Rõ ràng, trong vấn đề Crimea, Nga đang thực hiện nhiều bước đi dồn Ukraine “vào đường cùng”, có nghĩa là không thể thay đổi tình hình. Trong diễn biến mới nhất, Nga vừa cho khánh thành một cây cầu nối giữa Nga với bán đảo Crimea.
Nga sẽ mở dịch vụ tàu hỏa nối đến Crimea thông qua Cầu Crimea vào tháng 12 năm nay.
Trước đó, công ty Grand Service Express đã thông báo rằng, chuyến tàu đầu tiên đi từ St. Petersburg đến Sevastopol, Crimea sẽ khởi hành vào ngày 23/12 và thời gian của chuyến đi này sẽ kéo dài 43,5 giờ đồng hồ. Vào ngày 24/12, sẽ có chuyến tàu đầu tiên khởi hành từ Moscow đến Simferopol ở Crimea và chuyến đi sẽ mất 33 giờ đồng hồ. Chuyến tàu từ St. Petersburg sẽ là chuyến tàu đầu tiên băng qua Cầu Crimea vừa khánh thành. Giá vé là khoảng 46,5 USD.
Cầu Crimea dài 19km và là cây cầu dài nhất ở Nga. Cây cầu này nối giữa Bán đảo Taman thuộc Vùng Krasnodar của Nga với Bán đảo Kerch ở Crimea. Cầu Crimea sẽ đem đến sự kết nối giao thông, vận tải liền mạch giữa Crimea với các khu vực khác của Nga. Nó sẽ có hai hệ thống đường sắt và đường ô tô song song với nhau.
Khu vực đường dành cho ô tô đã được khánh thành từ hồi tháng Năm năm ngoái. Hoạt động vận tải hành khách qua đường sắt ở Cầu Crimea sẽ được mở vào cuối năm nay. Trong khi đó, hoạt động vận chuyển hàng hóa qua đường sắt ở Cầu Crimea sẽ được bắt đầu thực hiện từ tháng Sáu năm Sau.
Những bước đi trên của Nga là một phần trong kế hoạch của Nga nhằm đưa Crimea trở thành một phần của nước này. Đây là lý do khiến Ukraine thực sự tức giận.
Kiev sẽ đáp trả việc Nga khai trương cây cầu dành cho đường sắt nối liền từ Nga đến Crimea, ông Anton Korinevich – Phái viên thường trực của Tổng thống Ukraine về vấn đề Crimea, tuyên bố.
"Chúng tôi kiên quyết đáp trả hành động đó. Nước chiếm đóng không có quyền làm điều mà họ đang làm”, vị quan chức Ukraine nhấn mạnh nhưng không tiết lộ chi tiết những bước đi đáp trả mà Kiev sẽ tung ra nhằm vào Nga.
Bán đảo Crimea đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3 năm 2014. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev , trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine , đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev.
Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ sáp nhập nói trên.
Kể từ sau vụ sáp nhập, giới chức chính quyền Kiev luôn miệng khẳng định sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea. Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố sẽ xây dựng quân đội Ukraine thành một lực lượng quân sự mạnh nhất Châu Âu để quay trở lại giành bán đảo Crimea.
Phương Tây cũng liên tiếp gây sức ép để buộc Moscow phải trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine. Hàng loạt các biện pháp trừng phạt đã được các nước phương Tây tung ra nhằm vào Nga vì vấn đề Ukraine và Crimea.
Tuy nhiên, Nga cũng cứng rắn không kém khi nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ có chuyện trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine. Nga dường như cũng chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất kỳ mối đe doạ nào nhằm vào Crimea khi liên tục tăng cường sức mạnh phòng thủ trên bán đảo này cũng như tăng cường các cuộc tập trận ở đây. Đồng thời, Nga cũng gia tăng các hoạt động kinh tế, tăng cường các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm gắn chặt Crimea với Nga.
Với sự kiên quyết và hàng loạt bước đi kinh tế và quân sự cứng rắn của Nga, có vẻ như Ukraine khó có thể xoay chuyển tình thế trong vấn đề Crimea.