"Khi vụ việc còn chưa được xử lý xong, chúng tôi không thể để anh nhìn thi thể em trai, càng không có chuyện cho gia đình anh mang thi thể về, phải đợi".
Đó là câu trả lời của ông Tuy Lợi Dân - phó phòng tiếp dân, Sở công an thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc dành cho ông Ngô Trung Bình.
Hôm đó, ông Bình đến Sở công an thành phố để hỏi về tình hình điều tra vụ án của em trai mình, đồng thời mong muốn được đưa thi thể của em về hỏa táng.
3 năm trước, em trai ông Bình là ông Ngô Trung Nhuệ đến Sở công an thành phố làm việc và tử vong ngay tại đây. Cho đến tận bây giờ, đã hơn 1000 ngày đêm, thi thể vẫn bị công an từ chối không cho người nhà làm thủ tục mang về.
Đột ngột tử vong
"Vào buổi sáng ngày 13/5/2013, em trai tôi tay cầm một chiếc túi bước vào cổng Sở công an thành phố Cát Lâm, vài phút sau đó, cậu ấy trở ra.
Lúc đó, một người mặc đồng phục như muốn lao vào đánh em tôi trong khi một người khác đứng ở giữa vừa can ngăn, vừa đẩy em tôi ra ngoài, vừa chặn đồng nghiệp.
"Chưa được bao lâu, một người mặc đồng phục khác chạy ra, vừa lôi em tôi vào bên trong sở công an vừa vẫy tay ra hiệu cho người đi đường không được đứng lại xem", Ngô Trung Bình nói và cho phóng viên xem nội dung đoạn clip ghi lại sự việc.
Khi được phóng viên hỏi về đoạn clip này, luật sư được cảnh sát ủy thác việc bồi thường cho biết, ông ta "cũng đã xem rồi".
"Sở công an thành phố Cát Lâm chỉ cung cấp clip trước và sau khi em tôi bị lôi ra khỏi Sở công an chứ không cung cấp đoạn camera giám sát thời gian và khu vực em tôi bị làm cho tử vong".
Và nguyên nhân của việc này được phía công an giải thích là nơi ông Ngô Trung Nhuệ tử vong… không được lắp camera giám sát.
Vậy thì khu vực chưa được gắn camera giám sát bên trong Sở công an, đồng thời cũng chính là nơi ông Nhuệ tử vong rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?
Đoạn clip do ông Bình cung cấp cho thấy:
Sau khi ông Nhuệ chết được 1 tháng, Lưu Phong – Phó phòng công an quận Châu Doanh (trực thuộc Sở công an Cát Lâm) đã tổ chức họp báo và nói rằng, trong vụ án dẫn đến cái chết của Ngô Trung Nhuệ, 7 người thuộc Sở công an có liên đới, trong đó có 4 bảo vệ và 3 cảnh sát.
Lưu Phong cho biết, vào 8h22 phút ngày 13/5/2013, Ngô Trung Nhuệ đến Sở công an Cát Lâm, vào bên trong tự giới thiệu với bảo vệ mình là cảnh sát, muốn gặp giám đốc Sở cảnh sát. Sau khi đối chiếu giấy tờ tùy thân thấy không khớp, bảo vệ mới đánh ông này, dẫn đến ẩu đả sau đó.
Theo lời tường thuật của Lưu Phong trong băng ghi ấm, ban đầu là từng bảo vệ tham gia lôi cổ, đánh Nhuệ khiến ông ta ngã xuống đất.
Sau khi bị ngã, Nhuệ vừa đánh vừa chửi nên 4-5 người mới ghì chặt người đối phương xuống. Chừng 5-6 phút sau đó, Ngô Trung Nhuệ dường như không cử động động, nàm bất tỉnh trên sàn.
Phát hiện thấy điều bất thường, bảo vệ và cảnh sát mới lập tức tiến hành cấp cứu tại chỗ và gọi cấp cứu nhưng khi đưa đến bệnh viện vào lúc 8h54 phút, ông Nhuệ đã tử vong.
Xung quanh eo, bụng có 6 nốt thâm đen
Kết quả giám định pháp y "phớt lờ" 6 vết thâm đen trên cơ thể người chết.
Về việc em trai đột ngột tử vong tại khu vực không được lắp camera trong Sở công an, ông Bình luôn giữ quan điểm nghi ngờ, cho rằng em mình chết có liên quan trực tiếp đến việc bị cảnh sát và bảo vệ đánh đập trong thời gian dài.
Khi nhìn thấy thi thể em trai, quanh vùng bụng và eo ông Nhuệ có 6 vết đen. Sau khi tìm hiểu và tư vấn những người có chuyên môn, ông Bình cho rằng những dấu hiệu trên nhiều khả năng là do bị dùi cui điện gây ra.
Thế nhưng trong lần khám nghiệm tử thi đầu tiên, nhân viên pháp y Lô Anh Cường đã không kiểm tra vị trí bị dùi cui điện đánh vào. Một tuần sau, ông ta mới lấy phần da trên 6 vị trí thâm đen mang đi.
Thời điểm đó đã là hơn 10 ngày kể từ ngày tử vong, màu sắc xung quanh 6 chỗ đó đã biến sắc, nhạt đi rất nhiều.
Về sau, kết quả giám định cũng không nhắc gì đến dấu hiệu bất thường này. Khi phóng viên tìm gặp và hỏi ông Cường, ông này trả lời vì thời gian đã lâu lắm rồi, nên không còn nhớ gì.
Còn về việc tại sao ông Nhuệ giả danh cảnh sát vào Sở công an, mẹ của ông này giải thích rằng, con trai bà cụ bị thất nghiệp trong thời gian dài dẫn đến thần kinh có chút vấn đề.
Kể từ sau khi đi lính, ông Nhuệ luôn muốn vào Sở công an làm việc nhưng không được, nên đành làm việc khác. Ngày 13/5/2013, Ngô Trung Nhuệ đã từng đi tìm gặp Giám đốc Sở công an, có thể là vì muốn nhờ người đó sắp xếp công việc.
Chết tại Sở công an hay trong bệnh viện?
Theo ông Bình, ghi chép về thời gian, địa điểm ông Nhuệ chết cũng như thời gian bác sĩ vào cuộc giữa công an quận Châu Doanh và viện kiểm sát quận Châu Doanh không thống nhất.
Sau khi xảy ra vụ việc, đồn cảnh sát Đại Đông Môn, thuộc công an quận Châu Doanh phụ trách công tác điều tra, đồng thời mời cả viện kiểm sát hỗ trợ.
"Thực ra chúng tôi không chính thức điều tra vụ việc này vì gia đình người chết tố đây là một vụ án hình sự. Án hình sự không thuộc về trách nhiệm của viện kiểm sát nên chúng tôi rút lui", Tiêu Phương Ấn – Phó viện trưởng Viện kiểm sát quận Châu Doanh trả lời phỏng vấn cho hay.
Mặc dù ông Bình cho rằng 7 nhân viên của Sở công an phải chịu trách nhiệm hình sự trước cái chết của em trai mình nhưng công an quận Châu Doanh sau khi điều tra lại cho rằng:
Cái chết của Ngô Trung Nhuệ là một sự cố ngoài ý muốn, không cần truy đến cùng trách nhiệm hình sự nên quyết định không mở cuộc điều tra.
Kết luận này đã khiến gia đình nạn nhân bức xúc, không phục, quyết định tiếp tục gửi đơn lên Sở công an Cát Lâm, viện kiểm sát nhân dân quận Châu Doanh và viện kiểm sát nhân dân thành phố Cát Lâm.
Thế nhưng, đi đến đâu, họ cũng bị từ chối và giữ nguyên quyết định không điều tra vụ việc.
Theo biên bản ghi chép của trung tâm giám định pháp y, trường đại học Cát Lâm, Ngô Trung Nhuệ vì muốn xông vào cơ quan công an, đánh nhân viên trong sở.
Sau khi đối chiếu giấy tờ tùy thân đã tiến hành khống chế. Ngô Trung Nhuệ bị ngã xuống đất không dậy được, sau khi được đưa đi cấp cứu đã tử vong trong bệnh viện.
Nhân viên pháp y Lưu Phong cũng khẳng định trong lúc họp báo rằng nạn nhân đã tử vong sau khi đến bệnh viện.
Bệnh viện ghi chép rằng, ông Nhuệ tử vong trước khi nhập viện cấp cứu.
Tuy nhiên, mọi khẳng định trên đây lại trái ngược hoàn toàn với ghi chép của trung tâm cấp cứu Cát Lâm: Ngô Trung Nhuệ đã tử vong tại hiện trường. Khi cấp cứu 120 đưa nạn nhân vào bệnh viện chúng tôi, người đó đã ngừng thở.
Cho rằng Sở Công an Cát Lâm muốn rũ bỏ trách nhiệm, gia đình ông Nhuệ đã nhiều lần tìm đến các cơ quan chức năng hữu quan phản ánh sự mâu thuẫn trong ghi chép của các đơn vị nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa đạt được mục đích của mình.
Gia đình từ chối giải quyết theo cách bồi thường cá nhân
Theo phản ánh của gia đình, sau khi ông Nhuệ tử vong, gia đình thường xuyên đem vụ việc này đi gõ cửa các cơ quan công quyền nên họ nhiều lần nhận được cuộc gọi của trưởng phòng tiếp dân thuộc Sở công an Cát Lâm, mục đích là để thỏa thuận việc bồi thường riêng.
Được biết, phía Sở công an Cát Lâm đã chi 550.000 NDT (khoảng 1,8 tỉ đồng) để bồi thường cho gia đình ông Nhuệ, đồng thời cho biết con số có thể tăng thêm một chút nữa.
Tuy nhiên, gia đình nạn nhân không chấp nhận điều này, kiên quyết theo đuổi đến cùng nhằm đưa những người chịu trách nhiệm trước cái chết của ông Nhuệ ra trước pháp luật.
Không chỉ vậy, gia đình ông Nhuệ cũng cho biết họ từng nhận được cả những cuộc điện thoại đe dọa, yêu cầu gia đình từ bỏ ý định kiện tụng, nếu không sẽ phải trả giá.
Điều khiến ông Bình không lường được là, vì không đáp ứng điều kiện bồi thường của Sở công an, thi thể em trai Ngô Trung Nhuệ cho đến nay đã 3 năm vẫn chưa được trả về nhà.
Từ đoạn băng ghi âm do ông Bình cung cấp, phía công an khẳng định rằng khi sự việc còn chưa xử lý xong, họ không thể cho phép gia đình mang xác người thân về hỏa táng.
Phóng viên đã liên tục liên lạc với các nhân viên có liên quan trong Sở công an Cát Lâm nhưng vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng.