Bí mật đen tối thời Chiến tranh Lạnh: Bi kịch chết chóc nhất trong lịch sử tên lửa Liên Xô

Trang Li |

Ngày 24/10/1960 mãi trở thành ký ức đẫm máu đầy ám ảnh trong lịch sử hàng không Liên Xô.

Trước khi người Liên Xô mở ra kỷ nguyên khai phá vũ trụ vào năm 1961 với sự kiện phi hành gia Yuri Gagarin cùng con tàu vũ trụ Phương Đông 1 thực hiện chuyến bay lần đầu tiên ra ngoài không gian kéo dài 108 phút ngày 12/4 cách đây 57 năm thì vào năm 1960 lịch sử hàng không Liên Xô phải chứng kiến một thảm kịch chết chóc nhất trong ngành tên lửa hàng không tính cho đến năm 2018.

Lịch sử Liên Xô ghi nhận, mỗi một quyết định phóng tên lửa hay tàu vũ trụ đều ít nhiều bị chi phối bởi các quyết định mang yếu tố chính trị cũng như công nghệ bấy giờ.

Một trong những quyết định sai lầm khiến Liên Xô mất đi một tài năng vũ trụ đáng buồn nhất trong lịch sử là trường hợp của kỹ sư hàng không kiêm phi công bay thử nghiệm Vladimir Komarov (bạn thân của "huyền thoại vũ trụ" Yuri Gagarin") người phải thực hiện "sứ mệnh tự sát" - lái thử trên con tàu vũ trụ Soyuz 1 bất chấp những phản đối của các kỹ sư (đọc chi tiết, tại đây).

Thế nhưng...

Lịch sử hàng không Liên Xô cũng phải cay đắng ghi nhận, chưa có một thảm kịch nào xảy ra do quyết định sai lầm của giới lãnh đạo mà cái giá phải trả lại quá thảm khốc, đau đớn đến vậy!

Bí mật đen tối thời Chiến tranh Lạnh: Bi kịch chết chóc nhất trong lịch sử tên lửa Liên Xô - Ảnh 1.

Một năm sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 (1939 - 1945) kết thúc, Mỹ và Liên Xô bước vào cuộc chiến tranh mới. Không đổ máu trên chiến trường, không có súng đạn khiến bao gia đình ly tán, cuộc Chiến tranh Lạnh của hai cường quốc diễn ra giữa những cuộc chạy đua không ngừng nghỉ suốt hơn 4 thập kỷ về vũ khí (hạt nhân), công nghệ hiện đại và các sứ mệnh không gian khiến thế giới đi từ bất ngờ này đến ngỡ ngàng khác.

Không chỉ thế, Chiến tranh Lạnh cũng là cuộc "cân não" của những bí mật mà đôi bên đều muốn giấu nhẹm đi trước địch thủ cũng như trước dư luận của người dân và thế giới. Bởi vậy mới có chuyện, khi tất cả mọi chuyện đã ngã ngũ, khi cuộc chiến đó tạm thời đỡ nhức nhối thì người ta mới đưa những bí mật đó ra ánh sáng.

Nedelin Catastrophe (hay Nedelin Disaster - Thảm kịch Nedelin) là một câu chuyện như thế!

"Nọc độc của Quỷ"

Trước khi mở ra kỷ nguyên khai phá vũ trụ cho loài người, Liên Xô đã khởi xướng chương trình phát triển tên lửa xuyên lục địa đầu tiên trên thế giới từ trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra.

Khoảng hai thập kỷ sau, dưới sự chỉ đạo tài ba của nhà khoa học, kỹ sư kiêm nhà thiết kế tên lửa hàng đầu của Liên Xô là Sergey Korolev, R-7 Semyorka, thế hệ tên lửa xuyên lục địa đầu tiên trên thế giới của Liên Xô ra đời. R-7 Semyorka phóng thử thành công vào tháng 8/1957.

Vốn say mê với lý tưởng du hành vũ trụ bằng tên lửa, tổng công trình sư Sergey Korolev đã đệ trình ý tưởng của mình lên Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô với mong muốn sử dụng tên lửa R-7 đưa vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất.

Ý tưởng được tán thành nhanh chóng. Kết quả, ngày 4/10/1957, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới do Liên Xô chế tạo là Sputnik 1 được tên lửa R-7 phóng thẳng lên quỹ đạo. Thế giới bất ngờ! Người Mỹ lo sợ! Kể từ đó, thay vì mải miết sản xuất vũ khí hạt nhân, người Mỹ bắt đầu mở cuộc chạy đua vào không gian với người Liên Xô.

Đôi ba năm sau, những cải tiến trong chế tạo tên lửa được các tài năng Liên Xô không ngừng thực hiện. Lần này, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tổng công trình sư Mikhail Yangel, tên lửa xuyên lục địa R-16 ra đời với cải tiến trong sử dụng nhiên liệu động lạnh.

Bí mật đen tối thời Chiến tranh Lạnh: Bi kịch chết chóc nhất trong lịch sử tên lửa Liên Xô - Ảnh 2.

Tên lửa xuyên lục địa R-16 của Liên Xô: Dài 30,4m, đường kính 3m, nặng 141 tấn.

Dự định thay thế tên lửa R-7, R-16 được giới kỹ sư Liên Xô đánh giá là "thực tế hơn" vì một tên lửa có thể được chuẩn bị nhanh hơn nhiều nhờ các cơ chế tiếp nhiên liệu đơn giản.

Loại nhiên liệu được lựa chọn là hợp chất hóa học UDMH [Công thức hóa học: H2NN(CH3)2] bị oxy hóa với tỉ lệ 73% axit nitric / 27% hỗn hợp nitơ tetroxit. Axit UDMH-nitric là một hợp chất độc hại, gây ung thư, ăn mòn cực cao ở dạng lỏng, khi bị đốt cháy chúng ta ra khí độc chết người, đó là lý do, giới khoa học tên lửa Liên Xô gọi nó với biệt danh "Nọc độc của Quỷ" (Devil's Venom).

Tuy vậy, vì sử dụng với mục đích khoa học nên "Nọc độc của Quỷ" được giới chuyên môn ủng hộ.

NEDELIN: Cái tên khởi nguồn và kết thúc của thảm kịch

Bí mật đen tối thời Chiến tranh Lạnh: Bi kịch chết chóc nhất trong lịch sử tên lửa Liên Xô - Ảnh 3.

Nguyên soái Mitrofan Nedelin, Tư lệnh các lực lượng tên lửa chiến lược Liên Xô.

Nguyên soái Mitrofan Nedelin, Tư lệnh các lực lượng tên lửa chiến lược Liên Xô, được giao trọng trách phát triển R-16.

Vì nôn nóng muốn "lấy lòng" giới lãnh đạo bằng cách ra đời R-16 đúng dịp kỷ niệm ngày lễ Cách mạng tháng Mười Nga (Bolshevik Revolution), Nguyên soái Mitrofan Nedelin đã gây áp lực về thời gian với đội kỹ thuật của tổng công trình sư Mikhail Yangel.

Vì phải chế tạo tên lửa cho kịp tiến độ, đội kỹ sư đã bỏ qua tất cả các biện pháp an toàn cần thiết vào thời điểm đó. Vì áp lực từ Moskva, đội kỹ sư có lúc đã phải làm việc liên tục trong 72 giờ đồng hồ.

Một điều trớ trêu nữa, do những đấu đá nội bộ trong cộng đồng những nhà khoa học tên lửa Liên Xô, nên tổng công trình sư Mikhail Yangel không được làm việc với những kỹ sư tài năng nhất cho dự án phát triển R-16, trong đó có kỹ sư Nikolay Pilyugin, người đã thiết kế phần lớn các hỏa tiễn hướng dẫn thời đó.

Thay vì thế, Mikhail Yangel phải làm việc với Boris Konoplev, một nhà phát minh xuất sắc và chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật vô tuyến, nhưng ông này không phải là người có quy củ. Hệ quả, mọi công tác kiểm tra đều được làm qua loa trước khi cài đặt vào hệ thống R-16.

Mặc cho thực tế là R-16 còn quá nhiều thiếu sót về kỹ thuật, cuối tháng 9/1960, quả tên lửa xuyên lục địa R-16 nặng hơm 140 tấn - "quân bài chiến lược" mà lãnh đạo nhà nước Xô Viết Nikita Khrushchev nóng lòng chờ đợi - được chuyển đến bãi thử Tyuratam Launch Complex, tiền thân của sân bay vũ trụ Baikonur, để chờ ngày phóng.

Đến ngày 21/10/1960, tên lửa R-16 được đưa lên bệ phóng. Một ngày trước khi thảm kịch xảy ra, người ta tiến hành bơm nhiên liệu "Nọc độc của Quỷ" cho R-16.

Quá trình bơm nhiên liệu không diễn ra suôn sẻ như Nguyên soái Mitrofan Nedelin mong ngóng, bởi, sau khi bơm xong, đội kỹ thuật phát hiện dấu hiệu thùng chứa nhiên liệu bị rò rỉ, ước tính với tốc độ khoảng 145 giọt/phút.

Sự cố này càng khiến Mitrofan Nedelin đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Thay vì ra lệnh cho đội kỹ thuật rút cạn nhiên liệu để bịt kín chỗ rò rỉ thì Nedelin ra lệnh cho họ sữa chữa tên lửa trong khi nhiện liệu chết người vẫn còn đầy trong thùng chứa khổng lồ, nhằm tiết kiệm thời gian.

Sai lầm tiếp theo của vị Nguyên soái này là thay vì giám sát đội kỹ sư từ xa, ông lại bất chấp quy định an toàn, tự cho phép mình và khoảng hơn 100 nhân vật có tiếng nữa đến bãi phóng nơi đặt quả tên lửa để trực tiếp giám sát mọi việc.

24/10/1960 - Ngày đen tối trong lịch sử hàng không Liên Xô

Sau khi chỗ rò rỉ được hàn. Áp lực từ giới lãnh đạo Liên Xô khiến cho Nguyên soái Mitrofan Nedelin thêm bồn chồn. Để rồi ngày 24/10/1960 mãi trở thành ngày đen tối với tất cả những nhân vật có mặt tại bãi thử Tyuratam.

Ngày hôm đó, khoảng hơn 200 người có mặt tại Tyuratam để chứng kiến sự kiện phóng thử tên lửa R-16. Trước khi tiến hành phóng, động cơ tầng 2 đột nhiên phát hỏa do lỗi kỹ thuật. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm xuống khoang chứa nhiên liệu khổng lồ ở tầng 1.

Tất yếu, "Nọc độc của Quỷ" phát huy "tác dụng": Một quả cầu lửa khổng lồ đường kính 120m bao trùm cả quả R-16 dài 30,4m. Quả cầu lửa lớn đến mức người ta vẫn có thể quan sát được nó ở vị trí cách bãi thử 50km.

Bí mật đen tối thời Chiến tranh Lạnh: Bi kịch chết chóc nhất trong lịch sử tên lửa Liên Xô - Ảnh 4.

Vụ nổ tạo nên một quả cầu lửa khổng lồ đường kính 120m. Ảnh minh họa.

Những người quan sát việc phóng ở gần biển lửa bị chết ngay lập tức do sức nóng hàng nghìn độ C. Những người khác chết do bị bỏng nặng. Số khác chết cho ngạt khí độc do Axit UDMH-nitric tạo ra. Trong số đó, có Nguyên soái Mitrofan Nedelin - thi thể của ông bị ngọn lửa làm biến dạng đến mức không thể nhận diện!

Tổng công trình sư Mikhail Yangel may mắn thoát nạn vì khi đó ông đang ở bãi thử xa hàng trăm mét để hút thuốc!

Hãng thông tấn của Liên Xô giật tít: Nguyên soái Mitrofan Nedelin tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay!

...Vì một lẽ: Lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev hạ lệnh giấu nhẹm sự việc và coi đó là bí mật quốc gia hàng đầu.

Khi "quân bài" R-16, nếu thành công sẽ đóng vai trò rất lớn làm thay đổi cán cân trong cuộc chạy đua không gian với Mỹ, bị thất bại, tất yếu, lãnh đạo Liên Xô buộc phải che đậy lại. Mãi đến năm 1989, khi Chiến tranh Lạnh đi vào hồi kết, sự thật về cái chết của Nguyên soái Mitrofan Nedelin cùng hàng trăm người khác mới được đưa ra ánh sáng.

Người Liên Xô gọi Nedelin Catastrophe, thảm họa mang tên Nguyên soái Mitrofan Nedelin, là bi kịch đẫm máu nhất trong lịch sử tên lửa của nước này.

Một lần nữa, họ vinh danh Mitrofan Nedelin là anh hùng Sô Viết, trang trọng đặt thi thể của ông tại Nghĩa trang tường Điện Kremlin ở Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva.

Cho đến nay, Nedelin biến ngày 24/10/1960 mãi trở thành ký ức đẫm máu đầy ám ảnh trong lịch sử hàng không Liên Xô nói riêng và lịch sử hàng không thế giới nói chung.

Bài viết sử dụng nguồn: Space Safety Magazine

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại