Bị đuổi việc 2 lần 1 năm, cô gái uất ức khóc nghẹn: "Tôi có muốn vậy đâu"

Ngọc Ái |

Dù may mắn điều trị ung thư thành công nhưng di chứng từ nó khiến Linda Loprasert (Anh) liên tục bị đuổi việc dù cố gắng cải thiện trí nhớ.

Linda Loprasert từng là một cô gái năng động và thông minh. Từ khi còn đi học cô đã nổi bật với trí nhớ cực tốt so với các bạn cùng lớp. Khi đi làm, cô thường được đồng nghiệp ví là “cô gái voi” vì ở nơi cô sống loài vật này tượng trưng cho khả năng ghi nhớ tuyệt vời. Cũng nhờ có trí nhớ tốt mà cô luôn hoàn thành tốt công việc, được mọi người xung quanh yêu mến.

Cô gái phát hiện u não ác tính ở tuổi 26 nhờ dấu hiệu suy giảm trí nhớ bất thường (Ảnh minh họa)

Theo chia sẻ từ chính Linda, cuộc đời cô suôn sẻ cho đến năm cô 26 tuổi. Đột nhiên, khả năng ghi nhớ của cô càng ngày càng giảm sút. Thậm chí cô không thể nhớ được những điều vừa xảy ra trong một vài giờ, thậm chí còn nhìn thấy ảo giác kỳ lạ. Linda đi khám và nhận tin dữ có khối u não ác tính.

Khối u của cô nằm ở não thất thứ ba, nơi kiểm soát trí nhớ và khả năng tập trung. Do vị trí nhạy cảm của khối u, các bác sĩ khuyến cáo rằng phẫu thuật không phải là lựa chọn an toàn. Đồng thời, nhờ phát hiện sớm và kích thước khối u chưa lớn, chưa lây lan nên có thể điều trị với hóa trị kết hợp xạ trị, thay đổi lối sống.

Sau 18 tháng chiến đấu kiên cường, khối u của Linda đã được thu nhỏ và cô chính thức được bác sĩ tuyên bố là thoát khỏi ung thư. Dù vậy, cuộc sống của cô sau đó vẫn không thể trở lại như cũ, trí nhớ của cô cũng vậy. Từ một người có khả năng ghi nhớ tuyệt vời, cô bị đuổi việc 14 lần tại 14 nơi khác nhau trong 8 năm đãng trí.

Tại sao điều trị u não thành công vẫn ảnh hưởng tới trí nhớ?

Theo giải thích của bác sĩ, Linda điều trị ung thư thành công nhưng cũng gặp phải những di chứng kéo dài về trí nhớ. Do u mầm ở não thất thứ ba ảnh hưởng trực tiếp đến vùng dưới đồi, khu vực chịu trách nhiệm quản lý trí nhớ ngắn hạn. Trong khi điều trị hóa trị và xạ trị giúp loại bỏ khối u, chúng đồng thời làm tổn thương các mô não, tế bào thần kinh xung quanh. Điều này dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng về khả năng ghi nhớ và tập trung của Linda.

Đáng tiếc là điều này không thể được phục hồi bằng bất cứ liệu pháp y tế nào. Linda đã cố gắng rất nhiều để cải thiện trí nhớ, lúc nào cũng sử dụng các phương tiện như ghi chú, sổ tay, nhật ký… để ghi lại mọi chuyện hàng ngày. "Tôi biết mình không thể nhớ hết mọi thứ, thậm chí có những thứ đơn giản và điều đó thật sự đáng sợ" - cô thừa nhận.

Hiện tại, Linda Loprasert vẫn gặp khó khăn vì di chứng trí nhớ ngắn hạn nhưng cô rất lạc quan

Thậm chí, Linda phải giấu giếm bệnh sử của mình và thử nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, ngay cả với những công việc văn phòng đơn giản cô cũng gặp khó khăn vì trí nhớ ngắn hạn. May mắn là cô vẫn luôn lạc quan, hiện tại cô cho biết mình đã chấp nhận di chứng về trí nhớ như một phần của bản thân và vẫn sẽ sống tốt. Đồng thời, cô nhắc nhở những người đột nhiên thấy các bất thường dù nhỏ về trí nhớ hay sức khỏe cũng nên đi khám ngay, tuyệt đối không được chủ quan.

10 dấu hiệu của u não cần chú ý:

- Đau đầu: Đau dai dẳng, nặng hơn vào buổi sáng hoặc khi vận động.

- Vấn đề thị lực: Mờ mắt, nhìn đôi, mất tầm nhìn.

- Suy giảm trí nhớ và hành vi: Quên nhanh, khó tập trung, thay đổi tính cách.

- Co giật: Có thể xảy ra dù không có tiền sử động kinh.

- Yếu hoặc tê liệt: Thường ở một bên cơ thể.

- Mất thăng bằng: Khó đi lại, giữ thăng bằng.

- Buồn nôn và nôn mửa: Kèm theo đau đầu.

- Khó nói hoặc nghe: Khó khăn trong giao tiếp.

- Mệt mỏi: Cảm giác buồn ngủ hoặc kiệt sức dai dẳng.

- Mất cảm giác: Tê hoặc thay đổi cảm giác ở tay, chân, mặt.

Nguồn và ảnh: Metro UK, Healthline

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại