Những ai từng lớn lên tại miền tây Pennsylvania, Mỹ, vào những năm 50-60, hầu như đều biết đến một truyền thuyết đáng sợ về Người Xanh, hay Charlie No Face - một người đàn ông không có mặt mũi, chuyên đi rình rập mọi người tại những con đường heo hút vào ban đêm.
Truyền thuyết về Người Xanh khẳng định ông ta phát ra ánh sáng màu xanh là do từng bị sét đánh hoặc do bị ảnh hưởng chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân. Còn khuôn mặt của người này dường như đã bị đốt cháy đến mức tan chảy như nến, và đó cũng là lý do vì sao ông ta được gọi là Charlie Không Mặt.
Trong lòng những đứa trẻ thời bấy giờ, Charlie Không Mặt là một nỗi ám ảnh khủng khiếp khiến chúng không bao giờ dám lén lút ra đường vào ban đêm hay bén mảng đến khu vực South Park, North Hills hay những khu vực xa lộ xung quanh Washington, Pennsylvania.
Mặc dù câu chuyện về Charlie Không Mặt có khá nhiều chi tiết được thêu dệt lên nhưng thực chất rất ít người biết rằng nhân vật bí ẩn này là một người hoàn toàn có thật với tên gọi Raymond Robinson. Không chỉ vậy, ông ta còn là một con người có số phận vô cùng bi đát.
Năm 1919, khi Raymond được 8 tuổi, trong một lần cùng chị gái và các bạn đi chơi thì phát hiện ra một tổ chim trên cây gần toa xe điện bị bỏ không. Cậu bé Raymond vì muốn nhìn rõ hơn nên đã trèo lên toa xe, không ngờ vô tình lại chạm vào đường dây điện vẫn còn hoạt động.
Gần một năm về trước, một cậu bé xấu số khác từng tiếp xúc với đường dây điện này và phải trả giá bằng cái chết sau 2 tuần vật vã đau đớn. Và đường dây tử thần này vẫn còn hoạt động cho đến khi Raymond chạm vào.
Raymond bị điện giật đến mức toàn bộ khuôn mặt đều bị hủy hoại. Mũi, môi, lỗ tai và mắt của cậu bé như sáp bị đốt nóng tan chảy vào nhau. Tay của Raymond bị thương nặng, một bàn tay bị nổ nát. Sự đau đớn và kinh hoàng của Raymond phải chịu đựng không một ai có thể tưởng tượng nổi.
Ấy vậy mà, bằng một cách kỳ diệu nào đó, Raymond vẫn sống sót trong sự ngạc nhiên tột độ của các bác sĩ. Nhưng với hậu quả khủng khiếp Raymond mang theo, suốt cuộc đời này, cậu cũng không thể nào có được một cuộc sống đúng nghĩa, sống như một con người.
“Nhìn vào những ngôi nhà cũ thời Victoria, bạn có thể thấy rất nhiều trong số đó có những căn phòng biệt lập với thế giới bên ngoài”, Tisha York, một người từng dành ra 3 năm để thu thập tài liệu nghiên cứu về Raymond Robinson cho bộ phim tài liệu của mình.
“Vào thời bấy giờ, đó là nơi mà những đứa trẻ như Raymond bị gia đình giam giữ. Mọi thứ lúc đó rất khác. Tất cả những ai khác biệt, không giống người bình thường sẽ đều bị nhốt tại những căn phòng bí mật như vậy”.
Tuy rằng Raymond không bị ngược đãi nhưng chính các thành viên trong gia đình đều đối xử với cậu bé vô cùng lạnh nhạt. Raymond bị cô lập, sống một cuộc sống âm thầm và đau khổ ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Mặc dù vậy, Raymond vẫn cố gắng sống thật tốt nhất có thể. Raymond thường ngồi một mình nghe đài radio tường thuật lại những trận bóng chày - môn thể thao mà cậu yêu thích nhất. Sau này khi Raymond trưởng thành, gia đình đã dọn lại chiếc garage cũ để cho anh dọn ra sống tại đó một mình.
Raymond tự mày mò học chữ nổi, học làm ví tiền và thảm chùi chân từ lốp xe cũ rồi bán chúng đi để kiếm ít tiền trang trải cuộc sống.
Biết được ngoại hình của bản thân sẽ khiến cho người khác kinh sợ, Raymond gần như không bao giờ xuất hiện trước công chúng, cũng rất hiếm khi bước chân ra khỏi nhà. Tuy vậy anh vẫn khao khát được tận hưởng một chút tự do, hít thở không khí trong lành của thế giới bên ngoài.
Vậy là Raymond quyết định đợi đến đêm muộn, anh mới mò mẫm, đi bộ ra những con đường lớn. Đó cũng là lúc truyền thuyết về Charlie Không Mặt bắt đầu xuất hiện. Cái tên Người Xanh cũng được hình thành khi một nhóm học sinh trung học lái xe trên xa lộ Route 351 vào ban đêm và nhìn thấy Raymond.
Có lẽ do ánh đèn xe phản chiếu vào chiếc áo sơ mi caro xanh mà Raymond đang mặc khiến cho gương mặt ông cũng ánh lên một màu xanh lá rùng rợn.
Một người dân sống lâu năm tại Koppel nhớ lại lần chạm mặt với Charlie Không Mặt khi đang trên đường trở về nhà. Bà nói: “Tôi đã vô cùng sợ hãi, thật không thể tin nổi”.
Xung quanh Raymond là biết bao nhiều chuyện thêu dệt và những lời bàn tán, bình luận cay nghiệt nhưng vẫn còn đó những người tốt bụng, và họ chỉ nhìn thấy ở Raymond là một con người có trái tim và tấm lòng ấm áp. Đôi lúc những người bạn xa lạ này sẽ mang bia và thuốc lá cho Raymond trong chuyến đi dạo đêm.
“Chúng tôi thường đem bia đến mời anh ta”, Pete Pavlovic, người đàn ông 60 tuổi trả lời phỏng vấn vào năm 1998 với Post-Gazette. “Những người không biết Raymond thường sẽ rất sốc khi nhìn thấy anh ta. Họ muốn gọi cảnh sát ngay lập tức. Bạn phải giải thích cho họ hiểu, và rồi nhiều người trong số đó đã quay trở lại để tìm kiếm Raymond”.
Một số kẻ độc ác đôi lúc giả vờ cho Raymond đi nhờ xe sau đó thả ông ta ở một nơi xa xôi như một trò đùa quái ác đối với người đàn ông mù vốn đã mang quá nhiều thiệt thòi và khổ sở.
Cuộc đời cô độc của Raymond cứ như vậy âm thầm trôi qua. Năm 1985, Raymond qua đời ở tuổi 74. Chi tiết về cuộc sống sau này của ông chẳng có mấy ai biết rõ nhưng câu chuyện kỳ bí về "ông kẹ" không mặt luôn là nỗi sợ hãi khủng khiếp đối với nhiều thế hệ lớn lên tại Pennsylvania cho đến cả trăm năm sau.
Câu chuyện về Charlie Không Mặt cho đến ngày hôm nay vẫn luôn là huyền thoại đường phố nổi tiếng nhất, Người Xanh vẫn là “bóng ma xa lộ” mà các học sinh trung học thường xuyên bàn tán và chia sẻ.