Bà Hằng thừa nhận quá trình triển khai dự án gặp phải sự phản đối từ phía người dân của 6 tổ dân phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy.
“Quận quyết định tạm dừng toàn bộ công tác liên quan đến triển khai dự án. Việc tạm dừng này nhằm phục vụ việc thu thập tiếp cơ sở pháp lý của dự án và tạo sự đồng thuận trong nhân dân”.
Theo ông Bùi Dương, phó chánh văn phòng UBND quận Long Biên, dự án nghĩa trang trên được xây dựng cải tạo trên khu vực Bãi Xém.
“Đây là khu vực nghĩa trang đã tồn tại từ xưa. Ranh giới cách mép sông Đuống khoảng 15m, phía Tây Bắc và Đông Nam giáp khu mộ hiện có, cách nhà dân gần nhất khoảng 150-200m” - ông Dương cho hay.
Tuy nhiên, khi được hỏi với dự án cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang hiện có, vì sao phải thu hồi đất 1,1ha nông nghiệp đã giao theo nghị định 64 đối với 31 hộ dân?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, chánh văn phòng UBND quận Long Biên nói “hiện tại chưa thu hồi, mới chỉ kiểm đếm hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp của 31 hộ dân”.
Trả lời tiếp câu hỏi nếu lấy 1,1ha đất nông nghiệp của 31 hộ dân tức là xây nghĩa trang mới, không phải cải tạo nghĩa trang cũ hiện có? Bà Hằng xin khất chưa trả lời câu hỏi này mà chỉ khẳng định đây là dự án cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang cũ.
Tuy nhiên, theo kiến nghị của các hộ dân phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy (Q. Long Biên), khu vực 1,1ha đất nông nghiệp dự kiến làm nghĩa trang không nằm trong quy hoạch nghĩa trang của thành phố.
Đặc biệt, vị trí dự kiến làm nghĩa trang chỉ cách trạm cấp nước sạch phường Ngọc Thụy chưa đầy 50m.
Cũng theo bà Hằng, việc thực hiện dự án nghĩa trang Bãi Xém là theo chủ trương của thành phố đã được các sở, ngành cho ý kiến.
Tuy nhiên, ngay trong đề xuất bằng văn bản, UBND phường Ngọc Thụy lại khẳng định “giới thiệu vị trí xây dựng nghĩa trang mới tại khu vực Bãi Xém”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 25-11, ông Hà Đức Trung, phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội lại khẳng định “sở chỉ đồng ý việc cải tạo nghĩa trang trên diện tích nghĩa trang cũ”.
“Đây là khu vực nằm trong hành lang thoát lũ. Nếu là làm nghĩa trang mới, phải thực hiện các bước theo quy định về Luật Đê điều.
Bước thứ nhất là phải xin ý kiến Bộ NN&PTNT, tiếp nữa là phải báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng” - ông Trung nói.