Tờ Telegraph đưa tin vào ngày 8-4, người phụ nữ 31 tuổi đang chiên khoai tây và gà tại điểm bán hàng quen thuộc trong thành phố thì bị lực lượng cảnh sát tiếp cận vào khoảng 19 giờ (giờ địa phương). Lúc này, lệnh phong tỏa toàn quốc vừa được chính phủ Uganda áp dụng 1 tuần để ngăn chặn dịch Covid-19.
Cô Joyce kể: "Họ yêu cầu tôi thu dọn và rời đi. Tôi trả lời rằng tôi đang dọn và sẽ đi". Vào lúc đó, một quan chức chính quyền địa phương đi tới và bất ngờ đá vào chảo dầu sôi của cô Joyce. "Ông ta đến và đá mà không hề nói lời nào. Toàn thân tôi nóng bỏng. Ngày hôm đó tôi mặc một chiếc váy trắng và nó bị biến thành màu nâu" - trích lời cô Joyce.
Trước đó, hàng chục phụ nữ và đàn ông cũng bị lực lượng chức năng trấn áp tại thị trấn Elegu. Những binh lính và cảnh sát chịu trách nhiệm về vụ việc chỉ bị bắt sau khi hình ảnh của các nạn nhân tràn ngập trên mạng xã hội.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền cho biết các lực lượng an ninh tại Uganda đã tự ý bắt giữ, đánh đập và bắn vào thường dân, bao gồm nhà báo, người bán hàng rong và cộng đồng LGBT kể từ khi lệnh phong tỏa bắt đầu. Đây là một trong nhiều nước châu Phi bị khiếu nại về việc áp dụng các biện pháp phong tỏa bắt buộc nghiêm ngặt nhưng lại có rất ít bảo trợ xã hội cho những người dân sợ sẽ chết vì đói nếu không thể tiếp tục làm việc.
Về phần cô Joyce, cô phải nằm bệnh viện suốt 5 ngày. Với mức thu nhập ít ỏi, cô Joyce cũng không có tiền tiết kiệm. "Những đứa con của bà chủ nhà mang thức ăn cho tôi, đó là sự giúp đỡ duy nhất tôi có được" - cô Joyce nói.
Kẻ tấn công cô đã bị bắt nhưng sau đó lại được tại ngoại nhờ tiền bảo lãnh. Người phụ nữ lo rằng nếu người này bị buộc tội và vào tù, cô sẽ không nhận được tiền bồi thường. "Ít nhất nếu chúng tôi thương lượng, có thể ông ta sẽ đưa cho tôi chút tiền để giúp tôi trang trải cuộc sống" - cô Joyce lo lắng.
Được biết, một ngày sau vụ việc, người đàn ông trên đã gọi điện xin cô tha thứ và nói rằng ông ta không cố ý nhưng cô Joyce vẫn rất tức giận. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian, chỉ huy đội đặc nhiệm chống Covid-19 của TP Gulu, ông Maj Santos Okot Lapolo, nói họ chưa thể thảo luận việc bồi thường cho cô Joyce trong lúc lệnh phong tỏa vẫn đang được thực hiện. "Chúng tôi không thể làm gì vào lúc này vì vẫn đang trong cuộc khủng hoảng. Trong tương lai chúng tôi sẽ làm gì đó để hỗ trợ cô ấy" - trích lời người này.
"Giờ tôi chẳng biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì và tôi không có cách nào kiếm tiền để sinh sống. Có thể họ sẽ sớm mở cửa lại trường học. Tôi vẫn chưa trả học phí cho con trai. Đó là chưa kể tiền ăn uống, thuê nhà" - cô nói.