Nghiên cứu gần đây cho thấy, chất kẽm có trong bí đỏ trực tiếp ảnh hưởng tới chức năng của hồng cầu; chất sắt lại là nguyên tố vi lượng cơ bản giúp bổ sung lượng máu cho cơ thể. Bí đỏ không chỉ là món ăn dân dã và bổ dưỡng, cùi quả và hạt bí còn là vị thuốc phòng trị bệnh hiệu quả.
Bí đỏ chứa 87 - 88% nước, 1,3 - 1,4% protid; 0,4 - 0,5% lipid. Thịt quả chứa 2,8% đường; ngoài ra, có caroten, xanthophin, sắt, đồng, mangan, kẽm, các vitamin B1, B2, C và một số chất khác. Nhân hạt chứa 3 - 4% chất vô cơ, 30% protid (globulin), 45 - 50% dầu béo; cucurbitin 0,4 - 0,8% (acid amin có tác dụng diệt giun sán).
Theo Đông y, thịt quả vị ngọt, tính ôn; vào tỳ và vị. Hạt bí có vị béo bùi, tính ấm. Có tác dụng trị giun sán. Bí đỏ có tác dụng kiện tỳ, ích khí, chỉ thống sát trùng. Dùng tốt cho người bị tỳ vị hư nhược, ăn kém chậm tiêu, mỏi mệt, đầy trướng bụng, đau bụng, nhiễm các ký sinh trùng đường ruột (giun đũa, giun kim, sán). Liều dùng 50 - 500g. Có thể nấu, hầm, ép nước hoặc ăn sống.
Một số bài thuốc có bí đỏ
Hạt bí đỏ ăn sống: hạt bí đỏ 300g, bóc bỏ vỏ lấy nhân, cho ăn vào các buổi sáng 1 - 3 lần liền (thay bữa sáng). Có tác dụng tẩy giun đũa, giun kim.
Trị ho, chữa viêm phổi: bí đỏ 1 quả (400 - 500g), mật ong 100g, đường phèn 50g. Khoét quả bí, bỏ ruột, cho mật ong và đường phèn vào. Hầm kỹ khoảng 1 giờ. Ăn 1 - 2 lần trong ngày.
Chữa bỏng: giã nát hoặc cắt lát mỏng cùi bí; đắp lên vùng da bị bỏng. Đau rát nhanh mất; vết bỏng sẽ nhanh lên da non.
Món ăn thuốc có bí đỏ
Bí đỏ hầm thịt bò: bí ngô 300g, thịt bò nạc 150g. Bí đỏ gọt vỏ bỏ ruột rửa sạch, hầm kỹ với thịt bò, thêm gia vị nhưng không cho muối và dầu mỡ. Ăn liên tục 3 - 7 ngày. Dùng tốt cho người bị viêm khí phế quản, phế viêm, ho nhiều đờm đặc.
Bí đỏ hầm đậu phộng: bí đỏ 300g, đậu phộng 100g. Bí đỏ gọt vỏ bỏ ruột rửa sạch, hầm kỹ với đậu phộng. Hoặc bí đỏ hầm xương thịt gà, vịt đều tốt. Chữa đau đầu chóng mặt mạn tính.
Bí đỏ hầm đậu xanh xương lợn: bí đỏ 300g, đậu xanh 100g, xương lợn 200g. Bí đỏ gọt vỏ bỏ ruột rửa sạch, hầm với đậu xanh và xương lợn rửa sạch. Khi ăn cho thêm gia vị vừa đủ. Hỗ trợ chữa đái tháo đường.
Rau bí xào tỏi: rau bí 1 mớ, tỏi 2 - 3 củ, dầu mỡ, bột gia vị vừa đủ. Rau bí tước bỏ xơ, lá non vò nát, rửa sạch, để ráo; tỏi đập giập. Đun nóng dầu trong chảo, cho 1/2 lượng tỏi, phi cho thơm; cho rau bí vào xào bằng lửa to để rau chín giòn không ra nước; cho 1 - 2 thìa bột canh vừa ăn. Khi rau gần chín, cho nốt số tỏi còn lại, đảo đều đến rau chín là được.
Tác dụng thanh nhiệt, kiện vị, nhuận trường, rất tốt cho người béo muốn giảm cân.
Rau bí xào thịt ba chỉ: rau bí non 200 - 300g, thịt lợn ba chỉ 150g, tỏi 2 củ, gia vị vừa đủ. Rau bí tước bỏ xơ, rửa sạch, để ráo; thịt ba chỉ thái lát mỏng, ướp với nước mắm, để 15 phút cho ngấm mắm; tỏi đập giập.
Đun nóng dầu, cho tỏi vào phi thơm, cho thịt vào, xào trên lửa to cho chín; cho rau bí vào, xào chín, có thể cho thêm 1 củ tỏi đập giập, đảo đều trước khi tắt bếp. Tác dụng thanh nhiệt, kiện vị, nhuận trường, bồi dưỡng sức khỏe.
Rau bí xào thịt bò: rau bí non 200 - 300g, thịt bò philê 150g, tỏi 3 củ, gia vị vừa đủ. Rau bí tước bỏ xơ, rửa sạch, để ráo; thịt bò thái lát mỏng, ngang thớ, ướp với nước mắm, bột canh, đường, dầu..., để 15 phút cho ngấm gia vị; tỏi đập giập.
Đun nóng dầu, cho 1/3 số tỏi vào phi thơm, cho thịt vào, xào trên lửa to cho vừa chín, múc ra bát; cho 1/3 số tỏi vào phi thơm, cho rau bí vào, xào bằng lửa to, cho bột canh, nước mắm vừa đủ. Khi rau bí vừa chín, cho thịt bò và 1/3 tỏi còn lại vào; đảo đều, tắt bếp. Tác dụng thanh nhiệt, kiện vị, nhuận trường, bồi dưỡng sức khỏe.
Kiêng kỵ: Người có thấp thịnh khí trệ (đầy bụng không tiêu và tiêu chảy) không nên dùng.