Nỗi ân hận lớn nhất trong lịch sử vũ khí Anh: Tàn dư chết chóc nhức nhối hàng trăm năm

Trang Ly |

Được xem là một trong những địa điểm hạt nhân nguy hiểm nhất châu Âu, Sellafield tựa như "vết thương hở nhức nhối" cho kỷ nguyên hạt nhân Anh.

Đọc kỳ trước: Giải mật Chiến dịch Bão táp của Anh: Hồi sinh "siêu bom" sau cú phản bội cay đắng của Mỹ

Nỗi ân hận lớn nhất trong lịch sử vũ khí Anh: Tàn dư chết chóc nhức nhối hàng trăm năm - Ảnh 1.

Ngày 12/4/1945, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt qua đời. Sự kiện này đã tác động rất lớn đến mối quan hệ hữu hảo của Anh-Mỹ vốn được hai nhà lãnh đạo xây dựng thời chiến.

Thay vì tiếp tục thực hiện Hiệp định Quebec (ký kết lần 2 giữa Mỹ-Anh tháng 9/1944), Tổng thống Mỹ kế nhiệm Harry S. Truman bất ngờ quay lưng lại với Anh. Bởi Mỹ lâu nay vốn lo ngại Anh hoặc Liên Xô có thể là chướng ngại vật trên con đường tiến đến "ngôi vương hạt nhân" mà quốc gia này đang ráo riết thực hiện trong Dự án Manhattan.

Nói là làm, ngày 1/8/1946, sau khi đưa thế giới bước vào kỷ nguyên hạt nhân bằng quả bom nổ thử thành công "Trinity" năm 1945, Tổng thống Harry S. Truman đặt bút ký Đạo luật Năng lượng nguyên tử, đơn phương rút Mỹ khỏi Hiệp định Quebec 1943, ngừng chia sẻ công nghệ hạt nhân với Anh.

Nỗi ân hận lớn nhất trong lịch sử vũ khí Anh: Tàn dư chết chóc nhức nhối hàng trăm năm - Ảnh 2.

William Penney (1909-1991) - Nhà khoa học đứng đầu dự án phát triển bom nguyên tử Anh.

Như bị giáng một cú đánh trực diện, năm 1947, Thủ tướng Anh Clement Attlee quyết định tự lực cánh sinh bằng dự án "High Explosive Research" nhằm phát triển độc lập bom nguyên tử.

"High Explosive Research" ra đời dưới sự giám sát của Nguyên soái Không quân Hoàng gia Anh Charles Frederick Algernon Portal; và giáo sư vật lý toán học William Penney đứng đầu chỉ đạo.

Do "thừa kế" được những thông tin mật của Dự án Manhattan, William Penney lên kế hoạch phát triển bom nguyên tử chứa nguyên liệu là plutonium.

Khi nhu cầu plutonium của Anh lên cao, chính phủ nhanh chóng xây dựng Calder Hall - nhà máy năng lượng nguyên tử thương mại quy mô lớn đầu tiên trên thế giới - tại Sellafield năm 1956. Kỹ sư hạt nhân người Anh Christopher Hinton chịu trách nhiệm giám sát xây dựng và hoạt động của Calder Hall.

Nhờ có Calder Hall và những khối óc xuất chúng làm việc miệt mài của các nhà khoa học Anh, năm 1952, Anh mở Chiến dịch Bão táp để thử quả bom hạt nhân đầu tiên trong lịch sử Anh Quốc. (Đọc thêm tại Kỳ 1)

Chiến dịch thành công mỹ mãn, đưa Anh trở thành cường quốc thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Liên Xô, sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nỗi ân hận lớn nhất trong lịch sử vũ khí Anh: Tàn dư chết chóc nhức nhối hàng trăm năm - Ảnh 3.

Sau 7 năm để thua Mỹ trên hành trình sở hữu "Siêu Bom", dù người Anh khởi động chương trình phát triển vũ khí hạt nhân sớm hơn người Mỹ, cuối cùng London cũng nắm trong tay vũ khí mạnh nhất thế giới, sánh ngang với Mỹ và Liên Xô, trong thời Chiến tranh Lạnh đầy rối ren.

Tuy nhiên, phía sau câu chuyện của một cường quốc hạt nhân đó là "cái giá" không hề rẻ mà cường quốc đó phải trả trong nhiều năm về sau.

Nếu như Calder Hall là "xương sống" của chương trình hạt nhân Anh trong những năm chiến tranh và chính trị thế giới diễn biến khó lường thì Sellafield thời đó được ví như "hiện thân của bình minh hạt nhân Anh" thì thời nay Sellafield tựa như "vết thương hở nhức nhối cho kỷ nguyên hạt nhân" tại xứ sở sương mù; được xem là một trong những địa điểm hạt nhân nguy hiểm nhất châu Âu.

Điều gì biến Sellafield trở thành địa điểm đáng sợ đến thế?

Nỗi ân hận lớn nhất trong lịch sử vũ khí Anh: Tàn dư chết chóc nhức nhối hàng trăm năm - Ảnh 4.

Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Sellafield nhìn từ trên cao. Nguồn: The Guardian

Nhà máy điện hạt nhân Sellafield, với hai lò phản ứng hạt nhân là Windscale và Calder Hall, được xem là khởi đầu của kỷ nguyên nguyên tử Anh. Đây là nơi các nhà khoa học Anh đổ xô phát triển vũ khí nguyên tử trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đang diễn ra căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô.

Sellafield, nằm ở bờ biển phía tây (Biển Ailen) của Tây Bắc nước Anh, thuộc hạt Cumbria ngày nay. Sau khi Thế chiến II kết thúc, Anh điều chỉnh Sellafield trở thành nhà máy chuyên sản xuất vật liệu cho vũ khí hạt nhân, chủ yếu là plutonium.

Nhà máy hạt nhân Sellafield:

- Rộng: 6 km2

- Chứa hơn 1000 cơ sở hạt nhân

- 13.000 người làm việc tại đây

Việc xây dựng các cơ sở hạt nhân bắt đầu vào tháng 9/1947. Mặc dù chỉ rộng 6 km2 nhưng Sellafield là nơi có đến hơn 1000 cơ sở hạt nhân hoạt động hết công suất. Với số lượng người làm việc tại đây lên đến 13.000 người, Sellafield trở thành nhà máy hạt nhân lớn nhất ở châu Âu và nhà máy hạt nhân phức tạp nhất trên thế giới.

Kể từ khi thành lập như một cơ sở hạt nhân trọng yếu của Anh, Sellafield cũng là nơi thực hiện các hoạt động tái xử lý, tách riêng uranium, plutonium và các sản phẩm phân hạch từ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Nhờ có Sellafield, ngày 3/10/1952 trở thành khoảnh khắc đi vào lịch sử hạt nhân của Anh nói riêng và thế giới nói chung: Quả bom nguyên tử nhiên liệu plutonium-239 đầu tiên của Anh được nổ thử thành công trong Chiến dịch Bão táp.

Sự kiện này đưa Anh "nở mày nở mặt" sánh ngang với hai cường quốc hạt nhân của thế giới lúc bấy giờ là Mỹ và Liên Xô.

Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau thời khắc lịch sử ấy, nước Anh đối mặt với thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử của mình(Đón đọc kỳ 3 tới). Vụ hỏa hoạn khổng lồ tại lò phản ứng hạt nhân Windscale được Thang đo sự cố hạt nhân quốc tế (INES) xếp hạng mức độ nghiêm trọng ở cấp độ 5 trên tổng 7 cấp độ.

Nỗi ân hận lớn nhất trong lịch sử vũ khí Anh: Tàn dư chết chóc nhức nhối hàng trăm năm - Ảnh 6.

Không chỉ xảy ra sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất tại Windscale năm 1957 khiến nhiều người ví Sellafield của Anh như Chernobyl của Liên Xô, ngày 19/4/2005, tại nhà máy điện hạt nhân này còn xảy ra sự cố rò rỉ chất thải phóng xạ nghiêm trọng (cấp độ 3 trên tháng INES) gây nguy hại cho con người và môi sinh tại vùng Tây Bắc nước Anh.

Ngày nay, sau gần 7 thập kỷ hoạt động, (cả hai lò phản ứng hạt nhân Windscale và Calder Hall đã ngừng hoạt động và dần tháo dỡ) Sellafield trở thành kho chứa chất thải phóng xạ chưa qua xử lý lớn nhất thế giới - trong đó có 140 tấn plutonium dân sự chưa qua xử lý; chính thức trở thành địa điểm công nghiệp nguy hiểm nhất trong lịch sử Anh Quốc.

Để dễ hình dung mức độ nguy hiểm của Sellafield chỉ cần đưa ra con số: Từ 5 đến 10 kg plutonium là đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân!

Ngày nay, Sellafield đang "ngốn" rất nhiều chi phí của chính phủ (khoảng 1,9 tỷ bảng Anh mỗi năm) để xử lý gần như tất cả chất thải phóng xạ được tạo ra bởi 15 lò phản ứng hạt nhân hoạt động của Vương quốc Anh. Sellafield cũng chịu trách nhiệm tái xử lý nhiên liệu từ các nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài, chủ yếu ở châu Âu và Nhật Bản - 50.000 tấn nhiên liệu đã được tái xử lý tại đây.

Nỗi ân hận lớn nhất trong lịch sử vũ khí Anh: Tàn dư chết chóc nhức nhối hàng trăm năm - Ảnh 7.

Sellafield cũng chịu trách nhiệm tái xử lý nhiên liệu từ các nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài, chủ yếu ở châu Âu và Nhật Bản. Nguồn: James Temperton/Wired

Do mức độ phóng xạ cực cao nên các chuyên gia/công nhân xử lý chất thải tại Sellafield làm việc 10 tiếng/ngày, 4 ngày/tuần, với bộ đồ phòng hộ nghiêm ngặt. Riêng tại khu vực ô nhiễm nặng, họ chỉ dành 90 phút/ngày để xử lý.

Ở các khu vực xung quanh Sellafield nay vắng bóng con người và vật nuôi bởi chất thải phóng xạ qua nhiều thập kỷ đã ngấm sâu vào đất, nước tại đây và vùng lân cận.

Các chất thải được chứa trong các bình có kích thước từ 50 tấn đến 110 tấn, một số có chiều cao đến 3 mét. Với loại nhiên liệu phóng xạ cao thì được chuyển vào một bể lớn hơn (có kích thước bằng 2 sân bóng đá, sâu 8 mét và được giữ ở nhiệt độ không đổi 20°C) - đây là nơi chất thải được lưu trữ và làm mát trong khoảng từ 3 đến 5 năm.

Sellafield cho đến nay và hàng trăm năm về sau vẫn là một trong những địa điểm hạt nhân nguy hiểm nhất châu Âu.

Riêng tại khu vực Shear Cave, tất cả các hoạt động xử lý được thực hiện từ xa bằng robot. Chất thải tại khu vực này tạo ra 280 tia phóng xạ mỗi giờ - gấp hơn 60 lần liều chết người.

Vụ rò rỉ năm 2005 khiến 83 mét khối dung dịch axit nitric thấm từ một đường ống bị vỡ vào khoang chứa thứ cấp - một bồn inox được bọc trong bê-tông cốt thép dày 2 mét, có dung tích 250 mét khối. Chất lỏng bị rò rỉ được ước tính chứa 20 tấn uranium và 160kg plutonium.

Do liên tiếp gặp sự cố, vào tháng 1/2015, chính phủ Anh đã sa thải tập đoàn tư nhân đang điều hành Sellafield kể từ năm 2008, và điều Cơ quan tháo dỡ nhà máy hạt nhân (NDA) kiểm soát.

Theo các chuyên gia, Sellafield cho đến nay và hàng trăm năm về sau vẫn là một trong những địa điểm hạt nhân nguy hiểm nhất châu Âu. Hiện tại, nó có lượng chất thải phóng xạ  ở mức độ trung bình và cao được chôn ở dưới đất đủ để lấp đầy 27 bể bơi có kích cỡ Olympic.

Nỗi ân hận lớn nhất trong lịch sử vũ khí Anh: Tàn dư chết chóc nhức nhối hàng trăm năm - Ảnh 9.

Một cần cẩu tháo dỡ một tòa tháp lâu đời nhất của Sellafield. Nguồn: The Guardian

Sellafield đang tích cực chuyển sang chương trình khắc phục môi trường trong 100 năm, điều này có nghĩa là đẩy nhanh việc ngừng hoạt động của các cơ sở cũ và chuyển chất thải vào nơi chứa an toàn trong nhiều thế kỷ sau.

Không chỉ tiêu tốn hàng tỷ bảng Anh mỗi năm cho hoạt động xử lý chất thải phóng xạ, Sellafield - Hiện thân của bình minh hạt nhân Anh - nay trở thành "cơn ác mộng" với con người và môi sinh, để trở thành địa điểm nguy hiểm bậc nhất châu Âu.

Sau những chiến thắng trong cuộc đua vũ khí nguyên tử, "cái giá" cho vị trí hạt nhân thứ ba thời Chiến tranh Lạnh của Anh có lẽ tựa như vết thương hở, nhức nhối đến tận ngày nay và hàng trăm năm về sau.

- Đón đọc kỳ 3: Windscale - Thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử Anh Quốc

- Đọc các bài hồ sơ về Liên Xô, Mỹ thời Chiến tranh Lạnh TẠI ĐÂY.

Bài viết sử dụng các nguồn: The Guardian, Wired.co.uk, GOV.UK

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại