5 năm mắc bệnh động kinh và nằm liệt giường...
Bệnh nhân tên là Lương, sống tại thành phố Sán Vỹ, Quảng Đông, Trung Quốc. 5 năm trước, anh thường xuyên thấy chóng mặt, toàn thân uể oải, thỉnh thoảng còn bị ngất. Nhưng khi anh đi tới bệnh viện khám, bác sĩ lại không tìm ra bệnh.
Cũng vì sức khỏe giảm sút, anh không thể đi làm dù là công việc rất nhẹ nhàng và gần nhà.
Hai năm gần đây, tình trạng sức khỏe của Lương càng sa sút hơn, những cơn đau đầu dữ dội liên tiếp kéo đến, lúc nghiêm trọng tứ chi co giật, sùi bọt mép và bất tỉnh.
Gia đình đưa Lương tới một bệnh viện lớn ở Quảng Châu tiến hành chụp cộng hưởng từ. Phát hiện có tín hiệu lạ ở vùng phía trước não phải, bác sỹ tiến hành sinh thiết kim định vị không gian kết quả cho thấy có u não glioma.
Bác sĩ kết luận bệnh nhân Lương bị thoái hóa mô não. Và họ không có phương pháp điều trị nào cả.
Sau khi ra viện, Lương uống thuốc chữa động kinh theo đơn bác sỹ, nhưng triệu chứng co giật còn nghiêm trọng hơn, phản ứng đầu óc ngày càng chậm chạp, thị lực bắt đầu giảm sút, nửa người bên trái mất dần cảm giác, không đi lại nhiều được.
Những cơn đau đầu triền miên khiến Lương nằm liệt giường, không làm được việc gì.
... Thủ phạm là ấu trùng dài 25cm
Trong một lần gặp người quen ở làng bên, kể rằng có người cháu bị u não đã chữa khỏi ở bệnh viện Châu Giang. Gia đình đưa Lương tới đó để khám.
Phó chủ nhiệm khoa ngoại thần kinh, Giáo sư Trương Thế Trung nghiên cứu kỹ bệnh án của Lương và tiến hành chụp cộng hưởng từ não bộ.
Căn cứ kết quả chụp MRI và thói quen cũng như môi trường sống của Lương, GS Trương Thế Trung cho rằng u não glioma chỉ là biểu hiện bên ngoài. Căn nguyên gây u glioma chính là trong não có ấu trùng ký sinh, khả năng lớn là do ấu trùng sán dây sparganosis.
Để chắc chắn hơn, GS Trương tổ chức buổi thảo luận với các chuyên gia thần kinh khoa ngoại, trong đó có sự tham gia của chuyên gia hàng đầu về ký sinh trùng - GS Lý Hoa của Đại học y khoa Phương Nam.
Hình ảnh MRI cho thấy biến đổi bệnh lý đã lan tới vùng nội sọ. Đây là một ca phẫu thuật khó vì trong quá trình phẫu thuật chỉ cần một chút sơ suất sẽ khiến bệnh nhân liệt hẳn nửa người bên trái.
Nhưng nếu không phẫu thuật, ấu trùng tiếp tục lan rộng vùng ký sinh sẽ nguy hại đến tính mạng bệnh nhân.
GS Trương nhanh chóng thành lập nhóm điều trị. Sau khi được sự đồng ý của gia đình, các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật.
Dưới kính hiển vi, các chuyên gia nhìn rõ vật thể hình sợi màu trắng và những điểm màu vàng giống như trứng của ấu trùng.
GS Trương cẩn thận bóc tách và gắp được ấu trùng ra ngoài thành công. Đây chính là sán dây sparganosis đúng như GS Trương chuẩn đoán. Các chuyên gia đo được ấu trùng dài tới 25cm.
Sau phẫu thuật, Lương tỉnh táo hơn rất nhiều, sức khỏe hồi phục nhanh, tay chân cử động tốt, Lương như nhìn thấy ánh mặt trời sau nhiều năm chịu sự dày vò của bệnh tật.
Sán ký sinh trong não phần nhiều do ăn các món ăn sống
Bác sỹ phụ trách chữa trị chính cho Lương, TS. Vương Kiến Kỳ cho biết sán dây sparganosis là một loại ký sinh trùng thường gặp ở ếch, rắn … rất ít gặp trên cơ thể người.
Khi ấu trùng sán dây sparganosis xâm nhập qua biểu bì hoặc đường tiêu hóa sẽ nhanh chóng di chuyển trong cơ thể để tìm nơi cư trú thích hợp như tứ chi, mắt, dưới da v.…
Nếu ký sinh tại não, nó sẽ gây ra những tổn hại nghiêm trọng như ảnh hưởng thị lực, hạn chế cử động của cơ thể, mất cảm giác, thậm chí gây bại liệt và nguy hại tới tính mạng.
Nguyên nhân dẫn đến ấu trùng sán dây sparganosis ký sinh trong não của Lương có thể do trước đó anh thường xuyên ăn thịt ếch, thịt rắn, uống nước lạnh chưa đun sôi.
TS. Vương Kiến Kỳ cảnh báo, hiện tượng ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người xuất hiện nhiều ở Trung Quốc, Nhật và các nước Đông Nam Á. Nguyên nhân thường do thói quen ăn các loại động vật hoang dã của người dân địa phương.
Ông khuyến cáo mọi người nên uống nước đun sôi, ăn các đồ ăn đã nấu chín kỹ. Nếu xuất hiện các hiện tượng như trên cần nhanh chóng tới bệnh viện kiểm tra và chữa trị kịp thời.
*Theo Sj39