Chưa tập hợp được cả họ tộc thì chưa được đem chôn
Có lẽ hiếm ở nơi nào trên thế giới mà các thủ tục tang lễ lại phức tạp và kỳ quặc như ở Ghana, một quốc gia nằm ở Tây Phi.
Tại đây, sau khi người chết nằm xuống, họ sẽ được cho vào nhà xác để bảo quản lạnh, đợi thân quyến hoàn thành các thủ tục mất tới nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm rồi mới được đem chôn.
Sở dĩ có sự chậm trễ như vậy là do quan niệm của người Ghana, rằng khi sống, mỗi con người chỉ thuộc về gia đình nhỏ gồm bố mẹ, con cái cùng chồng hoặc vợ của họ.
Ở Ghana, chưa tập hợp được đủ cả dòng họ thì chưa được phép đem chôn người chết.
Nhưng khi chết đi, thi thể của họ thuộc về cả dòng tộc, vì thế một khi chưa tập hợp đủ tất cả những người trong dòng tộc này thì đám tang chưa thể diễn ra.
Quy định này được coi là rất kỳ cục, vì nhiều khi người đã khuất và những người họ hàng xa xôi kia có khi đã không gặp nhau đến hàng thập kỷ.
Thậm chí họ cũng có thể sống ở các quốc gia khác và đợi họ thu xếp công việc xong xuôi, về nước để dự đám tang chắc chắn không thể là việc trong ngày một ngày hai.
Thế nhưng những người họ hàng xa này cũng được quyền đóng góp vào việc quyết định khi nào thì người đã khuất được chôn, chôn ở đâu và như thế nào.
Và tất nhiên một khi phải thông qua ý kiến của tất cả mọi người thì việc chôn cất chậm trễ là điều dễ hiểu.
Hàng tỷ lý do: từ chưa quyết định được người để tang chính cho đến việc thiết kế quan tài quá cầu kỳ
Phóng viên kiêm chính trị gia Ghana Elizabeth Ohene đã từng phản ánh về việc giữ các thi thể trong nhà xác hàng tháng, thậm chí hàng năm trời, hy vọng nâng cao nhận thức về vấn đề này, nhưng có vẻ như nỗ lực của bà chưa thành công.
Mới đây, báo chí nước này vừa đưa tin trường hợp của một người đã chết được 6 năm nhưng thi thể vẫn đang được giữ đông trong nhà xác vì dòng họ của ông chưa quyết định được ai là "người để tang chính".
Một chiếc quan tài được thiết kế cầu kỳ tại Ghana.
Tuy nhiên, vụ việc này không gây được chú ý tại Ghana vì những trường hợp như vậy quá phổ biến.
Đôi khi, lý do người chết đã lâu mà mãi chưa được hạ huyệt là vì do việc thiết kế quan tài quá cầu kỳ hoặc do chưa thông qua được nơi sẽ hạ huyệt, hay nhà cửa của người đã khuất cũng phải được trang hoàng, thậm chí xây lại từ đầu để có một lễ đưa ma hoành tráng.
Chưa hết, việc lên danh sách những người tham dự đám tang cho đúng thứ tự hay viết lời cáo phó cũng là một thủ tục hết sức rườm rà, đòi hỏi nhiều thời gian.
Ngoài ra, nếu gia đình muốn mời những người quan trọng nào đó tới dự đám tang thì họ cũng phải thương lượng ngày giờ để tìm ra thời gian thích hợp, khi tất cả mọi người đều rảnh rỗi.
Cũng theo bà Ohene, thực tế nói trên còn tồn tại vì một lý do khác, đó là sự kỳ thị của xã hội với những đám tang được thực hiện nhanh gọn vì cho rằng đó là sự bất kính với người đã khuất.
Chính đám tang người mẹ 90 tuổi của bà Ohene, với việc chôn cất sau 3 tuần sau khi mất, cũng bị dân làng bàn tán và chỉ trích.
Lý do hài hước nhất: sự xuất hiện của tủ lạnh
Là người đã nghiên cứu hiện tượng ma chay mất thời gian của người Ghana, bà Elizabeth Ohene đã chỉ ra nguyên nhân chính của tình trạng này, đó là những chiếc tủ lạnh cất giữ thi thể.
Phóng viên kiêm chính trị gia Ghana Elizabeth Ohene. (Ảnh: Internet)
"Trước kia, chúng tôi thường chôn người đã chết chỉ trong từ hai đến ba ngày và chọn ra một ngày để thực hiện các thủ tục tang lễ cuối cùng. Nhưng bây giờ với việc giữ thi thể ướp lạnh trong các nhà xác nên việc chôn cất mới mất từ ba đến sáu tháng.
Nếu không có tủ lạnh thì chúng tôi không thể giữ được xác chết lâu thế, nên theo tôi sự điên rồ trong chuyện tang lễ của người Ghana chính là do những chiếc tủ lạnh" - nữ phóng viên kiêm chính trị gia cho biết.
Theo Oddity Central