Khi nào bị tạm giữ bằng lái xe?
Theo khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm b khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người có thẩm quyền xử phạt có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP theo quy định tại khoản 6, khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm:
- Bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt.
Thời hạn tạm giữ bằng lái xe
Thời hạn tạm giữ bằng lái xe được quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi 2020), thời hạn tạm giữ bằng lái xe không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.
Trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.
Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan, nhưng thời hạn tạm giữ không quá 1 tháng.
Với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan mà đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn không quá 2 tháng.
Bị tạm giữ giấy phép lái xe, người vi phạm vẫn được điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong thời hạn hẹn ghi trong biên bản xử phạt.
Bị tạm giữ bằng lái xe có được lái xe không?
Khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm b khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định:
Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm theo quy định khoản 6, khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.
Như vậy, trong khoảng thời gian bị tạm giữ bằng lái xe thì vẫn được phép lái xe. Chỉ trong trường hợp nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục lái xe thì mới bị xử phạt như hành vi không có giấy tờ.
Hiểu cụ thể là: Nếu bị tước giấy phép lái xe thì sẽ không được điều khiển xe. Nếu bị thu giữ giấy phép lái xe thì vẫn có thể lái xe trong thời hạn hẹn ghi trong biên bản xử phạt.
Mức phạt lỗi không có bằng lái xe khi tham gia giao thông
Mức phạt lỗi không có bằng lái xe khi tham gia giao thông được quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.