1. Với 6 tiền sự, 6 tiền án về hành vi trộm cắp tài sản, Đa "đồng cô" là một trong những đối tượng có mặt trong bản ảnh cảnh báo, nhận diện đối tượng chuyên móc túi tại các khu vực công cộng, cửa hàng, nhà ga, bến tàu, bến xe.
Lần gây án và bị bắt gần nhất của Đa "đồng cô" là tại sân bay Nội Bài.
Theo trích lục của bản án hình sự sơ thẩm - Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn, sáng ngày 15-6-2014, Nguyễn Văn Đa cùng một "nữ quái" cũng chuyên nghề trộm cắp là Lã Thị Hạnh (54 tuổi, có 7 tiền sự, 6 tiền án về tội trộm cắp tài sản) đi từ Hà Nội đến sân bay Nội Bài để trộm cắp tài sản.
Khoảng 9h30’ khi lên đến sân bay, Đa và Hạnh lên sảnh B tầng 2 nhà ga T1, phát hiện chị Đinh Thị Trang (ở Hải Phòng) đẩy xe hành lý đến trước quầy số 45 làm thủ tục xuất cảnh sang Hồng Kông, có để trên xe 1 chiếc ví.
Lợi dụng lúc chị Trang mải làm thủ tục gửi hành lý, Đa đến gần dùng tay phải khoác chiếc áo chống nắng để che, tay trái thò xuống dưới áo chống nắng lấy trộm ví của chị Trang.
Sau khi lấy được ví, Đa và Hạnh xuống tầng 1 mở ví ra xem, thấy trong ví có 1.870 đô la Hồng Kông, 2 CMND, 3 thẻ ATM và 1 đồng xu.
Đa móc hết tiền đưa cho Hạnh bắt xe về trước, còn ví và giấy tờ, Đa ném vào trong thùng rác nhà vệ sinh rồi thuê taxi về Hà Nội.
Sau khi phát hiện mất ví, chị Trang đã báo cơ quan an ninh hàng không sân bay Nội Bài.
Qua kiểm tra camera an ninh, phát hiện Đa là đối tượng trộm cắp tài sản của chị Trang đang đi taxi về Hà Nội, cơ quan an ninh hàng không đã yêu cầu lái xe đưa Đa quay trở lại, bắt giữ, thu hồi giấy tờ cho chị Trang.
Sau đó Hạnh đã nhờ người mang số tiền trộm cắp giao nộp cho cơ quan công an.
Tại thời điểm gây án, Đa đã được xóa 5 án tích, còn Hạnh có 1 tiền án chưa được xóa án tích nên Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn đã xét xử tuyên phạt Nguyễn Văn Đa 15 tháng tù giam, Lã Thị Hạnh 30 tháng tù giam.
Sở dĩ Đa có thể tiếp cận những bị hại là phụ nữ để hành nghề "hai ngón" là bởi kẻ móc túi này để tóc dài, mặc quần áo của chị em nên không mấy ai nghi ngờ, cảnh giác.
Nhưng đối với lực lượng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội thì sự xuất hiện của Đa "đồng cô" tại những địa điểm đông người là một nghi vấn lớn.
Chính vì vậy, khoảng 19h40’ ngày 25-11, khi phát hiện Nguyễn Văn Đa đi vào một cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc, tổ công tác 142 làm nhiệm vụ chống trộm cắp tại khu vực phố Chùa Bộc đã tổ chức theo dõi.
Trong vai khách hàng, Đa "đồng cô" vờ đi lại xem hàng để tìm "con mồi".
Ít phút sau, phát hiện chị Nguyễn Thị Hà để điện thoại Iphone5 trong túi áo khoác đang mải mê mua hàng, Đa áp sát, móc trộm điện thoại rồi chuyển ngay sang túi áo khoác Đa đang mặc.
Tổ công tác 142 đã tiến hành kiểm tra đối với Đa và đưa về trụ sở Công an phường Trung Liệt.
Trước tang vật là chiếc điện thoại Iphone5 của chị Hà đang nằm trong túi áo của mình, Nguyễn Văn Đa buộc phải thừa nhận hành vi trộm cắp trên. Chiếc điện thoại được định giá là 2,5 triệu đồng.
Ngày 26-11, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Đa để điều tra, xử lý về hành vi trộm cắp tài sản.
2. Mặc dù đã biết trước Nguyễn Văn Đa là "pê đê", song khi Đa bước ra từ nhà tạm giữ Công an quận Đống Đa, tôi vẫn không khỏi giật mình bởi kẻ móc túi chuyên nghiệp này rất giống phụ nữ.
Giọng nói nhỏ nhẹ, bàn chân, bàn tay nhỏ nhắn, trắng trẻo, dáng đi đỏng đảnh, nhất là khuôn mặt được "chỉnh trang" xăm mày, xăm mắt khá kỹ.
Do Đa có giới tính "đặc biệt" như vậy nên Công an quận Đống Đa phải sắp xếp, bố trí cho Đa một buồng giam giữ riêng và yêu cầu Đa cắt tóc ngắn cho đúng với giới tính nam của mình.
Nguyễn Văn Đa tỏ ra không mấy hào hứng khi thấy tôi là nữ. Thế nhưng khi được gọi là "chị", thái độ của Đa thay đổi, vui vẻ hẳn.
Ước mơ được sống thật với chính con người của mình và được mọi người xung quanh công nhận, âu cũng là mong muốn chính đáng của những người thuộc "giới tính thứ 3". Cuộc nói chuyện vì thế cũng cởi mở hơn.
Đa "đồng cô" tự nhận rằng 95% con người của anh ta là phụ nữ, còn lại 5% là một số bộ phận của đàn ông trên cơ thể.
Đa bắt đầu nhận ra sự bất thường của mình từ năm 6-7 tuổi. Theo Đa kể thì anh ta lúc đó chỉ thích gần gũi đàn ông. Càng lớn thì cái con người đàn bà trong anh ta càng bộc lộ, hối thúc.
Cũng giống như những người đang sống thân phận "thân sâu hồn bướm" khác, mong muốn lớn nhất của Đa là được phẫu thuật chuyển giới để được là chính mình.
Đã có thời gian, anh ta vào TP Hồ Chí Minh bơm ngực. Thế nhưng để chuyển giới thì cần rất nhiều tiền. Mà bản thân Đa không nghề nghiệp, sống nuôi thân còn trầy trật nên ước mơ vẫn chỉ là ước mơ.
Nhắc đến gia đình, Nguyễn Văn Đa rơm rớm nước mắt. Nhà nghèo nên trong 3 anh chị em, chỉ một mình Đa được học hết lớp 4 rồi bươn chải cùng các anh chị kiếm sống.
Lang thang tại chợ Long Biên cùng những kẻ đồng cảnh "pê đê", Đa học được nghề móc túi. Con đường trở thành trộm cắp chuyên nghiệp cũng từ đó.
Tiền sự đầu tiên của Đa bắt đầu từ năm 1979 và cứ thế, bảng trích lục tiền án, tiền sự kéo dài theo thời gian. Ăn trộm quen tay và trở thành "bệnh".
Đa kể, mỗi lần đi trại về, anh ta cũng sợ lắm, tự hứa với bản thân sẽ "chừa". Nhưng nghề nghiệp không có, việc kiếm sống chỉ dựa vào đánh lô đề nên khi hết tiền, "bệnh cũ” tái phát.
"Những lần đi tù thì ai thăm nom?". Nghe tôi hỏi, Đa sụt sịt rồi đưa tay lên quệt nước mắt. "Nhà có chị gái thì hiền lành, chậm chạp nên mỗi lần em bị bắt, chỉ trông mong vào chị dâu thôi. Chị dâu hiểu nên thương em lắm.
Chị cũng khuyên nhiều rồi. Chị bảo thôi cô đừng đi nữa, ở nhà có rau ăn rau, chứ cô cứ đi liên tục thế này không ai thăm nuôi được.
Từ hôm bị bắt đến giờ, em cũng mong lắm nhưng em cũng biết mình làm phiền mọi người, làm phiền chị dâu nhiều rồi nên lần này, em chả dám đòi hỏi gì.
Em làm thì em phải chịu thôi. Chị dâu thương được đến đâu thì thương, vì lần nào đi trại cũng chỉ trông mong vào chị".
3. Con ngõ nhỏ trên phố Bạch Mai sâu hun hút. Nhà của Đa "đồng cô" ở cuối ngõ. Nghe tôi hỏi thăm, những người hàng xóm bảo, tính Đa đồng bóng từ bé nên ai cũng ngại va chạm.
Nhưng ở trong khu phố, Đa cũng không trộm cắp của ai bao giờ. "Nó đi tù, chỉ khổ chị dâu nó thôi. Chẳng ai chịu được nó ngoài chị dâu.
Nó phải biết ơn mới phải, đằng này cứ gây chuyện thế này thì sống sao nổi" - một người hàng xóm chép miệng.
Chị M., người chị dâu mà Nguyễn Văn Đa tâm sự với thái độ đầy sự biết ơn là một người đàn bà nhỏ bé, dáng đi tất tả, lam lũ.
Sau bao nhiêu năm chắt chiu, người đàn bà này cũng làm được một việc kỳ tích là xây được ngôi nhà 2 tầng trên nền ngôi nhà rách nát cũ. Nhờ đó, người em chồng có giới tính khác biệt có một ở chỗ riêng tư.
Chị M. bảo, khi chị về làm dâu, mẹ chồng chị đã mất. Không phải làm dâu bố mẹ chồng nhưng cuối cùng chị lại phải "làm dâu" em chồng.
Phụ nữ không ưa nhau, sống với nhau đã khó. Đằng này Đa không ra đàn ông cũng chẳng ra đàn bà, tính tình thì đồng cô thất thường như vậy, lúc nào chị M. cũng phải nhịn như nhịn cơm sống.
Nhiều lúc ức đến chảy nước mắt, song chị lại nuốt vào trong, vì nghĩ hoàn cảnh của Đa cũng tội nghiệp. "Thôi thì mình nhịn cho xong chứ hai bên đều căng thì không thể sống được với nhau".
Chị M. kể, trong 3 anh chị em, so với chị gái và anh trai có tính cách hiền lành, thậm chí nhút nhát thì Đa là người sắc sảo, nhanh nhẹn, khôn ngoan nhất nhưng ông giời lại bắt phải sống kiếp "đồng cô".
Chị M. bảo: "Hồi tôi mới về làm dâu, tôi thấy cô Yến (tên ở nhà của Đa) kêu hận mẹ nhiều lắm. Hận vì mẹ đã sinh ra cô ấy chẳng ra đàn ông cũng không ra đàn bà, để cô ấy phải sống thân phận của một người đàn bà trong hình hài một thằng đàn ông.
Tôi khuyên giải Đa nhiều lắm, bảo cô không được hận mẹ. Mẹ nào chả muốn sinh ra đứa con lành lặn. Cái số ông giời bắt phải như thế thì biết làm sao. Từ đó, Đa mới thôi hận mẹ".
Chị M. bảo nghe mọi người kể lại, khi mẹ ốm, các anh chị đi làm, một mình Đa ở trong bệnh viện chăm sóc mẹ. Nhà nghèo, không có tiền trả viện phí, chăm mẹ hôm trước thì hôm sau Đa mò mẫm ra ngoài trộm cắp móc túi, bị bắt giam.
Sau đó ít hôm bà mẹ mất. Đa không được nhìn mẹ lần cuối. Lần bố mất cũng vậy. Lúc đó Đa đang đi trả án.
Mặc dù giận em chồng lắm nhưng rồi chị lại thương. Dẫu sao trong gia đình, Đa cũng là người sống tình cảm, dù rằng nhiều lúc cái tính đàn bà nanh nọc trỗi dậy, Đa trút hết lên đầu người chị dâu tần tảo.
"Tôi chả chấp, cái tính đồng cô nó vậy. Không vừa ý là cô ấy nhảy chồm chồm lên, xỉa xói. Nếu mình cũng căng lên thì tan cửa nát nhà."
Làm dâu nhà nghèo, người chồng làm công nhân lương ba cọc ba đồng, lại gánh thêm người em chồng không nghề nghiệp nên gánh nặng dồn lên vai người đàn bà nhỏ bé này.
Chỉ vào góc nhà là chỗ kê tủ bây giờ, chị M. kể trước đây, chỗ đó là của Đa, còn bên này là giường ngủ của hai vợ chồng chị. Rồi 2 đứa con lần lượt ra đời.
Hoàn cảnh gia đình chật chội, khó khăn đủ đường như vậy nên Đa cũng hay đi lang thang, đàn đúm với những kẻ đồng cô giống mình.
Mỗi lần đi như vậy, lại vi phạm pháp luật, lại bị bắt rồi vào tù. Nhà đã khó, lại phải thăm nuôi em chồng hết trại này đến trại khác.
Mỗi lần Đa về nhà, chị M cũng động viên, khuyên giải nhiều lắm. Nhất là bây giờ Đa cũng đã có tuổi, sức yếu, bệnh tật đầy người.
"Hôm trước nghe tin Đa bị bắt, tôi sốc lắm. Bình thường Đa ở nhà, giúp tôi dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho các cháu để tôi yên tâm đi chợ thì coi như đỡ được một miệng ăn. Chứ Đa đi tù, tôi lại thêm gánh nặng. 2 cháu thì đang đi học.
Buôn bán thì ngày càng khó khăn, đủ ăn cho gia đình đã là may rồi. Bây giờ cô ấy lại thế này, tôi cũng không biết sẽ ra sao nữa"" - Chị M. thở dài đầy lo lắng.
Chị M. buồn rầu tiễn tôi ra đầu ngõ. Gió lùa vào cái ngõ sâu hun hút như lạnh thêm.