Tại phòng xét xử của TAND tỉnh Thái Bình, chiều 11/5 TAND Cấp cao đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vụ án "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản" với hai bị cáo Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết, chủ Công ty TNHH Lâm Quyết.
Bị hại muốn lấy lại được tiền, không muốn bị cáo phải đi tù
Trao đổi với PV trong lúc chờ nghị án, ông Đỗ Văn Tới (bị hại) chia sẻ, việc gia đình ông cho vợ chồng Lẫm, Quyết vay là do có quan hệ bạn bè với nhau nhưng ông không ngờ sau khi vay lại xảy ra cơ sự thế này.
Trước đây, ông Tới cũng làm nghề buôn gỗ, do người ta thu lại mặt bằng, dẫn đến công việc kinh doanh tạm dừng. Đúng thời điểm này thì vợ chồng Lẫm, Quyết tìm đến, đặt vấn đề vay mượn.
Sau khi vay tiền xong, ông Tới thấy gia đình Lẫm, Quyết trả lãi cho đều đặn. "Quá trình trả lãi họ có 3 lần trả thừa tiền tôi đều đem trả lại, tôi nghĩ mình làm tốt như thế không bao giờ họ đểu với mình", ông Tới nói.
Sau khi xảy ra sự việc với Công ty Lâm Quyết, ông Tới có đề nghị vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết giao cho ông cái xe ô tô, số tiền còn nợ lại sẽ cùng bảo nhau xử lý sau nhưng cuối cùng Lẫm, Quyết cố tình không bàn giao.
Nói về số tiền cho vay mượn, ông Tới bảo có một phần ông đi vay ngân hàng để kinh doanh, chưa kịp triển khai thấy vợ chồng Lẫm, Quyết đến đặt vấn đề hỏi mượn thì ông cho.
Hai vợ chồng bị cáo Lẫm, Quyết. Ảnh: Hoàng An.
"Bây giờ gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, hơn hai năm nay phải trả lãi ngân hàng số tiền đã đem cho ông Lẫm, bà Quyết mượn. Tôi đã bán nhà, phải đi ở thuê. Tôi biết còn nhiều nhà cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn như tôi, thậm chí còn hơn nữa. Trong số đó có cả người thân, người nhà của Lẫm, Quyết ở tận trong miền nam cũng gặp khó vì cho vay mượn.
Tôi bây giờ chỉ mong lấy lại được số tiền chứ không mong cho người ta phải đi tù, tôi không bao giờ nghĩ như thế, mình cũng không có quyền hạn gì cho người ta đi tù cả", ông Tới ngậm ngùi.
Bị cáo bất ngờ đổ gục, nằm ngửa trên ghế phòng xử
Trong khi đó, tại phiên phúc thẩm sau nhiều giờ xét hỏi, bị cáo Nguyễn Văn Lẫm bất ngờ gục xuống, nằm ngửa trên ghế phòng xử, người thân phải đến bên cạnh xoa bóp chân tay, vuốt ngực. Còn bà Phạm Thị Quyết khóc rưng rức, lo cho sức khỏe của chồng.
Cuối phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định về việc xác định tội danh và khoản tiền bị chiếm đoạt, bị cáo Lẫm và Quyết thừa nhận có nhiều khoản vay với nhiều người, trong đó có khoản vay của vợ chồng ông Đỗ Văn Tới.
Bị cáo Phạm Văn Lẫm đổ gục, nằm trên ghế phòng xử án. Ảnh: Hoàng An.
Cụ thể ngày 23/1/2013, vợ chồng ông Tới cho vợ chồng Lẫm Quyết vay 400 triệu, thời hạn vay 6 tháng, lãi suất 2%/tháng, theo hợp đồng, thế chấp chiếc xe ô tô Camry.
Ngày 20/1/2016 tiếp tục vay 500 triệu, vay 6 tháng lãi suất 2% theo hợp đồng và cũng thế chấp xe camry BSK 17K-9966 nêu trên. Khi đến hạn thanh toán, do có nhu cầu tiếp tục vay nên vợ chồng Lẫm Quyết đề nghị gia hạn và được vợ chồng ông Tới đồng ý, việc gia hạn này hai bên chỉ thỏa thuận miệng, không lập thành văn bản.
Đối với khoản vay theo hợp đồng ngày 23/01/2013 vợ chồng Lẫm Quyết trả lãi cho ông Tới đến hết tháng 8/2017. Còn với khoản vay theo hợp đồng ngày 20/01/2016, vợ chồng Lẫm Quyết đã trả lãi ông Tới đến hết tháng 9/2017.
Theo lời khai của Nguyễn Văn Lẫm thì bị cáo này đã trả toàn bộ cho ông Tới tại Văn phòng Công ty TNHH Lâm Quyết, tuy nhiên giấy biên nhận tiền của ông Tới được Lẫm để tại Văn phòng công ty đã bị Đường "Nhuệ" cùng các đối tượng khác chiếm giữ công ty nên đã chiếm đoạt, hoặc làm thất lạc hết tất cả giấy tờ, tài liệu trong đó có tài liệu này.
Với những nội dung nêu trên, HĐXX thấy rằng, để làm rõ hành vi và chứng minh những tình tiết liên quan đến lời khai của các bị cáo, cần phải điều tra làm rõ xem có sự mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo Lẫm và Quyết về việc trả tiền cho ông Tới; có việc ông Lẫm, bà Quyết bỏ trốn hay không?; cần xác định tài sản bị chiếm đoạt?