Vụ nổ kinh hoàng của "The Gadget": Đưa nhân loại bước sang kỷ nguyên nguyên tử
Cách đây hơn 7 thập kỷ, ngày 16/7/1945 đánh dấu là ngày nhân loại chính thức bước vào kỷ nguyên nguyên tử sau khi Mỹ thử nghiệm thành công vũ khí mạnh nhất mọi thời đại - Quả bom nguyên tử mang tên "The Gadget".
Đúng 5h30' sáng ngày 16/7, quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới phát nổ tại khu vực Alamogordo, bang New Mexico.
Hình ảnh quả bom "The Gadget" phát nổ. Ảnh: Wikipedia.
Với sức công phá khủng khiếp tương đương 20.000 tấn thuốc nổ TNT, quả bom phát ra quầng sáng (giống nắng Mặt trời buổi trưa) trong bán kính 30km; và tạo nên đám mây hình nấm cao 12.000 mét.
"The Gadget" phát ra âm thanh và luồng sóng xung kích cực mạnh, có thể đo được cách tâm nổ 160km. Vụ nổ khiến tất cả các ngôi nhà kính cách tâm nổ 290km bị vỡ vụn, tan hoang.
Để che mắt dư luận Mỹ và thế giới, quân đội Mỹ ra thông báo vừa có một vụ nổ tại kho đạn ở gần sân bay Alamogordo.
Trên thực tế, vụ nổ bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới này là kết quả thành công mỹ mãn của dự án "Manhattan Project" mà Mỹ nung nấu thực hiện từ trước đó vài năm trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Để âm thầm thực hiện dự án sản xuất vũ khí khủng khiếp "độc nhất vô nhị" này, Mỹ đã tiêu tốn rất nhiều tiền của, nhân lực cùng sự chuẩn bị dài hơi từ năm 1939.
J. Robert Oppenheimer (phải) cùng đồng nghiệp tại phòng làm việc cho dự án "Manhattan Project". Ảnh: Britannica.
Khởi đầu khiêm tốn vào năm 1939, dự án "Manhattan Project" về sau được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Anh và Canada nên có số vốn cực khủng là 2 tỉ USD (tương đương với 26 tỉ USD vào năm 2016) cùng sự tham gia của hơn 130.000 chuyên gia, bác học hàng đầu.
Bên cạnh kinh phí khổng lồ, dự án "Manhattan Project" thành công là nhờ vào việc Mỹ bí mật xây dựng các căn cứ "vô hình" để cho các nhà khoa học chế tạo thành công quả bom nguyên tử.
Bí mật căn cứ sản xuất siêu vũ khí không có tên trên bản đồ của Mỹ
Vào cuối năm 1942, quân đội Mỹ thâu tóm một vùng đất rộng lớn tại vùng nông thôn phía tây bắc Knoxville, bang Tennessee (Mỹ) để xây dựng căn cứ thực hiện dự án "Manhattan Project".
Nhằm tránh con mắt dòm ngó của các gián điệp ngoại bang cũng như che mắt dư luận, Mỹ tiến hành xây dựng căn cứ bí mật và điều động quân đội canh gác cẩn mật. Thậm chí, Mỹ còn không cho tên của căn cứ lên bản đồ.
Hình ảnh khu sản xuất bom nguyên tử thuộc dự án "Manhattan Project". Ảnh: US Army Corps of Engineers.
Sau khi xây dựng xong các tòa nhà, phòng thí nghiệm và cơ sở sản xuất vũ khí, quân đội Mỹ đã đưa 75.000 các nhà khoa học, chuyên gia và công nhân tới căn cứ để sinh sống và làm việc.
Càng gần cuối dự án, trước khi quả bom nguyên tử đầu tiên được thử nghiệm, số lượng những người tham gia dự án càng ngày càng tăng lên đến con số 130.000 người.
Một số các nhà khoa học thuộc dự án "Manhattan Project". Ảnh: Veryhelpful.net.
Điều kỳ lạ là, chỉ có những nhân vật "chóp bu" mới thực sự biết ý nghĩa của dự án, trong khi đó, hàng trăm nghìn người vẫn ngày đêm làm việc mà không hiểu mục đích thực sự là gì.
Những người làm việc trong căn cứ gần như bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài, họ không được đi du lịch, không được ra khỏi thị trấn. Quân đội luôn canh gác gắt gao 24/7 cả bên trong thị trấn và vùng bên ngoài.
Sau 6 năm dài hoạt động trong bí mật, vào tháng 7/1945, Mỹ hoàn thành xong giấc mộng về loại vũ khí mạnh nhất, chưa từng có trong lịch sử nhân loại: Quả bom nguyên tử "The Gadget" ra đời trong sự vui mừng của các nhà khoa học và những người đứng đầu.
Hình ảnh các nhà khoa học chụp cùng quả bom nguyên tử đầu tiên của nhân loại. Ảnh: The Manhattan Project.
Đến ngày 16/7/1945, quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới phát nổ. Vụ nô của quả bom đã khoét một lỗ lớn rộng 340m và sâu 3m tại khu vực thử nghiệm.
Sau khi tin tức vụ nổ thành công được gửi đến Washington, D.C, Tổng thống Mỹ đương thời Harry Truman (nhiệm kỳ 1945 - 1953) thông báo với lãnh đạo tối cao của Liên Xô lúc đó là Joseph Stalin rằng: Mỹ đang sở hữu loại vũ khí tối tân, có khả năng hủy diệt khủng khiếp!
Đám mây nấm khổng lồ cao 12.000m từ quả bom nguyên tử. Ảnh: Manhattan Project.
Nói là làm, gần 1 tháng sau vụ nổ thử nghiệm, Mỹ đã thả 2 quả bom nguyên tử lần lượt mang tên "Little Boy" và "Fat Man" xuống hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshima (vào ngày 6/8/1945) và Nagasaki (ngày 9/8/1945).
Cả hai vụ thả bom nguyên tử đã khiến khoảng 120.000 người thiệt mạng, hàng chục người nhiễm độc phóng xạ và toàn bộ các ngôi nhà tại 2 thành phố gần như bị san phẳng. Cuối cùng, vào ngày 15/8/1945, Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh, kết thúc Thế chiến II.
Sau vụ nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới của Mỹ, hàng loạt các quốc gia khác trong đó có Liên Xô cũng ra sức thực hiện các dự án vũ khí khổng lồ nhằm chế tạo loại vũ khí mang sức hủy diệt khúng khiếp này, trong đó phải kể đến bom Sa Hoàng, quả "bom vua" lớn nhất, mạnh nhất tính cho đến thời điểm hiện nay.
Bài viết sử dụng các nguồn: Britannica, Cracked, History, Wikipedia