Bí mật đồng tiền lưu hành trong các trại tập trung của Phát xít Đức

Thanh Hải (tổng hợp) |

Nền đệ tam Đức Quốc Xã (ĐQX) đã tịch thu toàn bộ tiền bạc của người Do Thái dưới chế độ cai trị của chúng, và thay thế bằng những loại tiền tệ khác nhau nhằm thao túng các cộng đồng Do Thái cũng như đập tan ý định đào tẩu của các nạn nhân. Dưới đây là những tình tiết chưa từng được công bố.

Henry Wirz - Cha đẻ của trại tập trung thời nội chiến Mỹ Những tù nhân trẻ em ở trại tập trung Auschwitz Người đầu tiên bóc trần tội ác man rợ ở trại tập trung Auschwitz

Tháng 9 năm 1942, một bác sĩ người Áo gốc Do Thái tên là Viktor Frankl đã bị trục xuất cùng với vợ và cha mẹ của ông đến "khu ổ chuột" Theresienstadt do ĐQX kiểm soát (ngày nay thuộc lãnh thổ của Cộng hòa Séc).

Hai năm sau đó, sau khi ông cùng vợ được gửi tới trại Auschwitz, một mình bác sĩ Frankl lại bị chuyển tới trại tập trung "tử thần" Kaufering ở miền Nam nước Đức (đây là một phần của khu phức hợp trại tập trung Dachau). Trong cuốn hồi ký xuất bản vào năm 1946 mang tựa đề Tìm kiếm lẽ sống của con người, bác sĩ Frankl đã phản ánh chi tiết những năm tháng sống trong ngục tù, trở thành đối tượng bị bắt lao động khổ sai bao gồm đào mương và đường hầm.

Tác giả Frankl kể: "Ngay trước đêm Giáng sinh năm 1944, tôi được tặng 1 món quà gọi là "phiếu giảm giá cao cấp". Hiểu nôm na thì công ty xây dựng đã hợp tác với trại tập trung, họ trả cho đám quản lý trại một mức giá cố định mỗi ngày cho mỗi tù nhân. Mỗi phiếu giảm giá này có thể đổi lấy 6 điếu thuốc lá, và đôi khi phiếu giảm giá cũng không còn hiệu lực".

Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1947 mang tiêu đề Sống sót ở Auschwitz, tác giả là nhà hóa học người Ý gốc Do Thái, Primo Levi, cũng nhận loại phiếu giảm giá tương tự mà ông và các bạn tù có thể đổi thuốc lá hay bánh mì giá rẻ.

Ông Levi khẳng định rằng giới chức ĐQX tại các trại tập trung đã dùng những loại phiếu giảm giá như một dạng tiền tệ, và giá trị của loại tiền này luôn thay đổi theo những quy định của kinh tế học cổ điển.

"Đồng tiền diệt chủng"

Các tờ tiền được in ấn bởi ĐQX rồi được phân phối tại các "khu ổ chuột" Do Thái và những loại "phiếu giảm giá" hay "tiền trại tù" được dùng bởi các tù nhân tại các trại tập trung thường hiếm khi được điều tra nghiêm túc.

Quả vậy, 70 năm sau ngày đánh bại nền Đệ tam ĐQX, những chi tiết cụ thể về "đồng tiền diệt chủng" chỉ được biết tới bởi một cộng đồng nhỏ các nhà sưu tập, học giả, những nạn nhân sống sót và những người quản lý các bảo tàng Diệt chủng Do Thái tại Houston và Washington DC, cũng như tại Yad Vashem (Israel).

Mùa xuân năm 2015, một bộ sưu tập các loại tiền và đồng xu đã được gửi tới Trung tâm diệt chủng Do Thái Strassler (Đại học Clark, Worcester, Massachusetts). Chúng được hiến tặng bởi ông Robert Messing, một nhà nghiên cứu về tiền tệ của Đại học Clark.

Lấy bằng cử nhân triết học tại Đại học Clark, và bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học thành phố New York và Đại học New York, ông Messing đã có 50 năm sự nghiệp trong ngành công nghiệp tự động hóa máy tính.

Năm 1959, ông Messing đã viếng thăm Israel lần đầu tiên và quan tâm tới số học và từ đó ông đã viếng thăm đất nước này tới 30 lần, tham gia vào khai quật khảo cổ và giúp phục hồi các bức tranh khảm cổ đại, kính La Mã và các loại tiền tệ như tiền xu Do Thái vào thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên.

Vài năm sau đó, ông Messing tiếp tục tham gia vào các phiên đấu giá trực tuyến và tham khảo các trang web của những nhà đầu tư tiền từ thời kỳ ĐQX. Ông Messing có một bộ sưu tập tiền tệ không lớn lắm, nhưng đáng chú ý là các loại tiền từ những trại tập trung cũng như từ các "khu ổ chuột" Lodz và Theresienstadt.

Khi quân Đồng Minh phản công ĐQX và bắt đầu giải phóng các trại tập trung, lính ĐQX đã dọn sạch những thứ còn lại một cách có chủ đích. Ông Robert Messing khẳng định: "Khi các trại tập trung được giải phóng, mọi thứ bị phá sạch bao gồm cả tiền bạc".

Trong cuốn hồi ký Mein Kampf của mình, Adolf Hitler luôn có định kiến cho rằng sự giàu có của người Do Thái là do họ ăn cắp tài sản của người Aryan.

Với việc thông qua Luật chủng tộc Nuremberg vào tháng 9 năm 1935, chế độ ĐQX chính thức tước đoạt tài sản và quyền lợi của người Đức gốc Do Thái, từ chối quyền công dân của họ trong nền Đệ tam ĐQX, hình sự hóa hôn nhân hay quan hệ tình dục giữa người Do Thái và người Đức phi Do Thái.

Ngày 26 tháng 4 năm 1938, Nghị định báo cáo về tài sản do người Do Thái làm chủ (DRJOP) đã yêu cầu tất cả người Đức và người Áo gốc Do Thái phải tiết lộ và từ bỏ tài sản của họ nếu trị giá hơn 5000 Reichsmark (tương đương với 34.000 USD ngày nay).

Việc tịch thu tài sản cùng các hàng hóa khác của người Do Thái không chỉ giúp tăng ngân sách cho ĐQX dùng trong các nỗ lực chiến tranh, mà còn tạo ra sự thiệt thòi kinh tế, khiến các cộng đồng Do Thái dễ bị tổn thương hơn, bị cô lập hơn và dễ bị sai khiến hơn.

Đầu thập niên 1940, trong các "khu ổ chuột" do ĐQX lập ra ở nước ngoài, các gia đình Do Thái thường trắng tay, không có gì ngoài quần áo trên người.

Khi họ sống trong các "khu ổ chuột" - thường tách biệt với cộng đồng dân cư lớn hơn - bọn chỉ huy ĐQX sẽ phát cho nạn nhân các phiếu giảm giá, và tiền này chỉ có giá trị ngay tại nơi họ bị giam hãm, ngăn cản họ tham gia vào nền kinh tế Đức.

Người Do Thái làm việc quần quật, nhưng lương thì hẩm hiu, và các phiếu giảm giá đó chỉ có thể dùng để đổi lấy thức ăn, quần áo, thuốc lá và các hàng hóa khác. Bằng cách thay thế một đồng tiền mất giá trị, ĐQX đã nắm quyền kiểm soát chặt chẽ người Do Thái. Tiền bạc - thứ bị Hitler chụp mũ là do người Do Thái thao túng và kiểm soát - đã bị dùng chính nó kiểm soát họ.

Mục tiêu loại người Do Thái khỏi cộng đồng

Lodz là "khu ổ chuột" đầu tiên nơi bọn ĐQX thiết kế, in ấn và phân phối loại tiền chỉ dùng được duy nhất trong khu vực này. Thứ tiền này đã được 160.000 người Do Thái tại Lodz sử dụng giữa năm 1940 cho đến năm 1944, nó mô tả hình tượng 7 nhánh đặt bên trên một chuỗi sao David nhìn như đoạn dây thép gai.

Bí mật đồng tiền lưu hành trong các trại tập trung của Phát xít Đức - Ảnh 2.

Một tờ tiền giấy từng được Đức quốc xã in ấn và cho sử dụng trong "khu ổ chuột" Lodz ở Ba Lan.

Nền đệ tam ĐQX nhanh chóng in và phân phối thứ tiền lạ này tại hầu hết các "khu ổ chuột" do ĐQX chiếm đóng ở nước ngoài. Những đồng tiền và "phiếu giảm giá" có đề tên các "khu ổ chuột". ĐQX kiểm soát các "khu ổ chuột" và chúng lựa ra một họa sĩ và cho phép phác thảo ra bản thiết kế cuối cùng.

Đồng Kronen Theresienstadt được thiết kế bởi họa sĩ, nhà biên kịch Peter Kien (người tốt nghiệp Học viện mỹ thuật Prague cũng như trường thiết kế đồ họa Officina Pragensis).

Đồng Kronen Theresienstadt được đặt hàng bởi Reinhard Heydrich (viên chức cao cấp trong hàng ngũ của Hitler, kẻ kiểm soát các "khu ổ chuột"). Dưới sự chỉ đạo của Heydrich, Peter Kien đã tái thiết kế các tờ tiền, mang lại hình ảnh Thánh Moses có những đặc điểm bôi nhọ người Do Thái như mũi chim ưng, tóc xoăn, ngón tay quá dài và mảnh khảnh.

Thiết kế tờ tiền đã được phê duyệt và nó được phân phối khắp "khu ổ chuột" Theresienstadt. Reinhard Heydrich đã hạ lệnh xây dựng "khu ổ chuột" Theresienstadt vào tháng 11 năm 1941 trong một thị trấn pháo đài tường bao nằm cách Prague khoảng 30 dặm về hướng Bắc.

Với dân số thời hoàng kim đạt đỉnh 150.000 người Do Thái gồm 35 quốc tịch khác nhau bao gồm người địa phương từ Bohemia và Moravia, đây là "khu ổ chuột" Do Thái lớn nhất ngoài lãnh thổ Ba Lan, nó đóng vai trò là trạm quá cảnh cho những nạn nhân mà sau đó bị chuyển đến các trại thanh trừng.

Khoảng tháng 3 năm 1943, các sĩ quan ĐQX tại Theresienstadt bắt đầu cho lưu hành tờ tiền riêng nhằm che mắt người ngoài rằng đây là nơi sống tốt đẹp.

Ngày 23 tháng 6 năm 1944, bởi có những thông tin về nạn diệt chủng và đối xử vô nhân đạo chống lại người Do Thái Châu Âu, thế nên 2 đại biểu từ Ủy ban Hội chữ thập đỏ quốc tế, ICRC, và 1 đại biểu đến từ Hội chữ thập đỏ Đan Mạch (DRC) đã ghé thăm Theresienstadt cùng đồng hành với các sĩ quan SS.

Sợ lộ chuyện, đám sĩ quan ở Theresienstadt bèn tách đám đông thành 7 chuyến vận tải, chở hơn 7.500 người Do Thái gửi tới trại Auschwitz. Thấy ít người, các thành viên Hội chữ thập đỏ đã hài lòng và rời gót.

Sử gia Zvi Stahl viết trong cuốn sách "Các khu ổ chuột Do Thái và Những trại tập trung" rằng: "Hệ thống tiền tệ của Theresienstadt chỉ nhằm mục đích gây ấn tượng cho Hội chữ thập đỏ và các phái đoàn đại biểu nước ngoài. ĐQX cố tình lòe bịp người ngoài rằng đang có những lịch trình sinh hoạt tốt đẹp hàng ngày tại các "khu ổ chuột" Do Thái".

Bản chất của thứ "đồng tiền diệt chủng" không chỉ khiến người ngoài lầm tưởng thế giới trong các khu nhà Do Thái là bình thường, mà sâu xa nó còn mang hàm ý răn đe những ai có ý định trốn thoát.

Bà Carol Manley tại Bảo tàng Diệt chủng Do Thái Houston, giải thích: "Tờ tiền ép người Do Thái ở nguyên một chỗ, bởi nếu trốn đi thì họ cũng không có tiền, không tài sản. Đó là một cách ngăn cản sự kháng cự và giữ nạn nhân trong vòng kiểm soát".

200 loại "đồng tiền diệt chủng"

Theresienstadt là một trong những nơi phô bày rõ nét đời sống sinh hoạt của tù nhân Do Thái và cách sử dụng "tiền tệ diệt chủng" của họ. Ông Steve Feller, Giáo sư vật lý tại Đại học Coe College (Cedar Rapids, Iowa, Mỹ), là đồng tác giả của cuốn sách được công bố vào năm 2007 mang tựa đề Những chứng nhân câm lặng:

Tiền tệ trại tù thời Đại chiến thế giới thứ II, ước tính rằng có xấp xỉ 200 loại tiền tệ dùng trong Diệt chủng người Do Thái.

Ít nhất đã có khoảng 20 trại tập trung trên khắp Châu Âu bao gồm Auschwitz, Dachau, Westerbork và Buchenwald chịu trách nhiệm cho việc tạo ra những hệ thống tiền tệ của riêng họ.

Tiền tệ dùng ở 4 trại tập trung này cũng nhằm giấu nhẹm đi sự tàn ác, khiến người ngoài nhìn vào chúng như những ảo ảnh về sự bình thường. Khi tù nhân đến thường trên người họ không còn hàng hóa, tài sản hay tư trang, nhưng họ được hứa hẹn sẽ có tiền nếu chăm chỉ làm việc.

Trong khi hàng vạn thanh niên Đức gia nhập đội quân phát xít, nền Đệ tam ĐQX cũng tăng cường lực lượng lao động khổ sai để hỗ trợ chiến tranh.

Các trại tập trung sẽ hợp đồng với những tù nhân làm việc cho các nghiệp đoàn nhà nước và bồi thường cho họ bằng những câu chữ vô nghĩa, và "phiếu giảm giá" là thứ mà các tù nhân Do Thái sẽ dùng trong các trại tập trung để đổi quần áo, lương thực hay thuốc lá.

Trong công trình nghiên cứu mang tựa đề: "Bạo lực kinh tế trong suốt thời kỳ diệt chủng người Do Thái bởi ĐQX: Trại tập trung và "Đồng tiền diệt chủng" như là công cụ của diệt chủng", tác giả Marisa G. Natale đã viết: "Đây là một trong những di sản ít được quan tâm đến nhất.

Bằng cách để cho người Do Thái luôn đói khát và hứa hẹn trả lương cho họ, chế độ ĐQX và các công ty đã thông đồng với nhau để ép các nạn nhân làm việc đến chết".

Bảo tàng tưởng niệm

Bảo tàng nằm ở Washington D.C hiện đang lưu giữ hơn 1.500 tờ tiền và các loại tiền xu lấy từ các trại tập trung và "khu ổ chuột". Phần lớn các hiện vật này được hiến tặng bởi những nạn nhân sống sót hay các thành viên gia đình của người sống sót.

Bà Kyra Schuster, quản lý bảo tàng, giải thích: "Người sống sót mang theo các loại tiền, nó nhắc họ nhớ về quá khứ. Đó là một thứ tài liệu hữu hình mà họ đã trải qua".

Những loại "phiếu giảm giá" đã tồn tại suốt 7 thập niên kể từ khi kết thúc cuộc đại chiến, và ngày nay chúng nằm chình ình trong các viện bảo tàng tưởng niệm nạn nhân Do Thái bị diệt chủng bởi ĐQX.

Những tờ tiền có thể được mua với đủ giá trị, từ 8 USD cho 1 đồng xu ở "khu ổ chuột" Lodz, cho đến hơn 4.000 USD (cho tờ 25 xu từ trại tập trung Herzogenbusch ở miền Nam Hà Lan).

Giá trị của những đồng tiền này còn lớn hơn giá trị tài chính ảo tưởng của nó; nó thể hiện cho sự tồn tại, sự chịu đựng, toàn bộ những con người tưởng gần như biến mất khỏi trần thế.

Trong số 144.000 người Do Thái bị quản thúc tại Theresienstadt từ năm 1941 đến năm 1945 thì đã có 88.000 người cuối cùng bị trục xuất đến các lò thiêu; trong đó 33.000 người đã chết bên trong "khu ổ chuột" chủ yếu do đói kém hoặc dịch bệnh.

Giữa lượt tù nhân đầu tiên đặt chân đến trại Auschwitz (năm 1940) đến khi kết thúc Đại chiến thế giới thứ II vào năm 1945, thì tổng cộng ĐQX đã đẩy ít nhất 1,3 triệu người vào các trại tập trung. Ước tính rằng có hơn 1,1 triệu người bị chết hoặc bị giết mà phần lớn các nạn nhân là người Do Thái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại