Bí mật đằng sau câu chuyện chẳng có tòa nhà cao tầng nào tại trung tâm Paris

AB |

Đây cũng là lý do Paris trở thành một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới và việc ngành bán lẻ hàng xa xỉ tại đây vẫn sống tốt, bất chấp sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Tại vùng trung tâm thủ đô Paris-Pháp, giá nhà bình quân vào khoảng 14.430 Euro/m2. Điều này có nghĩa là giá một căn hộ chỉ rộng hơn 35 m2 sẽ được bán với giá hơn 500.000 USD.

Dẫu vậy, đây chỉ là một phần nguyên nhân khiến Paris trở thành một trong những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới và câu chuyện của nó chứa rất nhiều bí ẩn đằng sau.

Chống bạo động

Vào thế kỷ 19, thủ đô Paris khá bất ổn khi liên tục có những biến động địa chính trị. Người dân vào thời đó thường xuyên có những cuộc biểu tình, chặn đường phố vốn đã chật hẹp bằng bàn ghế đế chống lại quân đội kỵ binh hoặc cảnh sát. Chiến lược này khiến chính phủ Pháp khá đau đầu bởi không dễ dẹp bỏ các cuộc bạo động trên đường phố.

Đến thời Napoleon đệ tam (1808-1873), các cuộc bạo động tiếp tục diễn ra khi nhà lãnh đạo này chuyển chế độ từ tổng thống sang hoàng đế. Nhằm chống lại các cuộc bạo động tại Paris, Napoleon III đã yêu cầu kiến trúc sư Georges Eugene Haussmann thiết kế lại khu vực nội đô.

Bí mật đằng sau câu chuyện chẳng có tòa nhà cao tầng nào tại trung tâm Paris - Ảnh 1.

Kể từ đây, kiến trúc sư Haussmann đã lãnh đạo một trong những công cuộc chuyển đổi công trình đầy tham vọng nhất trong lịch sử hiện đại, qua đó biến Paris từ một thành phố lộn xộn trở nên huy hoàng tráng lệ như ngày nay.

Trong tiến trình này, Haussmann đã cho phá dỡ gần 20.000 tòa nhà cũ và xây mới hơn 30.000 công trình với độ đồng đều cao. Tất cả những tòa nhà mới đều có đặc điểm là làm bằng đá, mái vòm sắt, thiết kế ban công đồng bộ và cao không quá 6 tầng.

Chính sự thay đổi này đã đẩy hàng loạt người nghèo tại Paris ra vùng ngoại thành, xóa sổ các khu ổ chuột và cố định hình ảnh nội đô cho đến tận ngày nay.

Chính quyền Paris khá hài lòng với thiết kế của Haussmann và cố gắng không thay đổi khu vực được cải tạo của ông tại Paris. Đây là lý do chính vùng trung tâm Paris chẳng có mấy nhà cao tầng như những thành phố đắt đỏ khác mà chúng ta thường thấy ở London, New York, Tokyo…

Đất chật người đông

Trong khoảng 2000-2014, thủ đô Paris chỉ mở rộng có 1,3% không gian ở, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 4,3% trên toàn thế giới. Việc cố định kiến trúc và ngăn sự phát triển của các tòa nhà cao tầng đã giới hạn không gian sinh hoạt, làm việc của người dân bất chấp quá trình đô thị hóa khiến ngày càng nhiều người đổ về Paris.

Xin được nhắc lại rằng Paris có quy định ngặt nghèo về độ dài cũng như chiều cao của các tòa nhà được xây dựng trong trung tâm. Việc phá bỏ, sữa chữa về thiết kế các tòa nhà cũng được kiểm soát gắt gao nhằm giữ hình ảnh cho nội đô. Hệ quả là giá nhà ngày càng đắt đỏ còn người dân chẳng đủ chỗ sống.

Bí mật đằng sau câu chuyện chẳng có tòa nhà cao tầng nào tại trung tâm Paris - Ảnh 3.

Giá thuê một căn hộ 2 phòng ngủ tại các thành phố trên thế giới (USD/tháng)

Năm 2018, khoảng 61% số người mua nhà có giá trên 4 triệu Euro tại Paris không phải người địa phương, qua đó cho thấy mức độ đông đúc và đắt đỏ của thành phố này.

Trong khoảng 2009-2019, giá bất động sản bình quân theo m2 tại Paris đã tăng 64%. Dù chính phủ Pháp đã thông qua quy định mới nới lỏng về chiều cao và độ dài của các căn hộ nhưng nhiều chuyên gia cho rằng sẽ phải mất vài năm để thị trường bất động sản Paris có thể thay đổi theo.

Lắm người giàu

Thủ đô Paris là một trong những nơi có nhiều người giàu sinh sống nhất trên thế giới. Tính đến năm 2018, khoảng 3.955 đại giá có tài sản trên 30 triệu USD đang sinh sống ở thành phố này. Việc người giàu đổ về Paris sinh sống đã kích thích giá các căn hộ cũng như nhiều dịch vụ tại đây.

Giá nhà hạng sang tại Paris đã liên tiếp tăng 12% năm 2017 và 5,3% năm 2018. Trong khi đó giá nhiều loại mặt hàng ở Paris cũng tăng mạnh. Ví dụ như giá quần áo bình quân trong 6 tháng cuối năm 2019 đã tăng 14%. Hàng loạt những thương hiệu thời trang nổi tiếng liên tục mở thêm chi nhánh tại Paris đã đẩy giá cả tại đây tăng mạnh.

Bí mật đằng sau câu chuyện chẳng có tòa nhà cao tầng nào tại trung tâm Paris - Ảnh 4.

Số người giàu sống tại các thành phố trên thế giới

Bên cạnh đó, việc khách du lịch đổ dồn về đây cũng khiến nhiều cửa hàng bán lẻ hàng xa xỉ sống sót bất chấp sự bùng nổ của thương mại điện tử. Ví dụ như chuỗi bán lẻ hàng xa xỉ lớn nhất Châu Âu là Les Galeries Lafayette đã mở một trung tâm thương mại 2.800 m2 ở Paris chỉ để bán hàng cho du khách Trung Quốc. Họ thiết kế trung tâm để có thể chứa được các đoàn khách du lịch cỡ lớn và trang trí dát vàng theo quan niệm thẩm mỹ của người Trung Quốc.

Không riêng gì ngành hàng xa xỉ, mảng bán lẻ truyền thống tại Paris cũng làm nên ăn ra trong khi tại nhiều thành phố khác như New York, số lượng cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa đã tăng 100% trong 10 năm qua.

Nhu cầu về không gian bán lẻ tại Paris mạnh đến mức giá thuê địa điểm bán hàng tại đại lộ Champs Elysees trong khoảng 2008-2018 đã tăng từ 10.000 Euro/m2 lên 20.000 Euro/m2.

Bí mật đằng sau câu chuyện chẳng có tòa nhà cao tầng nào tại trung tâm Paris - Ảnh 5.

Giá thuê mặt bằng tại đại lộ Champs Elysees

Lương thấp

Mặc dù giá cả đắt đỏ đến vậy như mức lương bình quân của người dân Paris lại khá thấp. Theo CNBC, Paris đắt thứ 5 thế giới trong bảng xếp hạng giá thuê một căn hộ 2 phòng ngủ, thế nhưng người dân nơi đây lại chỉ đứng thứ 22 về mức thu nhập bình quân hàng tháng. Chính điều này khiến Paris càng trở nên đắt đỏ trong mắt người dân cũng như kích động nhiều xung đột.

Bí mật đằng sau câu chuyện chẳng có tòa nhà cao tầng nào tại trung tâm Paris - Ảnh 6.

Lương tháng bình quân của người Paris so với các nước khác

Đã hơn 300 năm kể từ khi Paris được coi là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới và với tình hình như hiện nay, nhiều khả năng thủ đô của Pháp sẽ còn giữ danh hiệu này lâu hơn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại