Reuters sáng 19/8 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat xác nhận, các binh sĩ nổi dậy ở Mali đã bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, Thủ tướng Boubou Cisse và hàng loạt quan chức cấp cao của nước này ở thủ đô Bamako từ ngày 18/8.
Tổng thống Mali Keita. Ảnh: AP
Các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, ông Keita và Cisse bị bao vây bởi các binh sĩ nổi dậy có vũ trang. Họ sau đó đã dẫn các nhân vật này đến trại quân sự Kati cách thủ đô Bamako chừng 15km. AU lên án hành vi này của nhóm binh sĩ nổi loạn.
Cùng ngày, một quan chức thuộc Văn phòng Thủ tướng Mali đã xác nhận với truyền thông việc Tổng thống Keita và Thủ tướng Cisse đang bị giam giữ ở Kati.
Sáng nay (19/8), truyền hình nhà nước Mali bất ngờ đăng tải đoạn video ghi hình Tổng thống Boubacar Keita tuyên bố từ chức ngay lập tức. "Vào thời điểm này, tôi muốn cảm ơn người dân Mali đã ủng hộ tôi những ngày qua, cũng như tình cảm nồng ấm của họ", Keita nói.
Nhà lãnh đạo 75 tuổi cho biết cả chính phủ và quốc hội Mali sẽ bị giải tán. "Nếu hôm nay, một số thành phần trong lực lượng vũ trang của chúng ta quyết định rằng sự can thiệp là cần thiết, tôi thực sự có lựa chọn sao? Tôi không muốn máu phải đổ", ông nói.
Hiện thông tin về vụ đảo chính vẫn chưa rõ ràng. Thủ tướng Cisse chưa lên tiếng chính thức. Chưa có nhân vật nào thừa nhận cầm đầu nhóm đảo chính, cũng như ai sẽ lãnh đạo Mali thay ông Keita. Ngày 18/8, một phát ngôn viên quân đội bác tin đồn sự việc được lực lượng vũ trang lên kế hoạch từ trước.
Liên minh M5-RFP đối địch ở Mali cho biết họ ủng hộ hành động của nhóm binh biến. Nhóm này cho rằng đó "không phải là lật đổ bằng quân sự mà là cuộc khởi nghĩa".
Vụ đảo chính xảy ra vài giờ sau khi lực lượng nổi dậy chiếm quyền kiểm soát căn cứ quân sự Kati ở ngoại ô Bamako và bắt giữ nhiều quan chức cả quân sự và dân sự. Trước khi bị bắt giữ, Thủ tướng Cisse đã kêu gọi lực lượng nổi dậy hạ vũ khí để đối thoại nhưng không thành công.
Ngay sau khi thông tin vụ bắt giữ lan truyền, hàng ngàn người đã đổ ra đường phố Bamako ăn mừng. Nhiều người tụ tập ngoài dinh thự của Keita nhưng bị ngăn lại. Các toà nhà lân cận thuộc sở hữu của các thành viên trong gia đình Keita, cũng là các quan chức cấp cao trong chính phủ hoặc quân đội, đã bị đập phá, cướp bóc.
Theo Reuters, Tổng thống Keita lên nắm quyền hồi năm 2013 và tái đắc cử vào năm 2018, trong cuộc bỏ phiếu mà nhiều người nghi ngờ có gian lận. Người dân quốc gia nghèo đói ở Tây Phi này gần đây liên tiếp biểu tình phản đối chính phủ vì kinh tế sa sút, nạn tham nhũng xảy ra khắp nơi.
Hồi tháng 5, tòa án hiến pháp của Mali đã đảo ngược kết quả của cuộc bầu cử quốc hội gây tranh cãi, mở đường cho đảng của ông Keita chiếm đa số ghế trong quốc hội, khiến làn sóng giận dữ của người dân bùng lên dữ dội.
Phán ứng trước tình hình ở Mali, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 18/8 đã yêu cầu "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện" Tổng thống Keita và các thành viên trong chính phủ của ông. Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến triệu tập một cuộc họp khẩn để bàn về tình hình ở Mali trong vài giờ tới.
Binh biến từng xảy ra tại Mali năm 2012 và cũng bắt đầu từ căn cứ Kati, sau đó dẫn tới đảo chính lật đổ tổng thống khi đó là Amadou Toumani Toure, đẩy miền Bắc Mali vào tay các phần tử thánh chiến Hồi giáo cực đoan.