lần ông còn nhận xét cựu Thủ tướng Anh Theresa May (khi bà còn đương nhiệm) là yếu đuối và thiếu sự can đảm, và nói Thủ tướng Đức Angela Merkel là "ngốc".

Một quan chức trong chính phủ Đức xác nhận rằng các cuộc gọi "rất khác thường", và Berlin đã thực hiện các biện pháp đặc biệt để đảm bảo rằng nội dung của các cuộc gọi được giữ bí mật.

Quan chức này mô tả thái độ của Tổng thống Trump với Thủ tướng Merkel "rất gay gắt" và cho biết số lượng các quan chức Đức cùng tham gia các cuộc gọi giữa bà Merkel với Tổng thống Trump đã bị giảm xuống.

Bà Merkel thường giữ được bình tĩnh và không bị lung lay trước những lời lẽ công kích của ông Trump, và bà thường xuyên đáp trả sự giận dữ của ông Trump bằng những trích dẫn thực tế, theo lời của một nguồn tin.

Theo các nguồn tin, tác động tai hại của các cuộc điện đàm này không chỉ bắt nguồn từ nội dung mà còn đến từ giọng điệu của ông Trump, các cơn giận dữ bột phát đối với các nước đồng minh, và tình trạng thiếu chuẩn bị.

Nguồn tin của CNN cho biết, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats khi còn đương nhiệm đã bày tỏ sự lo lắng với cấp dưới rằng các cuộc thảo luận qua điện thoại của Tổng thống Trump đang làm suy yếu sự thống nhất trong các mối quan hệ đối ngoại và những mục tiêu của nước Mỹ trên toàn cầu.

Hai nguồn tin đã so sánh các cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Trump và các nguyên thủ nước ngoài với các buổi họp báo cập nhật tình hình dịch COVID-19 gần đây của ông Trump. Đó là sự lộn xộn, thiếu dẫn chứng thực tế, cùng những phát ngôn dựa trên trực giác, phỏng đoán cá nhân và những thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội.

Ngoài hai nữ lãnh đạo Merkel và May, các nguồn tin cho biết, ông Trump thường xuyên nhận xét rất tiêu cực và gay gắt về các nhà lãnh đạo khác của liên minh phương Tây gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Australia Scott Morrison, giống như cách ông thể hiện quan điểm với các thống đốc về cách ứng phó đại dịch COVID.

Các nguồn tin cho biết sau Tổng thống Erdogan, người thực hiện nhiều cuộc gọi nhất với Tổng thống Trump là Tổng thống Macron. Người đứng đầu nước Pháp thường thuyết phục ông Trump thay đổi quan điểm về các vấn đề môi trường và chính sách an ninh bao gồm vấn đề biến đổi khí hậu và việc Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Ông Macron thường "rơi vào bế tắc" đối với những vấn đề quan trọng, trong khi ông Trump trở nên cáu kỉnh trước những yêu cầu của Tổng thống Pháp.

Bí mật được tiết lộ từ những cuộc điện đàm của TT Trump với các nguyên thủ nước ngoài - Ảnh 3.

Ông Trump cũng nhiều lần chỉ trích các lãnh đạo Mỹ tiền nhiệm và cho rằng làm việc trực tiếp với ông sẽ hiệu quả hơn nhiều so với các đời tổng thống trước.

Nội dung về các cuộc điện đàm của tổng thống Trump với các nguyên thủ nước ngoài từ các nguồn tin của CNN cũng đã được miêu tả trong cuốn sách mới của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton "The room where it happened"- tạm dịch "Căn phòng nơi mọi việc xảy ra".

Tuy vậy, các cuộc gọi được tiết lộ còn diễn ra sau khi ông Bolton từ chức, và nội dung các cuộc gọi đa dạng và nhiều thông tin gây sốc hơn. Các nguồn tin của CNN cho biết, nhiều quan chức đã nghe trực tiếp các cuộc điện đàm của Tổng thống hoặc được cung cấp các bản tóm tắt chi tiết và bản in ghi lại nội dung điện đàm sau khi kết thúc.

Nhà Trắng đã không trả lời yêu cầu bình luận khi câu chuyện này được công bố.

Sau khi xuất bản, phó thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Matthews nói: "Tổng thống Trump là một nhà đàm phán tầm cỡ thế giới, người đã liên tục thúc đẩy lợi ích của nước Mỹ trên chính trường thế giới. Từ việc đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn một Trung Quốc và USMCA về việc các nước đồng minh NATO cần đóng góp ngân sách nhiều hơn và đánh bại ISIS, Tổng thống Trump đã cho thấy khả năng củng cố lợi ích chiến lược của nước Mỹ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại