Nếu như ở thời kỳ đầu, ô tô được xem là một kỳ quan cơ khí thì nay, ô tô đang chuyển mình trở thành một chiếc máy tính gắn bánh xe. Nói như vậy là bởi ô tô ngày nay thường được trang bị nhiều tính năng do máy tính kiểm soát. Các trang bị đó có thể nhằm giúp hành trình sử dụng chiếc xe an toàn hơn, hoặc trở nên dễ chịu hơn.
Sau quãng thời gian thi đua phát triển công nghệ hỗ trợ, nhiều mẫu xe ở phân khúc phổ thông cũng được trang bị rất nhiều công nghệ. Có thể lấy ví dụ ngay với mẫu Hyundai Creta phiên bản Cao Cấp đang bán ở Việt Nam với mức giá hơn 700 triệu đồng, nhưng được trang bị rất nhiều công nghệ hiện đại như điều khiển hành trình; hỗ trợ giữ làn; phòng tránh va chạm phía trước, điểm mù và phía sau.
Song, khi hệ thống máy tính trên xe ngày càng mạnh, việc can thiệp vào hệ thống phần mềm để gỡ bỏ hay cài đặt thêm tiện ích đã trở thành một việc khả thi.
Trình diễn hack hệ thống phần mềm trên ô tô tại DEF CON 26. Ảnh: Mike Szczys / Hackaday
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Wired, ông Iain Litchfield, chủ sở hữu của xưởng độ Litchfield Motors rất nổi tiếng tại Anh, cho biết rằng can thiệp và tạo ra các thay đổi trên hệ thống phần mềm trên xe ô tô từ lâu đã là một chuyện phổ biến. Có thể lấy ví dụ việc cài đặt thêm tính năng giữ nút khóa xe trên chìa khóa thông minh để đóng/mở toàn bộ cửa sổ.
Nếu như các nhà sản xuất tạo ra phần mềm hỗ trợ và coi đó như các dịch vụ bổ sung thì hiện cũng đã có nhiều người bẻ khóa các tính năng đó, miễn phí hoặc mất ít tiền hơn. Minh họa cho việc này, ông Litchfield mô tả: "BMW M4 đời 2014 của chúng tôi không có tính năng xem TV, nhưng chúng tôi đã có thể kích hoạt trên phần mềm. Thậm chí, chúng tôi còn có thể mở TV khi đang di chuyển - đây là điều không hợp pháp. Chúng tôi cũng đã can thiệp vào hệ thống Radio, thay đổi hệ thống khóa xe trung tâm, thậm chí thay đổi thời gian hoạt động của gạt mưa tự động".
Ông Iain Litchfield (trong ảnh) cho rằng việc can thiệp vào phần mềm đã diễn ra từ lâu. Ảnh: CSR Racing / Youtube
Điều này tất nhiên không khiến các nhà sản xuất vui vẻ. Ông Litchfield chia sẻ thêm: "Trước [khi vụ Dieselgate - scandal khí thải từ động cơ diesel của Volkswagen - xảy ra], ECU do Bosch sản xuất tồn tại 3 phương thức để can thiệp, giả sử Bosch thay đổi mật khẩu ở một phương thức thì vẫn còn hai phương thức khác. Sau khi vụ Dieselgate vỡ lở, Bosch đã tạo ra ECU chỉ có thể can thiệp bằng mật khẩu mã hóa. Các mẫu xe mới nhất thuộc dòng M của BMW là những mẫu xe đầu tiên sử dụng loại ECU này."
Điều này cho biết rằng việc can thiệp vào phần mềm là khả thi, nhưng không phải lúc nào cũng là một việc dễ dàng. Tờ The Wired cũng chỉ ra rằng các phiên bản cập nhật phần mềm cũng sẽ khiến việc 'hack' tính năng trở nên phiền phức hơn, khi người dùng có thể phải 'hack' lại từ đầu sau khi cập nhật phần mềm.
Tại Việt Nam, việc mở các tính năng mà nhà sản xuất khóa lại (thường được gọi là "tính năng ẩn") không phải là một câu chuyện hiếm thấy. Nhiều người dùng chia sẻ rằng có một vài gara thậm chí sẵn sàng kích hoạt tính năng ẩn với chi phí bằng 0 khi họ đã sử dụng dịch vụ tại gara đó, hoặc mất một chút ít. Song, khi làm điều này thì người dùng đã tự đẩy mình vào thế có thể bị từ chối bảo hành.