Bi kịch của những "đứa trẻ rừng xanh" được thú hoang nuôi dưỡng

Những tưởng "cậu bé rừng xanh" chỉ là tên của một bộ phim, và những đứa trẻ như thế chỉ có trong truyền thuyết, nhưng thật ra, những câu chuyện lạ kỳ như thế là có thật…

Kamala và Amala: Những cô bé sói

Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất là hai chị em Kamala và Amala. Hai cô bé được phát hiện đang được một con sói cái nuôi dưỡng trong một khu rừng ở Ấn Độ vào những năm 1920, khi đó Kamala 8 tuổi, và Amala 3 tuổi.

Được biết, khi cố gắng đưa hai cô bé về với xã hội loài người, con sói mẹ từng nuôi nấng Kamala và Amala đã chiến đấu rất dữ dội để giữ những đứa trẻ, giống như khi con người cố bắt con của nó vậy. Nó hung dữ lao vào đoàn người, vì vậy người ta đã bắn chết nó.

Bi kịch của những đứa trẻ rừng xanh được thú hoang nuôi dưỡng - Ảnh 1.

Kamala và Amala đang che chở cho nhau.

Khi con sói mẹ chết, các con sói khác trong đàn đã trở về ngôi làng và hú to. Mãi đến sau này, những đứa trẻ cũng không thể ngồi yên mỗi lần nghe thấy tiếng kêu của bầy sói.

Những đứa trẻ hoang dã được đưa tới trại trẻ mồ côi của Mục sư J. A. L. Singh - chính là người đầu tiên đã phát hiện ra sự việc và sau này cũng đã cố gắng giúp 2 cô bé sói thích nghi với đời sống con người.

Tuy vậy, hai cô bé đã không bao giờ có thể sống như những con người bình thường được nữa. Kamala và Amala chỉ biết uống sữa và ăn thịt sống, các bé thường sinh hoạt về đêm và hú như loài sói.

Sau khoảng một năm tại trại trẻ mồ côi, Amala qua đời. Khi em gái chết, Kamala mới biểu thị những dấu hiệu cảm xúc đầu tiên giống một con người.

Kamala sống thêm 8 năm nữa, trong khoảng thời gian đó cô đã học được vài từ và cách đi thẳng. Tuy nhiên, cô vẫn thường bò bằng 4 chi mỗi khi cảm thấy lo lắng.

Trong một cuộc phỏng vấn Đức cha sau này, ông nói rằng có lẽ mọi việc sẽ tốt hơn nếu ông cứ để những đứa trẻ lại trong hoang dã, nơi mà ông đã tìm thấy chúng.

Marina Chapman: Con gái của bầy khỉ

Bi kịch của những đứa trẻ rừng xanh được thú hoang nuôi dưỡng - Ảnh 2.

Marina Chapman đã bị bắt cóc và bỏ rơi ở trong rừng từ năm 5 tuổi.

Sinh ra trong một ngôi làng ở vùng xa xôi của Nam Mỹ, Marina Chapman đã bị bắt cóc vào năm 1954 khi cô bé mới được 5 tuổi. Sau đó em lại bị bỏ rơi ở trong rừng. Suốt 5 năm, cô bé sống với một gia đình khỉ, trước khi được một nhóm thợ săn phát hiện ra.

Cô bé sống nhờ ăn hoa quả, chuối và rễ cây do lũ khỉ thả rơi, ngủ trong những cái lỗ trên cây và cũng biết chuyền cành bằng cả 4 chi như gia đình khỉ đã nuôi dưỡng cô.

May mắn là sau đó, Marina đã tái hòa nhập với xã hội loài người và hiện đang sống ở Yorkshire, Anh cùng với chồng và hai con gái.

Bi kịch của những đứa trẻ rừng xanh được thú hoang nuôi dưỡng - Ảnh 3.

Giờ đây cô đang sống ở Yorkshire cùng chồng và 2 người con.

Shamdeo: Cậu bé được bầy sói nuôi dưỡng

Cậu bé Shamdeo được phát hiện trong một khu rừng ở Ấn Độ vào năm 1972, khi đó em khoảng 4 tuổi. Cậu bé đã sống chung với sói, chơi với sói con, được chúng cho ăn và ru ngủ.

Bi kịch của những đứa trẻ rừng xanh được thú hoang nuôi dưỡng - Ảnh 4.

Shamdeo với hàm răng được mài sắc để xé thức ăn.

Khi được tìm thấy, Shamdeo có nước da sẫm đen và răng của em đã được mài sắc nhọn, móng tay cong dài và tóc rối bù, cùng nhiều vết chai ở lòng bàn tay, khuỷu tay và đầu gối. Cậu bé rất thành thạo trong việc săn gà và rất thích máu.

Mặc dù với nhiều nỗ lực, nhưng người ta không thể giúp cậu bé nói chuyện được, cậu chỉ có thể giao tiếp bằng một vài ngôn ngữ ký hiệu. Shamdeo qua đời vào tháng 2 năm 1985.

Sujit Kumar: Cậu bé lớn lên trong chuồng gà

Bi kịch của những đứa trẻ rừng xanh được thú hoang nuôi dưỡng - Ảnh 5.

Sujit Kumar với cách hành xử hệt như một con gà.

Lần đầu tiên được phát hiện, cậu bé Sujit 8 tuổi đang kêu cục cục, vỗ cánh và cúi đầu nhặt thức ăn như một con gà ở giữa đường tại Fiji năm 1978. Cậu bé nằm thu mình trên một cái ghế giống như gà đậu để ngủ và luôn dùng lưỡi tạo ra các âm thanh lách tách.

Cha mẹ của Sujit đã nhốt con vào chuồng gà trong suốt thời thơ ấu. Chẳng bao lâu thì bố của cậu bé bị sát hại và mẹ của em cũng tự tử theo.

Người ta cứu Sujit ra khỏi chuồng gà và gửi cho ông cậu bé nuôi dưỡng, nhưng tại đây cậu bé lại tiếp tục bị trói chặt vào giường trong 20 năm tiếp theo.

Kumar được Elizabeth Clayton giải cứu khỏi nhà của người ông, và được nuôi dưỡng trong một trung tâm nhân đạo.

Oxana Malaya: Cô bé "cẩu nữ"

Bi kịch của những đứa trẻ rừng xanh được thú hoang nuôi dưỡng - Ảnh 6.

Oxana được cứu thoát khỏi một chuồng chó vào năm 8 tuổi.

Oxana Malaya được cứu thoát khỏi một chuồng chó ở Ukraine vào năm 1991. Khi đó cô bé mới được 8 tuổi và đã sống với những con chó trong suốt 6 năm.

Được biết, cha mẹ của Oxana bị nghiện rượu và một lần đã bỏ quên con ở ngoài đường. Đứa trẻ 2 tuổi đã bò vào chuồng chó trong một trang trại để tìm chút hơi ấm áp và được bầy chó cưu mang.

Cho đến khi được tìm thấy, cô bé đã quen với việc chạy bằng bốn chân, thở hổn hển với lưỡi thè ra, gầm gừ và sủa như loài chó. Oxana lúc đó chỉ có thể hiểu được 2 từ "có" và "không".

Oxana hiện đang sống tại một bệnh viện ở Odessa, phía nam Ukraina, làm công việc chăm sóc động vật cho trang trại của bệnh viện.

John Ssebunya: Cậu bé được bầy khỉ nuôi dưỡng

Bi kịch của những đứa trẻ rừng xanh được thú hoang nuôi dưỡng - Ảnh 7.

John Ssebunya hiện đang sống ở nước Anh cùng với bố mẹ nuôi.

Vào năm 1988 tại Uganda, sau khi chứng kiến ​​cha giết chết mẹ của mình, John Ssebunya đã bỏ nhà đi trong nỗi kinh hoàng. Cậu bé 3 tuổi chạy trốn vào rừng sâu và đã được một bầy khỉ nuôi dưỡng.

Đến năm 1991, một người dân địa phương đi tìm gỗ đã phát hiện cậu bé John sống giữa một bầy khỉ. Người ta đưa cậu về một trại trẻ mồ côi và sau đó John được một cặp vợ chồng người Anh nhận nuôi.

Tiến sĩ Deirdre Barrett - người chuyên nghiên cứu về những trường hợp trẻ em được động vật nuôi dưỡng cho biết "bầy khỉ đã ném đá và gậy vào những người dân làng khi họ cố gắng mang John Ssebunya đi".

Bà viết: "Khi những đứa trẻ loài người được tìm thấy sống cùng với các loài động vật, "bố mẹ nuôi" của chúng đều luôn luôn sẵn sàng chiến đấu dũng cảm để bảo vệ trẻ và ngăn chặn người khác mang chúng đi."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại