Giãy chết ở Trung Đông, IS tìm cơ hội tái sinh ở Ai Cập

Thủy Thu |

Một vụ tấn công đẫm máu tồi tệ nhất trong lịch sử Ai Cập hiện đại cũng như trong lịch sử các cuộc tấn công khủng bố đã xảy ra ở một nhà thờ Hồi giáo tại Sinai cuối tuần qua.

Khi Iran và Iraq tuyên bố Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị tiêu diệt, Ai Cập bất ngờ xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu tồi tệ nhất trong lịch sử các cuộc tấn công khủng bố - một nhà thờ Hồi giáo ở tỉnh Bắc Sinai bị IS tấn công khiến 305 người thiệt mạng. Vậy tại sao Sinai lại trở thành "điểm đen" tổ chức khủng bố?

Thay đổi chính quyền làm suy yếu khả năng chống khủng bố

Theo Tân Hoa Xã, sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức cực đoan ở bán đảo Sinai bắt đầu từ sau sự kiện 11/9 ở Mỹ, đặc biệt là sau cuộc chiến Iraq vào năm 2003. Từ năm 2004 đến nay, do sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố, các thành phố du lịch lớn ở Ai Cập như Nuwei Sinai, Dahab, Sharm el-Sheikh đều xảy ra các cuộc tấn công khủng bố vào khách du lịch.

Sau sự sụp đổ của chế độ Mubarak vào năm 2011, kinh tế Ai Cập suy thoái, xã hội mất cân bằng, chính phủ tập trung cho phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, vô hình trung lơ là trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh của bán đảo Sinai.

Hơn nữa, chính phủ Ai Cập đã mất quyền kiểm soát với phần lớn bán đảo Sinai khiến khu vực này nhanh chóng trở thành căn cứ của các tổ chức cực đoan, trong đó có chi nhánh của IS ở Sinai.

Giải thích cho lý do tại sao các tổ chức cực đoan hoành hành trên bán đảo Sinai, Tân Hoa Xã đã chỉ ra một số nguyên nhân sau:

Trước hết, trong năm năm qua, chính quyền Cairo thay đổi thường xuyên nên không thể tiêu diệt triệt để các lực lượng cực đoan ở bán đảo Sinai.

Vào giữa tháng 8/2011, chính phủ quá độ của Ai Cập đã phát động hành động "chim ưng trỗi dậy" nhằm chống lại các phần tử cực đoan ở bán đảo Sinai nhưng không đạt được nhiều thành công. Tháng 7/2012, Tổng thống Ai Cập bấy giờ là Mohamed Morsi muốn thực hiện chính sách hòa giải trên bán đảo Sinai sau khi lên nắm quyền nhưng mâu thuẫn xung đột nghiêm trọng giữa quân đội chính phủ và bộ lạc bản địa ở Sinai khiến kế hoạch phá sản.

Nhà thờ Hồi giáo Sinai, Ai Cập bị đánh bom

Kể từ đó cho đến khi Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi lên nắm quyền vào năm 2014, chính phủ Ai Cập đã phát động một loạt các cuộc tấn công vào phần tử cực đoan trên bán đảo Sinai nhưng bất ổn chính trị khiến quân đội gặp khó khăn khi tập trung tiêu diệt các nhóm cực đoan tại đây.

Thứ hai, lực lượng quân đội chính phủ Ai Cập ở bán đảo Sinai không đủ mạnh để đối phó với các thế lực cực đoan ngày càng gia tăng.

Trên thực tế, Ai Cập không hoàn toàn nắm giữ chủ quyền trên bán đảo Sinai. Theo thỏa thuận hòa bình Ai Cập-Israel, khu vực biên giới giữa Ai Cập và Israel là khu phi quân sự hóa, an ninh trên bán đảo Sinai do cảnh sát Ai Cập và lực lượng quan sát viên quốc tế đảm nhận.

Đồng thời, Cairo phải tuân thủ giới hạn về triển khai nhân sự, vật tư trong khu vực. Những quy định này hạn chế tầm kiểm soát của Ai Cập đối với vấn đề an ninh và ổn định của bán đảo Sinai.

Quan hệ với bộ lạc bản địa lỏng lẻo

Thứ ba, Cairo chưa xử lý tốt các mối quan hệ với bộ lạc Bedouin khiến căng thẳng leo thẳng.

Từ năm 2011 đến nay, bộ lạc Bedouins ở bán đảo Sinai đã trở thành đối tượng chính thực hiện nhiều cuộc tấn công khủng bố bởi theo Tân Hoa Xã, lâu nay chính quyền Cairo luôn thực hiện các chủ trương chính sách thiếu cân bằng, đẩy địa vị xã hội của người Bedouin xuống thấp, tạo điều kiện cho các nhóm Hồi giáo cực đoan xâm nhập.

Trước khi Ai Cập rơi vào tình trạng bất ổn, chính quyền Cairo đã không chú ý đến kinh tế trên bán đảo Sinai khiến nền kinh tế ở khu vực này phát triển rất chậm và không đồng đều ở miền Bắc và miền Nam.

Chính phủ Ai Cập khi đó đã ban hành một kế hoạch phát triển ở phía Bắc bán đảo nhưng đến nay nó vẫn chưa được thực hiện. Trong khi phát triển du lịch tại phía Nam bán đảo giúp khu vực phía Nam trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, tạo ra một doanh thu 11 tỷ USD nhưng điều kiện sống của người Bedouin vẫn chưa được cải thiện.

Dưới thời chính phủ Mubarak, người Bedouins không được đề cao. Để tồn tại, bộ lạc này bắt đầu tham gia vào việc trồng và sản xuất cần sa, buôn lậu vũ khí và buôn bán người bất hợp pháp dẫn đến thị trường chợ đen và các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia tại bán đảo Sinai ngày càng trở nên bành trướng, vô hình trung trở thành "nơi sinh sản" cho chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Giãy chết ở Trung Đông, IS tìm cơ hội tái sinh ở Ai Cập - Ảnh 2.

Hình ảnh bên ngoài vụ tấn công vào nhà thờ Hồi giáo ở Sinai, Ai Cập. Ảnh AP

Lực lượng vũ trang bản địa được "viện trợ"

Thứ tư, theo Tân Hoa Xã, các tổ chức địa phương vừa câu kết với những tổ chức cực đoan nước ngoài vừa tăng cường vũ khí lương thực, kinh nghiệm tác chiến phong phú và có kỹ năng sử dụng vũ khí hiện đại.

Sau bất ổn chính trị Ai Cập vào năm 2011, vũ khí từ Libya, dải Gaza và Sudan đã thâm nhập vào bán đảo Sinai. Theo cơ quan an ninh của Ai Cập, có khoảng 2 triệu vũ khí bất hợp pháp đang lưu hành tại nước này.

Một số tổ chức tình báo tiết lộ, lượng lớn các chiến binh xuất thân ở những điểm nóng trên thế giới như Somalia, Yemen, Algeria và Libya đang hoạt động Sinai và những phần tử này đều dày dặn kinh nghiệm tác chiến, có kỹ năng sử dụng vũ khí hiện đại và đang huấn luyện cho lực lượng quân sự người Bedouin.

"Về chiến lược chiến đấu, những phần tử này sử dụng hình thức tấn công đa điểm là mối đe dọa lớn đối với an ninh và ổn định trên bán đảo Sinai", Tân Hoa Xã bình luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại