Anh Jong Hyok là một người đàn ông trông giống bao nhân viên kỹ thuật trung niên khác ở Hàn Quốc nhưng trên thực tế anh lại từng là một trong số những tin tặc được Triều Tiên gửi ra nước ngoài để kiếm tiền về cho tổ quốc bằng bất cứ giá nào.
Trong buổi phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, sự rụt rè lộ rõ qua cách nói chuyện của anh, giọng nói nhẹ, ngắt quãng và không dám nhìn thẳng vào người đối diện.
Cái tên Jong Hyok cũng là tên giả do anh Jong không muốn bị liên lụy tới gia đình. Anh Jong cho biết mình mới gần 40 nhưng trông già hơn rất nhiều do thường xuyên phải làm việc với máy tính khiến anh bị thâm mắt và da bị xấu đi nhanh chóng.
Câu chuyện Triều Tiên có đội ngũ tin tặc kiếm tiền cho họ đã không còn lạ với nhiều nước. Tháng 5 vừa qua, Triều Tiên bị cáo buộc chịu trách nhiệm lây lan virus WannaCry, ảnh hưởng đến hệ thống an ninh mạng của nhiều công ty, cá nhân trên thế giới. Virus này yêu cầu người dùng phải trả một lượng tiền ảo Bitcoin nhất định nếu muốn lấy lại dữ liệu trong máy tính.
Trước đó, sức mạnh tin tặc của Triều Tiên đã được biết đến với việc đánh cắp và công bố số liệu của hãng Sony Pictures khi doanh nghiệp này sản xuất bộ phim "The Interview" có ngụ ý nhạo báng nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Mặc dù anh Jong không nằm trong số những người thực hiện các vụ trên vì đã đào ngũ trước đó nhưng cuộc đời 5 năm phục vụ cho đội ngũ tin tặc của Triều Tiên cũng khiến hãng tin Bloomberg hiểu được phần nào về đội quân này.
Đội quân "ăn cắp tiền"
Khác với đội quân tin tặc được đào tạo ở những quốc gia khác, nơi các hacker được chỉ thị tấn công hoặc phòng thủ an ninh mạng, ăn cắp bí mật quốc gia hoặc đơn giản là phá hoại hệ thống mạng của một khu vực nào đó, những tin tặc Triều Tiên chỉ có 1 nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là ăn cắp tiền về cho nền kinh tế đang bị cấm vận.
Trước khi đào ngũ, anh Jong đã phải sống trong một căn hộ chật hẹp vùng Đông Bắc Trung Quốc. Nhóm hacker của anh sống chung trong ngôi nhà đó được lệnh phải kiếm 100.000 USD/năm bằng bất cứ cách nào và họ được phép giữ chưa đến 10% trong số đó. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu hoặc có hành vi chống đối, hậu quả sẽ rất "nghiêm trọng".
Các chuyên gia Hàn Quốc trên thực tế đã nhiều lần cảnh báo tình trạng Triều Tiên gửi hàng trăm hacker sang những nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Campuchia nhằm kiếm hàng trăm triệu USD về cho tổ quốc.
Tuy nhiên để truy bắt được những tin tặc này là rất khó trừ khi họ đầu thú bởi không có bằng chứng phạm tội và những tin tặc này sống như người bình thường trong cộng đồng dân cư địa phương.
Ngay cả hãng tin Bloomberg cũng rất khó khăn khi tìm kiếm phỏng vấn những người Triều Tiên đào tẩu có hiểu biết về vấn đề này, dù đã có sự hỗ trợ từ chính phủ Hàn Quốc cũng như cộng đồng người Triều Tiên tị nạn.
Trong nhiều thập niên, chính quyền Bình Nhưỡng đã tìm cách sử dụng công nghệ nhằm kiếm tiền về cho đất nước trước sự cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Thập niên 1990, cha của nhà lãnh đạo Kim Jong Un là cố lãnh đạo Kim Jong Il đã phát triển công nghệ như một mảng nhằm cứu vớt quốc gia khỏi nạn đói.
Chính nhà lãnh đạo Kim Jong Il đã xây dựng khoa công nghệ tại trường đại học Bình Nhưỡng cũng như tổ chức cuộc thi viết phần mềm mà người chiến thắng sẽ được ông Kim đeo một chiếc đồng hồ vàng lên tay.
Sau một thời gian phát triển, Triều Tiên đã xây dựng được một đội ngũ tin tặc nhưng mục tiêu ban đầu của nhóm này khá nhỏ, chỉ nhằm vào các website chính phủ hay hệ thống ngân hàng.
Tuy vậy khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il qua đời năm 2011, con trai của ông là nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã mở rộng mục tiêu tấn công của đội quân hacker như các trung tâm hạt nhân, hệ thống phòng thủ hay cả những tổ chức tài chính.
Trên các kênh ngoại giao chính thức, phía Triều Tiên phủ định mọi mối quan hệ đến những cuộc tấn công tin tặc nhưng việc Triều Tiên ngày càng tiến bộ hơn trong vấn đề công nghệ thông tin là điều khó phủ nhận.
Quốc gia này đã từng phát triển một phần mềm diệt virus mang tên SiliVaccine, hay xây dựng hệ điều hành "Red Star" có giao diện gần giống macOS của Apple.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng được cho là quen dùng hàng Apple khi bức ảnh năm 2013 cho thấy ông đứng trước một chiếc iMac trong cuộc gặp với các tướng lĩnh quân đội, hay bức ảnh vài năm sau đó cho thấy một chiếc laptop của Apple trên máy bay cá nhân ông.
Kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tích cực phát triển công nghệ khi cấp thêm ưu đãi cho các chuyên gia về máy tính. Triều Tiên cũng gửi ngày càng nhiều người sang nước ngoài để học công nghệ, nơi có mạng Internet tốt hơn cũng như dễ dàng giấu được danh tính.