Đại diện Mỹ đàm phán "con thoi" giữa các bên tham chiến ở Libya?
Vào đầu tháng 8/2020 Đại sứ Mỹ tại Libya, ông Richard Norland, mới đây đã tiến hành tham vấn với từng bên liên quan của cuộc xung đột vũ trang tại Libya.
Sau khi ông Norland tiến hành các cuộc đàm phán với Chính phủ Tobruk ở miền đông Libya, mà Quân đội quốc gia Libya (LNA) do Tướng Halifa Haftar đang sử dụng như "điểm tựa chính trị", ông này đã thảo luận về cuộc xung đột với Ankara.
Chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hiện nay đang tập trung để "đặt dấu chấm hết" cho việc LNA vẫn đang kiểm soát các vị trí chiến lược ở miền tây Libya là Thành phố cảng Sirte và Căn cứ quân sự al-Jufra. Việc khai thác dầu cũng nằm trong nội dung thảo luận.
Khi thảo luận với họ về những phương hướng giải quyết tình huống bế tắc về mọi mặt tại Libya, nhà ngoại giao này tuyên bố Washington đã có kế hoạch của riêng mình.
Bản chất của kế hoạch này là hướng tới phương án phi quân sự tại những khu vực mà hiện nay Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn quan tâm.
Khu vực Sirte và căn cứ al-Jufra hiện là "lằn ranh đỏ" theo tuyên bố của Ai Cập.
Trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Ahram Online (Ai Cập), nhà ngoại giao Mỹ đã tuyên bố rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực thiết lập Khu phi quân sự (DMZ) ở lân cận Sirte.
"Một trong những ý tưởng chúng tôi đề xuất - đó là sự ủng hộ giải pháp nhằm phi quân sự hóa khu vực xung quanh Sirte.
Chúng tôi không phải là những người duy nhất có đề xuất điều này, tuy nhiên nếu chúng tôi có thể sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để thực hiện điều mong muốn đó".
Lãnh đạo phái bộ ngoại giao của Mỹ cũng nhấn mạnh: "Mục đích là khiến cho các phe phái vũ trang phải lùi bước, nhường chỗ cho một hệ thống an ninh trung lập nào đó của người dân thành phố và tránh được rủi ro biến Sirte thành nơi bùng phát xung đột vũ trang”.
Tuy nhiên các chuyên gia quân sự thì cho rằng sáng kiến này trên thực tế là nhằm mục đích loại bỏ lính đánh thuê bị cáo buộc của Nga.
Ông Norland cho rằng, các bên tham gia vào cuộc chiến này phải từ bỏ việc tăng "đặt cược vào canh bạc": "Đặc biệt là các quốc gia mà đang cung cấp khí tài quân sự và hậu thuẫn cho lính đánh thuê".
"Điều này cần phải chấm dứt. Ngoài ra, nếu tất cả các đồng thuận trong cuộc hội đàm ở Berlin được thực hiện, nó sẽ trở thành công thức để giải quyết cuộc xung đột.
Tôi nghĩ, khi tất cả những người yêu nước ở Libya đồng thuận, họ sẽ cố gắng chấm dứt cuộc xung đột và sự can thiệp của tất cả các lực lượng nước ngoài, thì đó sẽ một chương mới trong lịch sử".
"Tại cuộc gặp đã bàn bạc đến những biện pháp nhằm đạt được giải pháp trong vấn đề giải trừ vũ trang và lính đánh thuê", trên trang Twitter của đại sứ quán Mỹ tại Libya ghi rõ.
Hình ảnh được cho là lính đánh thuê Nga và tiêm kích Su-24 Fencer tham chiến ở Libya.
Chuyên gia: Trò "lấp liếm" trong giai đoạn "giao thời" của Mỹ?
Tuy nhiên, nguồn tin của TASS tại Chính phủ Tobruk thông báo rằng sáng kiến của Mỹ không nhận được sự đồng thuận tại khu vực đông Libya.
"Người Mỹ muốn chơi đùa với số phận của người Libya, và mọi sáng kiến mà không tính tới việc rút quân của Thổ Nhĩ Kỳ đều không nằm trong sự quan tâm của chúng tôi. Mỹ có thể dễ dàng khiến người Thổ rời khỏi Libya mà không cần "động thủ", nhưng họ không muốn điều đó".
Cũng theo nguồn tin nói trên, kế hoạch của ông Norland tính tới việc đẩy LNA ra khỏi Sirte và al-Jufra đồng thời triển khai các quan sát viên và lực lượng gìn giữ hòa bình tại "vùng đệm" chạy dọc trên chiến tuyến với GNA. Chính phủ Tobruk cũng không đồng tình với kế hoạch này.
Nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ quốc tế Ireland "Clingendal", ông Jalel Kharshaoui cho rằng, chính quyền của tổng thống Mỹ đã đưa ra sáng kiến "phi quân sự hoá" ở Libya vì một lý do duy nhất - thông tin về sự gia tăng số lượng lính đánh thuê Nga đến từ công ty Wagner.
“Trong khi đó, có thể thấy rõ rằng người Nga và người UAE (một trong nhiều nước hậu thuẫn Tướng Haftar) sẽ không thay đổi cách hành xử của mình chỉ vì Mỹ ra "yêu cầu" phi quân sự hóa đối với người Libya.
Sáng kiến của Mỹ, nếu như không mang hình thái ấn tượng hơn, sẽ khó có thể gây ra tác động nào đó lên tình hình thực địa.
Điều này trông giống như một màn khói để che đậy "khoảng trống" giữa thời điểm hiện tại với đầu năm 2021, khi xác định được người đảm nhận cương vị tổng thống ở Washington", ông Kharshaoui kết luận.
Theo Southfront, it nhất 3 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 trên khung gầm xe tải KAMAZ-6560 8x8 đã được triển khai cách nhau khoảng 75 km dọc theo "lằn ranh đỏ" từ Sirte tới al-Jufra vào đầu tháng 9/2020.