Trong thư chuyển tới nước Chủ tịch luân phiên của HĐBA trong tháng 8 là Indonesia, Ngoại trưởng Pompeo thông báo về việc Iran không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân 2015, nguyên nhân khiến Mỹ quyết định khởi động “quy trình đảo ngược”.
Quy trình đảo ngược này cho phép bất kỳ nước nào trong nhóm P5+1 (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh Quốc, Mỹ và Đức) tham gia ký thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran có quyền đề xuất áp lại các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran nếu như nước này không tuân thủ các điều khoản đã nhất trí trong thỏa thuận.
Sau khi nhận được đề nghị chính thức của Mỹ, các nước thành viên còn lại trong HĐBA sẽ có 10 ngày để đưa ra quyết định có chấp thuận hay không.
Ngay sau động thái trên của Mỹ, ngoại trưởng ba cường quốc châu Âu tham gia JCPOA đã đồng loạt tuyên bố Washington không có quyền đề xuất gia hạn lệnh cấm vấn vũ khí đối với Iran sau khi đơn phương rút khỏi JCPOA vào năm 2018.
JCPOA - Kế hoạch hành động toàn diện chung là thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 với Iran được ký kết vào năm 2015.
"Pháp, Đức và Anh (nhóm E3) cho rằng Mỹ không phải là thành viên của JCPOA kể từ khi họ rút khỏi thỏa thuận vào ngày 8/5/2018", Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết trong một tuyên bố hôm thứ 20/8.
Do đó, nhóm E3 không thể ủng hộ yêu cầu của Mỹ trong việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Iran vì nó không phù hợp với những nỗ lực của châu Âu trong việc duy trì thỏa thuận JCPOA.
Trước châu Âu, Trung Quốc cũng cho rằng Mỹ không đủ tư cách để đề xuất gia hạn lệnh cấm vận đối với Iran theo thỏa thuận JCPOA