Đã là siêu cường phải kiểm soát biển và đại dương
Có một thực tế rõ ràng là không một siêu cường nào trên thế giới mà không kiểm soát con đường ra biển lớn của mình, cũng như các đại dương trên Trái Đất. Điều này có thể thấy rõ khi Mỹ kiểm soát Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, cũng như hiện diện tại nhiều vùng biển khác. Liên Xô và Nga sau này giữ vị trí chiến lược của mình tại Bắc Băng Dương, Biển Đen…
Đại dương có thể coi nhưng một phần trong không gian sinh tồn của của các siêu cường và điều này đang đúng với Nga khi Moscow đang khôi phục vị trí siêu cường của mình với việc gia tăng ảnh hưởng, hiện diện quân sự tại các khu vực chiến lược.
Tàu hải quân Nga.
Đối với Nga, Địa Trung Hải có vai trò cực kỳ quan trọng không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn xác lập và duy trì ảnh hưởng tới khu vực cực kỳ quan trọng là Cận Đông với nguồn dầu mỏ dồi dào.
Duy trì ảnh hưởng tới Cận Đông, Nga cùng đồng thời kiểm soát được nguồn tài chính khổng lồ từ dầu mỏ và khí đốt hóa lỏng (Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới).
Ngoài ra, một yếu tố khác cần tính tới là sau khi Liên Xô tan vỡ, NATO duy trì thế liên minh quân sự hàng đầu thế giới. Con đường đông tiến của NATO không chỉ trên bộ, mà cả trên biển dần áp sát không gian sinh tồn và biên giới khiến Nga bị dồn vào thế chân tường.
Điều này có thể thấy rõ ràng với việc NATO liên tục kết nạp các thành viên mới ở Đông Âu, còn ở trên biển, cụ thể là Địa Trung Hải là sự hiện diện liên tục của ít nhất một hạm đội tàu sân bay Mỹ, cũng như hàng loạt chiến hạm hiện đại của phương Tây.
Lực lượng này đang cố gắng đẩy Nga lùi sâu vào "ao nhà" Biển Đen và giới hạn ảnh hưởng của Moscow ở khu vực Cận Đông.
Tuy nhiên, vấn đề trên chỉ đúng khi nước Nga suy yếu sau khi Liên Xô tan vỡ. Hiện tại, vị thế và năng lực của Moscow đã hoàn toàn khác, đặc biệt là sau cuộc nội chiến ở Syria.
Dù vẫn còn những khó khăn về nguồn lực, nhưng vì sự quan trọng của Địa Trung Hải với đường bờ biển tiếp giáp 3 châu lục, Nga quyết tâm tái lập sự hiện diện quân sự tại đây với Hạm đội Địa Trung Hải là hoàn toàn dễ hiểu.
Theo tuyên bố của Đô đốc Vladimir Korolev, Hạm đội Địa Trung Hải sẽ được trang bị 10 khinh hạm hiện đại bậc nhất của Nga với năng lực chiến đấu cực mạnh với tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh, tên lửa đa năng Kalibr, cũng như nhiều đơn vị tàu ngầm tấn công khác.
Với trang bị trên, vai trò của Hạm đội Địa Trung Hải rõ ràng là lực lượng phản ứng nhanh. Đây sẽ chính là đơn vị tung các đòn tấn công phủ đầu cực mạnh bằng tên lửa đủ khả năng chế áp không chỉ những chiến hạm hiện đại, mà thậm chí là cả các hạm đội của đối phương.
Sự hiện diện của chúng trên Địa Trung Hải chính là nước cờ nhằm tới nhiều đích mà Moscow tính toán.
Về mặt quân sự, Hạm đội 5 và Hạm đội Biển Đen với trang bị hiện đại sẽ là chốt chặn quan trọng ngăn đà đông tiến của Mỹ và phương Tây.
Hạm đội 5 cũng khắc phục được những giới hạn về địa lý của Hạm đội Biển Đen khi phải đi qua eo biển Bosporus của Thổ Nhĩ Kỳ; duy trì sự hiện diện quân sự có khả năng can thiệp nhanh ở toàn bộ bở Đông Địa Trung Hải, cũng như vùng Cận Đông; đặt các căn cứ quân sự Mỹ và đồng minh trong khu vực trong tầm giám sát…
Việc duy trì hiện diện quân sự đồng thời dẫn tới tăng ảnh hưởng về chính trị. Đối với khu vực nhiều bất ổn như Trung Đông, thì Hạm đội 5 sẽ giúp Nga tái lập một cực mới trong bản đồ quyền lực khu vực. Lợi ích của việc này là không thể đo đếm.
Nga đang trên con đường khôi phục vị trí siêu cường của mình và việc tái lập Hạm đội Địa Trung Hải chính là một bước đi hợp logic.
Tàu hải quân Nga.
Hạm đội 5 sẽ triển khai tại Syria?
Một vấn đề quan trọng đặt ra là sau khi tái lập, căn cứ của Hạm đội 5 sẽ được đặt ở đâu? Ở đảo Síp hay Syria?
Câu trả lời thật dễ dàng! Nga hoàn toàn có thể đặt căn cứ của Hạm đội 5 tại Syria, nơi vốn đã có 2 căn cứ quân sự lớn là Hmeymin và Tartus. Ở Syria, Nga không chỉ có cơ sở, hạ tầng sẵn có, mà với việc Moscow giúp đỡ Damascus thoát khỏi nội chiến chính là điều kiện chính trị cần thiết để thiết lập một căn cứ quân sự quy mô và lâu dài tại đây.
Ngoài ra, những thiện cảm về binh sĩ Nga tham chiến ở Syria cũng là yếu tố không kém phần quan trọng đối với cộng đồng cư dân và các cộng đồng tôn giáo lớn ở đây đồng ý cho sự hiện diện quân sự lâu dài của Moscow. Trong cuộc nội chiến ở Syria, đã có hơn 60.000 binh sĩ Nga luân chuyển tới chiến trường này.
Một điều quan trọng khác là Syria có vị trí rất đắc địa ở Cận Đông.
Hạm đội 5 đóng ở Syria có khả năng can thiệp quân sự trên biển, trên không tới Bắc Phi, Trung Đông, Nam Âu bất kỳ lúc nào. Từ Syria, toàn bộ các căn cứ chính của NATO tại Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Kuwatt, Italia đều trong tầm kiểm soát.
Có thể nói, nếu Hmeymin và Tartus biến thành đại bản doanh của Hạm đội 5, thì đây chính là nước cờ hiểm Moscow dùng để phá hỏng cả bàn cờ thế Mỹ và NATO dày công xây dựng ở Địa Trung Hải, cũng như tái xác lập thế cân bằng quyền lực giữa hai bên.
Không phải quốc gia nào cũng là siêu cường và đã là siêu cường đều có cách để tái xác lập vị thế của mình. Câu này hoàn toàn đúng với việc khôi phục Hạm đội 5 của Nga. Hiệu quả của hành động này và động thái "phản đòn" của Mỹ và NATO ra sao, thì hãy chờ xem!
Hạm đội Biển Đen duyệt binh ở Sevastopol