Quốc đảo TBD bị gọi là "nhà tù Covid" vì chiến lược chống dịch cả thế giới đang dần quay lưng

Thi Anh |

Đất nước áp phong tỏa dù chỉ phát hiện 1 ca bệnh, người dân ủng hộ nhiệt tình.

Đường phố New Zealand vắng người qua lại sau khi áp phong tỏa. Ảnh: Adam Cooper, NZ Herald

Đường phố New Zealand vắng người qua lại sau khi áp phong tỏa. Ảnh: Adam Cooper, NZ Herald

Khi New Zealand quyết định phong tỏa toàn quốc hồi tuần trước chỉ vì xuất hiện 1 ca nhiễm Covid-19 chủng Delta, nhiều nhà phân tích đã chế giễu hướng đi "ngại rủi ro" của nước này.

Báo Anh The Times gọi New Zealand là "quốc gia ẩn dật", nơi người dân "héo hon trong một nhà tù Covid" trong khi Telegraph nói quốc đảo Thái Bình Dương là "vùng đất đáng sợ bị cô lập".

Phản ứng trước quyết định phong tỏa của New Zealand cho thấy quan điểm khác biệt về cách các nước trên thế giới đối phó với Covid-19. Đại dịch đã kéo dài hơn 18 tháng, một số nước, trong đó có Anh, cho rằng họ có thể không bao giờ loại trừ được virus và quyết định sống chung với nó.

Ngược lại, New Zealand là một trong số ít các nước tiếp tục cố gắng tẩy sạch Covid.

Phong tỏa toàn quốc: Cái giá nhỏ?

Vài giờ đồng hồ sau khi xác nhận ca cộng đồng đầu tiên nhiễm chủng Delta, Thủ tướng Jacinda Ardern đã yêu cầu phong tỏa toàn quốc với sự hậu thuẫn mang tính đồng thuận cao trong chính trường. Sau đó 10 ngày, New Zealand ghi nhận 347 ca nhiễm, trong đó 1 trường hợp phải đưa vào phòng chăm sóc tích cực.

"Thành trì New Zealand" - một trong số các nước áp dụng thắt chặt biên giới gắt gao nhất thế giới để chống Covid - đã bị phá vỡ.

Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu nỗ lực xóa sạch tình trạng lây lan trong cộng đồng - hay còn gọi là chiến lược Zero Covid - có còn hợp lý khi mà chủng Delta với mức độ truyền nhiễm cao đang hoành hành?

Tới thời điểm hiện tại, bà Ardern vẫn đặt cam kết vào chiến lược trên, ngay cả khi nước láng giềng Australia tính tới việc từ bỏ. Và dư luận New Zealand nhìn chung đứng về phía người đứng đầu đất nước, kể cả khi New Zealand có bị coi là quốc gia cô lập.

Quốc đảo TBD bị gọi là nhà tù Covid vì chiến lược chống dịch cả thế giới đang dần quay lưng - Ảnh 1.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern quyết định áp phong tỏa toàn quốc khi phát hiện 1 ca cộng đồng nhiễm chủng Delta. Ảnh: Getty

Trước khi có sự xuất hiện của chủng Delta, các quy định nhập cảnh gắt gao của New Zealand đã bảo vệ được nước này khỏi rơi vào tình trạng hỗn loạn hiện đang xảy ra ở nhiều nước khác.

Hầu như trong suốt giai đoạn đại dịch cho đến hiện tại, New Zealand vẫn hoạt động như bình thường - các giải đấu thể thao, lễ hội âm nhạc, sự kiện công cộng và ăn uống bên ngoài đều diễn ra gần như trước thời điểm dịch bệnh.

Tới nay, New Zealand mới ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm và 26 ca tử vong.

Tuy nhiên, những con số này đi kèm một cái giá. Gần 1 triệu người New Zealand phải sống ở nước ngoài. Nhiều người không được gặp gỡ người thân trong suốt hơn 1 năm qua.

Tháng 3/2020, New Zealand đóng cửa biên giới với hầu hết người nước ngoài và sau này thì yêu cầu gần như tất cả những ai quay lại phải tự bỏ tiền túi để cách ly 2 tuần tại các cơ sở tập trung. Từ đó tới nay, chỉ có hơn 167.000 người qua cách ly.

Việc đóng cửa biên giới cũng gây thiệt hại về kinh tế. Vốn là ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của New Zealand, lượng khách du lịch nước ngoài rớt xuống hơn 98% trong tháng 1 năm 2021 (so với cùng kỳ năm trước).

Dù vậy, New Zealand chẳng có vẻ gì vội vàng kết nối lại với thế giới. Thậm chí trên mạng xã hội nhiều người còn mang tư tưởng "chúng tôi - và - họ" khi chỉ trích những người New Zealand sinh sống ở nước ngoài muốn trở về nhà.

Nguyên nhân là bởi có rất nhiều người tin rằng chiến lược trên đem lại kết quả xứng đáng.

Theo kết quả khảo sát của Stickybeak, 84% người tham gia ủng hộ quyết định phong tỏa của New Zealand. Một khảo sát khác cho thấy cứ 4 người thì chỉ có 1 người muốn tái thiết lập bong bóng du lịch với Australia - phương án cho phép người ở hai nước đi lại mà không phải cách ly.

Quốc đảo TBD bị gọi là nhà tù Covid vì chiến lược chống dịch cả thế giới đang dần quay lưng - Ảnh 2.

New Zealand áp phong tỏa toàn quốc. Ảnh: Getty

Charlotte Guigou, giáo viên ở Wellington, cho rằng phong tỏa rất phiền hà và cô rất buồn khi không thể gặp gỡ gia đình mình ở Pháp. Tuy nhiên Guigo vẫn cho rằng Zero Covid là phương án đúng đắn.

"Phong tỏa thì thực sự khó khăn, nhưng trước đó, chúng tôi đã sống như bình thường, và mọi chuyện đều tốt đẹp cả, rất thoải mái", Guigo nói, "Có vẻ như vẫn đáng để đổi việc không mở cửa biên giới để lấy những gì chúng tôi có, cách sống mà chúng tôi có".

Giống như Guigo, Anna Robinson cũng phải chịu nỗi xa cách người thân tại New Zealand nhưng cô nghĩ quyết định của New Zealand khiến những người yếu và có bệnh nền không bị gạt sang lề: "Cảm giác như phong tỏa chỉ là một cái giá rất nhỏ để trả cho sự tự do và an toàn mà cộng đồng sẽ có sau đó".

Zero Covid trong tầm tay?

Để biết chủng Delta như thế nào, New Zealand không phải nhìn đâu xa.

Nước láng giềng Australia - vốn từng theo đuổi Zero Covid - hiện đang phải chống chọi với đợt bùng dịch lớn do chủng này. Trong 20 tháng qua, thành phố lớn nhất Melbourne trải qua tổng cộng gần 7 tháng phong tỏa, theo tính toán của ABC.

Tuy nhiên New Zealand khác với Australia. Trong khi New Zealand phong tỏa toàn quốc chỉ trong vòng vài giờ sau khi phát hiện ca bệnh thì New South Wales của Australia mất tới 10 ngày mới áp được phong tỏa khắp khu vực Greater Sydney - và dù vậy, các quy định có phần lỏng lẻo.

Shaun Hendy, một nhà phân tích thuộc Đại học Aucland, cho rằng phản ứng nhanh chóng của New Zealand nhiều khả năng sẽ giúp nước này quay trở lại trạng thái Zero Covid.

"Nếu có thể quyết liệt thì xóa sổ virus chắc chắn là hướng đi đúng đắn", Hendy nói, "Tôi không nghĩ chúng tôi không thể tránh khỏi một đợt bùng dịch với chủng Delta mà không kiểm soát nổi".

Nhà dịch tễ học Michael Baker, cố vấn chính phủ New Zealand về chiến lược Covid, phát biểu trên sóng phát thanh rằng: Xóa sổ virus là "chiến lược tối ưu nhất hiện tại với tất cả những chỉ số" mà họ tính toán.

"Tôi tin rằng New Zealand sẽ lại đạt được mục tiêu", ông Baker nói.

Mặc dù vậy, Trưởng ban Phản ứng với Covid-19 của New Zealand, ông Chris Hipkins phải thừa nhận rằng chủng Delta đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì lâu dài chiến lược Zero Covid.

"Điều này có nghĩa là tất cả những phòng bị hiện có của chúng tôi bắt đầu trở nên thiếu sót và không đủ mạnh", ông Hipkins nói, "Vì vậy, chúng tôi đang nghiên cứu kỹ xem mình có thể bổ sung được gì".

Hiện tại New Zealand là một trong những nước có tỷ lệ chủng ngừa Covid-19 thấp nhất trong khối OECD với chỉ hơn 20% dân số được tiêm chủng đầy đủ - vì gặp khó khăn với nguồn cung.

Khắp thế giới, các chuyên gia cho rằng Covid có thể giống như cúm trong tương lai - một căn bệnh có thể gây chết người nhưng ta sẽ phải cùng chung sống. Ông Hendy lại đưa ra 1 cách so sánh khác: Một khi New Zealand có tỷ lệ chủng ngừa cao - khoảng 70-80% chẳng hạn - Covid có thể được xử lý như bệnh sởi.

"Chúng ta không cần phải phong tỏa với bệnh sởi. Nhưng chúng ta cũng không để nó lây lan trong cộng đồng", ông Hendy nói.

Hồi đầu tháng này, Nhóm Cố vấn Y tế Cộng đồng Chiến lược Covid-19 cho rằng Zero Covid có thể vẫn sẽ kéo dài ngay cả sau khi New Zealand mở cửa biên giới.

Trên trang web của mình, Bộ Y tế New Zealand cho hay, cơ quan này sẽ sử dụng kết hợp cả biện pháp thắt chặt biên giới, tiêm chủng và các phương án chăm sóc sức khỏe cộng đồng để giúp người dân an toàn với Covid-19. Đất nước sẽ cố gắng đẩy lùi căn bệnh - dù có thể sẽ bớt phụ thuộc vào phong tỏa.

"Chiến lược Loại trừ của chúng tôi đã chứng minh được giá trị và là một mục tiêu có thể đạt được ngay cả khi hạn chế biên giới được xóa bỏ", Bộ Y tế New Zealand khẳng định.

Tóm lại, New Zealand chưa có ý định sống chung với Covid giống như nhiều nước khác. Quyết định này có thể giúp cuộc sống người dân nhìn chung được duy trì như trước đại dịch nhưng cũng đồng nghĩa với một tương lai gần như đóng chặt với thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại