Sống trên đời, khó có thể tránh được những lúc gặp phải chuyện không vui hay gặp phải những kẻ không biết điều.
Nếu như chúng ta cứ mãi không học được cách mở lòng, không làm được việc buông bỏ, cuộc sống sẽ ngột ngạt, muộn phiền bởi những chuyện vặt vãnh, từng ngày sẽ trôi qua vô ích trong mệt mỏi và vô vị.
Hậu quả khôn lường của sự tức giận
Đôi khi, sẽ có những kẻ cố tình làm khó chúng ta, giành giật với chúng ta, tranh cãi với chúng ta. Nếu chúng ta nổi cơn tam bành, đùng đùng tức giận nghĩa là đã trúng kế của họ.
Tức giận là một thứ cảm xúc tiêu cực. Cơn cáu giận trong lòng mà không trút ra được, nhẹ thì sẽ ảnh hưởng khẩu vị, làm tâm trạng tệ đi, nặng thì ảnh hưởng tới sức khoẻ, làm tổn thương cơ thể.
Tức giận chẳng khác gì việc chúng ta đang tự trừng phạt bản thân thay cho người khác. Việc chúng ta tức giận sẽ chỉ khiến người khác ngầm đắc ý, cười khẩy mà thôi.
Cho nên làm người, hãy biết khôn ngoan hơn, hà cớ gì phải tức giận để nhận lấy mọi thiệt thòi về mình? Giận dữ là hành động của người dại dột.
Khi tức giận, bản thân chúng ta bực bội, tự làm mình khó chịu. Khi chúng ta tức giận, người khác đâu có thương xót chúng ta? Chúng ta càng tức giận, người ta lại càng mừng. Chúng ta giận càng lâu, người ta lại càng thích.
Vậy thì hà cớ gì phải tức giận? Làm như vậy chẳng phải ngốc nghếch lắm sao?
Mỗi người chúng ta, tuyệt đối không nên vì người khác mà nổi giận. Cáu kỉnh vì kẻ tiểu nhân nào có tác dụng gì? Khi cơn giận dữ bùng lên, bệnh tật sẽ kéo tới và sau đó người chịu khổ chính là mình.
Mà khi sức khỏe bị ảnh hưởng, ngoài chúng ta chịu thiệt, người ngoài thử hỏi họ có bận tâm?
Vì thế, tại sao chúng ta lại phải tức giận? Chẳng phải rất mệt mỏi đó sao?
Giận dữ không chỉ ảnh hưởng tới khẩu vị, cảm xúc, giấc ngủ mà còn ảnh hưởng đến công việc và rất nhiều chuyện khác. Tức giận khiến chúng ta muộn phiền, cau có, tinh thần rối loạn, từ đó dễ phạm phải sai lầm trong công việc và cuộc sống, lợi bất cập hại.
Cuộc sống này, không phải để tức giận.
Tính toán chi li những chuyện vặt vãnh là cách phí phạm cuộc sống một cách vô nghĩa nhất. Mỗi một giây phút không so đo, không vướng mắc, coi nhẹ chuyện được - mất, không cáu giận tức là tôn trọng bản thân mình.
Hiệu ứng "Kết cục của ngựa hoang" và lời cảnh tỉnh mọi người
Trong tâm lý học có một hiệu ứng nổi tiếng có tên "Kết cục của ngựa hoang":
Ngựa hoang trên thảo nguyên châu Phi thường xuyên bị dơi quỷ tấn công dẫn tới cái chết.
Nhưng các nhà động vật học phát hiện ra răng, lượng máu mà dơi quỷ hút là cực kỳ ít, không đủ để khiến ngựa hoang chết.
Cái chết của ngựa hoang là do nó nổi điên và chạy lồng lên. Cũng tức là ngựa hoang chết vì tức giận.
Tức giận thực sự gây tổn hại rất lớn cho tinh thần và thể xác của con người.
Các nghiên cứu ngày nay cũng chỉ ra rằng, việc thường xuyên cáu giận, các mối quan hệ xã hội căng thẳng, sẽ làm tăng nguy cơ tử vong sớm cho người trung niên, đặc biệt là với nam giới.
Vậy nên "giận nhiều hại thân" không phải là cách nói vô căn cứ.
Tức giận tưởng rằng người khác sẽ đau khổ, nhưng hóa ra lại đang đầu độc chính bản thân mình.
Cuộc đời vốn không dài, tại sao chúng ta lại phải tức giận để rút ngắn những ngày tháng tươi đẹp có hạn của chính mình?
Tức giận chẳng khác nào một cách tự tử âm thầm; độ lượng, bao dung, mở lòng đón nhận thế giới mới là bí quyết để sống lâu.
Cuộc sống hỗn độn với việc bị hiểu lầm, bị vu khống, bị hãm hại.., đừng quá so đo, cũng đừng quá chi li, cứ bình tĩnh kiềm chế bản thân và xử lý theo một cách phóng khoáng, rộng lượng.
Từ nay về sau, mỗi chúng ta hãy nhớ đừng tức giận, giận dữ là thuốc độc, là cách tự sát âm thầm, bào mòn rút ngắn cuộc sống của chính mình.
Có một câu nói rất hay như sau:
"Bớt ở bên kẻ khiến bạn tức giận, bớt ở bên kẻ nhiều chuyện, bớt ở bên kẻ không biết cảm ơn, bớt ở bên kẻ hời hợt với bạn, bớt ở bên kẻ nói dối không chớp mắt để mình được sống lâu thêm vài năm!"
Thấy vui khi ở cạnh ai thì cứ bên người ấy, cho dù là người thân hay bạn bè.
Cáu giận là tự tử mãn tính, ai khiến bạn bực bội, hãy tránh xa kẻ đó ra, nhắm mắt hít sâu thở chậm để bình tâm trở lại.
Thà ở nhà ăn cháo còn hơn là ăn tiệc thịnh soạn mà phải để ý sắc mặt của người khác.
Giận ít hại tinh thần, giận nhiều hại sức khoẻ, chi bằng mở lòng cho qua mọi chuyện, còn hơn là bực bội khó chịu trong người.
Bỏ qua cho người khác cũng là cách chúng ta buông tha cho chính mình.