Theo số liệu thống kê của Wealth-X, New York có 103 tỷ phú. Đây là thành phố có nhiều tỷ phú nhất trong Top 10 do tổ chức này công bố. Tuy nhiên Hong Kong lại là thành phố có tốc độ tăng trưởng tỷ phú nhanh nhất. Năm 2018, thành phố này có thêm 21 tỷ phú mới với tốc độ tăng trường 29%.
CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series bài viết về "Những doanh nhân Hong Kong nổi bật". Phần lớn những tỷ phú Hong Kong là tỷ phú tự thân trong đủ các lĩnh vực từ Bất động sản, Casino, Vận tải cho đến cả nước sốt.
Đời tư kín tiếng của nữ tỷ phú giàu nhất Hong Kong
Bà Kwong Siu-hing sinh năm 1929 tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Bà là vợ của ông Kwok Tak-seng, người đồng sáng lập công ty phát triển bất động sản hàng đầu của Hong Kong.
Ông Kwok sinh năm 1911 tại Macau và chuyển tới Hong Kong sau Thế chiến II. Năm 1952, ông thành lập một công ty bán buôn hàng nhập khẩu và sau vài năm, việc kinh doanh đã phát triển nhanh chóng.
Đến những năm 1960, ông đầu tư vào ngành bất động sản, đồng sáng lập Sun Hung Kai cùng tỷ phú Lee Shau Kee và gặt hái được thành công vang dội khi biến tập đoàn này thành một trong những đế chế bất động sản hàng đầu Hong Kong.
Ngoài lĩnh vực bất động sản, Sun Hung Kai còn kinh doanh truyền thông, vận tải ở Hong Kong, Trung Quốc và Singapore.
Sun Hung Kai là một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu ở Hong Kong.
Năm 1990, ông Kwok qua đời vì bệnh tim ở tuổi 79 và vị trí lãnh đạo đã thuộc về Walter, con trai cả trong số 3 người con của ông. Từ năm 2008 đến năm 2011, bà Kwong đảm nhiệm vai trò chủ tịch của Sun Hung Kai. Hiện bà vẫn là cổ đông lớn nhất của tập đoàn với 26,58% cổ phần.
Nhà Kwok được xếp hạng thứ 3 trong các gia tộc giàu nhất châu Á năm 2017 của Forbes với khối tài sản trị giá 40,4 tỷ USD.
Theo danh sách Forbes công bố cách đây không lâu, với khối tài sản trị giá 15,3 tỷ USD, bà Kwong đang giữ vị trí thứ 5 trong số những người giàu nhất Hong Kong. Bà cũng là nữ tỷ phú duy nhất trong top 5, những cái tên còn lại là tỷ phú Li Ka Shing, Lee Shau Kee, Lee Man Tat và Joseph Lau.
Tuy nhiên, vì là một người khá kín tiếng nên thông tin về bà không có nhiều ngoài một số hoạt động từ thiện và cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các con trai của bà.
Ba anh em nhà Kwok.
Bà Kwong tham gia rất tích cực vào các hoạt động từ thiện. Bà là Giám đốc của T.S Kwok Foundation, một quỹ từ thiện phi lợi nhuận chủ yếu hỗ trợ giáo dục, phát triển cộng đồng và duy trì các di sản văn hóa ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục.
Theo một số nguồn tin, bà đã trao hơn 11 triệu USD cho một số đơn vị như trường Đại học Mở Hong Kong và Liên đoàn Phụ nữ Hong Kong.
Ngoài ra, bà đã tài trợ hơn 57 triệu USD cho các trường đại học ở khắp nơi trên thế giới bao gồm Đại học Thanh Hoa, Đại học Tứ Xuyên và Đại học Cambridge.
Theo tờ South China Morning Post, trước khi được bổ nhiệm làm chủ tịch năm 2008, bà Kwong chưa từng tham gia vào hội đồng quản trị công ty.
Ngày 27/5/2008, bà thay thế con trai cả Walter đảm nhiệm vai trò tại Sun Hung Kai sau khi Walter bị hất ra khỏi ban quản trị sau 18 năm lèo lái tập đoàn bởi chính 2 người em ruột của mình.
Cuộc chiến giành quyền lực của nhà Kwok
Trước đó, khi đang nắm quyền điều hành Sun Hung Kai, chủ tịch Walter đã tuyên bố nghỉ phép và trong khi ông vắng mặt, 2 em trai sẽ tiếp quản công việc. Sau chuyến đi, ông sẽ quay lại tiếp tục đảm nhiệm vai trò này.
Thế nhưng mọi chuyện lại diễn ra ngoài dự đoán của Walter. Trong thời gian ông đi nghỉ, 2 người em Thomas và Raymond đã tố cáo Walter bị trầm cảm để thuyết phục hội đồng quản trị bãi miễn chức chủ tịch của ông. Lý do được cho là vì Walter bị ảnh hưởng sau vụ bắt cóc bởi một băng đảng xã hội đen khét tiếng.
Bà Kwong Siu-hing chính là người đã trực tiếp đi gặp tướng cướp Trương Tử Cường để thương lượng và trả 77 triệu USD tiền chuộc con trai, một trong những khoản tiền chuộc lớn nhất lịch sử Hong Kong.
Nhiều người thắc mắc tại sao bà Kwong rất thương Walter nhưng lại "chiếm" ghế chủ tịch của ông? Theo nguồn tin từ tờ The Standard, bà từng nói rằng mình "không còn lựa chọn nào khác là phải hất cẳng con trai lớn để bảo vệ lợi ích chung của gia tộc".
Nguyên nhân sâu xa nằm ở mối quan hệ giữa Walter và người tình lâu năm, nữ luật sư Ida Tong Kam-hing. Đáng nói hơn là ông Walter vẫn qua lại với bà Ida khi chưa chấm dứt mối quan hệ với người vợ hợp pháp của mình.
Bà Ida là người mạnh mẽ, tham vọng và có kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề. Dù chưa từng là nhân viên của Sun Hung Kai nhưng bà thường xuyên cố vấn việc kinh doanh cho Walter và thậm chí còn được tham gia một số cuộc họp nội bộ.
Ảnh hưởng của bà tới quyết định của ông Walter cũng như hoạt động của tập đoàn ngày càng lớn và điều đó khiến người nhà Kwok cảm thấy lo ngại. Sự can thiệp của người ngoài vào việc làm ăn của gia đình đã khiến họ không thể ngồi yên.
Đỉnh điểm của xung đột là ông Walter đã quyết định đưa bà Ida vào thành viên hội đồng quản trị bất chấp sự phản đối kịch liệt của mẹ và 2 em trai. Đây chính là giọt nước tràn ly châm ngòi cho cuộc chiến giành vị trí lãnh đạo Sun Hung Kai trong gia đình tỷ phú Kwok.
Cựu chủ tịch Sun Hung Kai - Walter Kwok.
Sau khi Walter bị hạ bệ, bà Kwong Siu-hing trở thành chủ tịch trong khi Thomas và Raymond nắm giữ chức vụ CEO của tập đoàn. Còn Walter, tuy vẫn được giữ trong hội đồng quản trị nhưng ông không có quyền bỏ phiếu.
Khi cuộc chiến tranh giành quyền lãnh đạo của 3 anh em nhà Kwok đang diễn ra căng thẳng thì năm 2014, Thomas và Raymond lại bị cáo buộc hối lộ và tham nhũng – vụ bê bối nổi tiếng nhất trong lịch sử Hong Kong.
Kết quả là Thomas bị kết án 5 năm tù còn Raymond tiếp quản vị trí chủ tịch tập đoàn Sun Hung Kai. Về phần Walter, cuối tháng 8 năm ngoái, ông phải nhập viện sau khi bị đột quỵ ở nhà và qua đời sau đó 2 tháng.
Có thể nói, sau sự ra đi của Walter và việc Thomas bị bắt giữ, sóng gió gia tộc Kwok đã phần nào lắng xuống và bà Kwong Siu-hing vẫn giữ vững vị trí của mình trong danh sách những người giàu nhất Hong Kong.