Ông Lý Tấn và vợ sinh sống tại một vùng quê nghèo ở Hà Nam, Trung Quốc. Sau nhiều năm chung sống, vợ chồng ông có với nhau đến 8 cô con gái. Ban đầu, ông bà Lý cũng muốn đẻ một cậu con trai nhưng khi đứa trẻ thứ 8 ra đời mà vẫn là con gái thì cả hai quyết định dừng lại.
Vì vẫn còn tư tưởng "trọng nam khinh nữ", họ hàng và hàng xóm xung quanh thường xuyên dị nghị, lời ra tiếng vào: "Đẻ đến 8 con vịt giời. Sau này không có thằng chống gậy". Nghe những lời rèm pha này, ông Lý chỉ ôn tồn bảo vợ: "Phải nuôi các con như nào để sau này cả làng phải ghen tị".
Quả thật, đôi vợ chồng không phân biệt con trai, con gái. Họ nuôi dạy con, không đặt nhiều áp lực, chỉ mong các con lớn lên hiếu thảo, là người có ích cho xã hội và biết phụng dưỡng bố mẹ.
Dù nghèo nhưng ông vẫn phải cho các con ăn học đàng hoàng, không thua kém bất kỳ đứa con trai nào trong làng. Ông Lý chỉ nhắc nhở các con: "Con trai làm được thì con gái cũng làm được".
8 cô con gái nhà họ Lý giờ đã trưởng thành và đủ sức lo cho bố mẹ.
Đúng như ý muốn, các con gái của ông Lý khi trưởng thành đều có công ăn việc làm ổn định và con rất hiếu thảo. Hàng tháng, 8 người con đều gửi tiền sinh hoạt phí cho bố mẹ 1.000 NDT (khoảng 3,5 triệu đồng). Tổng cộng ông bà Lý chẳng phải làm gì cũng có 8.000 NDT tiêu xài mỗi tháng (hơn 28 triệu đồng).
Các cô con gái cũng phân công nhau rất rõ ràng về việc chăm sóc, phụng dưỡng cho bố mẹ. Từ những việc như: Ai phụ trách dọn dẹp nhà cửa, ai mua quần áo, ai mua thiết bị gia dụng,...
Vào các dịp lễ Tết, 8 người con của ông bà Lý sẽ phụ trách chăm sóc bố mẹ lần lượt theo từng năm. Không chỉ vậy, cả 8 người còn có khoản quỹ chung để phòng trường hợp bố mẹ ốm đau, cần tiền gấp.
Nhìn lại quãng thời gian chịu nhiều chỉ trích, ông Lý nói: "Nhiều người trêu tôi đẻ 8 đứa vịt giời, khi lớn chúng bay đi hết. Nhưng tôi không nghĩ vậy. "Bay" hay "không bay" đều do cách dạy dỗ của bố mẹ".
Nhờ cách dạy của bố, cả 8 chị em đều lớn lên trong sự tự tin.
Hiện tại, họ không quá giàu nhưng đủ sức lo cho bố mẹ cuộc sống an nhàn.