Bị đàn anh đàn chị ức hiếp, cô lập trên sàn diễn
Trước khi trở thành sinh viên trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu & Điện ảnh TPHCM), Mỹ Uyên từng dấn thân vào vài cuộc thi nhan sắc nhờ ngoại hình khả ái. Hồi đó, nghề người mẫu đang rất hot và Mỹ Uyên cũng là gương mặt quen thuộc trên các bìa báo và lịch treo tường.
Cho đến khi Mỹ Uyên đi thi Hoa hậu Điện ảnh do Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức và tình cờ xem được tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi và Quyền Linh. Vì quá thích, Mỹ Uyên lập tức cắp cặp đi học diễn viên.
Nhờ ngoại hình thuộc hàng "hoa khôi" của trường, Mỹ Uyên nhanh chóng được giới thiệu đi phim, đi kịch... dù chỉ là những vai quần chúng. Thời điểm đó, kịch truyền hình "Trong nhà ngoài phố" là một chương trình được người dân chờ đợi mỗi tuần, quy tụ toàn ngôi sao hàng đầu, vậy mà Mỹ Uyên cũng ... được góp mặt vào như một mối duyên lành.
Dù vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng Mỹ Uyên đã bén duyên với điện ảnh, truyền hình khi được mời tham gia vào nhiều bộ phim "ăn khách" đình đám thời đó, như: Mảnh đất tình đời, Ai xuôi vạn lý, Nợ đời, Người đàn bà yếu đuối...
Mỹ Uyên thời trẻ qua góc máy của Vũ Ngọc Đãng.
Mỹ Uyên cũng có nhiều vai diễn hay trên sân khấu của Đoàn Kịch nói Thành phố khi ấy như mợ Hai Tiền trong "Vụ án trộm trứng gà", đóng chung cùng cố nghệ sĩ Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Quyền Linh, Trịnh Kim Chi... hay bà Huyện trong "Nghề nuôi chằng". Thế nhưng, với Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Mỹ Uyên vẫn là "người mới".
Thập niên 1990 đến năm 2000, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ lừng lẫy vô cùng, vì đây là sân khấu đã tạo dựng nên biết bao nhiêu ngôi sao, tên tuổi của ngành sân khấu mà đến giờ, những ngôi sao đó vẫn là cái tên sừng sững trong lòng người hâm mộ.
Thế nên khi được đạo diễn Trần Minh Ngọc mời về Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ đóng cô nô lệ da đen Merita, một vai thứ trong "Con cáo và chùm nho", Mỹ Uyên vô cùng hạnh phúc.
Tuy nhiên, ngay lần đầu tiên được đứng trên sân khấu mà mình từng mơ ước hàng đêm ấy, Mỹ Uyên đã bị sốc, bị hụt hẫng vì cách đối xử của một số đàn anh đàn chị là ngôi sao khi đó, với mình.
Mỹ Uyên bảo, cuộc đời chị có nhiều vai hay nhưng vai Merita khiến chị ấn tượng nhất, nhớ nhất là vì... đây là vai diễn đầu tiên của chị ở 5B và chị quá gian truân để có được vai diễn này.
Vai diễn Merita là một kỷ niệm vừa buồn vừa đẹp trong cuộc đời làm nghề của NSƯT Mỹ Uyên.
Mỹ Uyên tâm sự: "Ngày ấy, tôi đã có nhiều vai chính hay ở các sân khấu khác, cũng nổi tiếng trên truyền hình nhưng ở 5B, tôi vẫn lấp ló ở cửa, chờ thời. Các anh chị diễn viên cũng như đạo diễn đều có ê-kíp của họ và tôi thì chẳng thể... chen chân. Một cô gái chập chững về sân khấu như tôi phải bôn ba đi tìm vai với bao khó khăn, cực khổ.
Quãng năm 1998, tôi chỉ là một đứa con nít, lẽ ra mình phải được nâng đỡ, được dạy dỗ khi đóng với đàn anh đàn chị thì họ ăn hiếp, soi tôi, cô lập tôi.
3 người đóng chung, người này kêu người kia ra bàn thoại, tôi chạy theo hỏi, họ gạt đi, không trả lời. Lúc ra sân khấu, họ tự diễn với nhau và bỏ lơ tôi".
Mỹ Uyên yêu thích và chăm chút cho vai diễn đầu tiên này tới mức, 8h tối mở màn thì 4h chiều chị đã tới sân khấu hóa trang. Vì đóng cô nô lệ da đen nên chỗ nào hở da hở thịt là Mỹ Uyên bôi đen hết. Chị thậm chí cứ đi vòng vòng, chẳng dám ngồi vì sợ trôi mất màu đen trên da đã kỳ công chét mấy tiếng đồng hồ.
Có lần vô tình đứng dựa tường, màu da bị trôi, Mỹ Uyên phải dặm lại. Đúng lúc đó, một đàn chị ngôi sao đóng chung trong vở nói "ủa em, giờ này còn dặm gì nữa, đi diễn thì phải vô sớm chứ", trong khi đó, họ sát giờ diễn mới tới còn Mỹ Uyên đã có mặt ở sân khấu từ 4h chiều.
Nào ngờ vai cô nô lệ da đen của Mỹ Uyên được báo chí khen, gương mặt mới mà diễn hay. Thêm một lần nữa, họ không vui. Nhưng cũng từ vai đó, Mỹ Uyên trưởng thành hơn rất nhiều. Chị ý thức được rằng, mình phải đương đầu, đối diện, không tháo lui. Mình đã yêu, đã chọn sân khấu thì phải chấp nhận nó.
Vì từng bị ức hiếp nên sau này, Mỹ Uyên không để đàn em, đồng nghiệp có cảm nhận tương tự về mình trong quá trình làm việc.
Bài học đẹp đẽ từ những điều cay đắng đã đi qua...
Hỏi Mỹ Uyên cứ im lặng chấp nhận sự ức hiếp đó và không chia sẻ với ai? Mỹ Uyên thật thà: "Lúc đầu, tôi cứ nghĩ mình bị góp ý nhưng đến khi thấy cảnh đó có mình mà họ không cho trao đổi, mình chạy tới hỏi thì bảo "được rồi, không liên quan tới em". Lúc ra sân khấu, họ cứ diễn với nhau, mặc kệ mình... thì tôi hiểu. Tôi buồn nhưng không bỏ vai.
Nghệ sĩ Nguyễn Sanh lúc đó đóng vai nộ lệ với tôi, anh biết và an ủi tôi "đừng buồn nghe nhỏ, không nói được thì nói cho anh nghe" nhưng tôi giả bộ không biết gì, cười bảo "dạ, đâu có gì đâu anh".
Từ nhỏ, tôi ý thức được rằng, cái gì không bộc bạch được thì nên nuốt vào lòng. Tôi biết chắc rằng, nếu nói với thầy Trần Minh Ngọc, thầy sẽ kêu mọi người lại nói chuyện nhưng tôi tôn trọng thầy tới mức, diễn đúng với bản dựng của thầy.
Các anh chị diễn sao thì diễn, tôi có bị rớt, không nhịp nhàng hay đứng đó một mình cũng không sao vì cuối cùng thì tất cả vẫn phải nằm trong khuôn khổ bản dựng của đạo diễn.
Nếu lúc đó tôi nói, chẳng những họ không kết hợp với mình mà còn có cớ bảo mình hỗn. Tôi kiềm chế, lễ phép tới ngoan ngoãn, sợ sệt, buồn bã... tất cả chất chứa trong đó, vô tình biến mình thành người thông minh. Thật ra, kiểu của họ làm tôi sợ, cảm giác mình bị cô lập nhiều hơn là họ ghét mình".
Lần khác, Mỹ Uyên được mời đóng thế nữ chính ở vở diễn khác vì người này bận đi phim. Mỹ Uyên đã diễn được vài suất. Hôm đó, theo lịch, Mỹ Uyên xách giỏ lên nhà hát, hóa trang gần xong thì diễn viên kia xuất hiện. Mỹ Uyên chưng hửng, hỏi ra mới biết, tối nay, người ta diễn vai của mình.
Trong cuộc sống này, ai cũng phải đối đầu với những vấn đề đau đầu mỗi ngày nhưng thái độ và cách phản ứng của mỗi người sẽ quyết định tất cả.
Vậy mà người quản lý đêm diễn không báo cho chị một tiếng. Mỹ Uyên cất đồ vào giỏ, lẳng lặng đi về. Đường về tối tăm, thưa vắng bóng người, lại đụng ngay mấy người xăm trổ ở khúc đường nguy hiểm, trời thì mưa, Mỹ Uyên òa khóc với bao nhiêu uất ức trong lòng.
Mỹ Uyên cảm thấy mình không được tôn trọng. Giá như người ta báo với Mỹ Uyên một tiếng để chị đừng lên thì đã không có tình huống thật buồn kia!
Nhưng Mỹ Uyên cũng ngấm ngầm nuốt hết tất cả nỗi buồn đó vào lòng. Có tổn thương cũng tổn thương một mình. Có khóc cũng khóc một mình. Ngày mai đánh phấn tô son, lại xinh đẹp trước mọi người, cười nói như chưa từng có gì xảy ra.
Bởi từng bị người ta đối xử như thế nên sau này, Mỹ Uyên không muốn ai phải rơi vào cảm xúc tồi tệ mà mình đã đi qua. Chị rút ra bài học thật đẹp đẽ trong cách sống, cách ứng xử với người xung quanh, mà gần gũi nhất là với chính đồng nghiệp, đàn anh, đàn chị, đàn em trong nghề.
Mỹ Uyên bày tỏ: "Tôi kể không phải để so đo mà chỉ muốn nói rằng, cuộc đời tôi đụng rất nhiều thứ. Và tính tôi từ xưa tới giờ là kiềm chế, nuốt vào lòng. Đến ngày hôm nay, dù diễn với một đứa con nít hay với bạn diễn, tôi luôn bàn bạc với họ, nâng đỡ, dìu nhau, nhịp nhàng với nhau.
Ngay cả khi đã là Giám đốc sân khấu, bỏ tiền ra dựng biết bao vở diễn, tôi cũng không cho phép mình đối xử với ai như vậy, không cho phép mình thiếu tôn trọng ai".