Chân dung chị Tím. Ảnh: Sức khoẻ & Đời sống
Hành trình chạy trốn trong tuyết trắng
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại bản Pủng (xã Mường Ải, huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), chị Lữ Thị Tím không có điều kiện để ăn học đầy đủ. Tuổi thơ của chị gắn liền với công việc nương rẫy phụ bố mẹ và ước mơ có cuộc sống ấm no.
Cũng vì ước mơ giản dị, đơn sơ đó mà năm 25 tuổi, chị bị những kẻ buôn người lừa bán sang Trung Quốc vì cứ nghĩ mình sẽ được đưa sang thủ đô Viêng-chăn (Lào) làm nghề thêu thổ cẩm với mức lương hậu hĩnh.
"Tôi bị nhốt với rất nhiều phụ nữ khác. Họ cũng bị lừa như tôi. Những kẻ này nói với tôi là một vài ngày nữa sẽ có vài người đàn ông Trung Quốc đến "xem mắt". Họ nói phải nghe lời nếu không sẽ đánh. Lúc này tôi rất sợ nhưng nghĩ rằng mình phải chạy trốn thôi nếu không thì sẽ chẳng bao giờ có cơ hội nữa", chị Tím nhớ lại quãng thời gian mới bị lừa bán sang Trung Quốc với PV Người đưa tin.
Vốn có đầu óc nhanh nhẹn, ban đầu chị Tím ngoan ngoãn nghe theo lời bọn buôn người, còn trong đầu không ngừng tính kế tìm cách trốn thoát.
Đêm xuống cũng là lúc bọn buôn người lơ là cảnh giác nên chị thành công trèo tường ra ngoài. Thế nhưng đất khách quê người lại thêm màn đêm mịt mờ, chị Tím hoàn toàn mất phương hướng, chị cắm đầu cắm cổ bỏ chạy mà không hề ngoảnh lại.
Chị bỏ chạy trong tiết trời âm độ với đôi chân trần cùng độc bộ quần áo mỏng trên người. Chị lạc vào một khu rừng phủ tuyết trắng xoá. Người con gái ấy cứ đi vô định trong rừng tuyết nhiều ngày cho đến khi đôi chân mất cảm giác đến ngất đi.
May mắn thay, có 2 cụ già người bản địa đi qua thấy chị nằm trong tuyết đã đưa về nhà. Bọn buôn người không đánh gục được chị nhưng cũng vì thế chị mất đi 2 chân.
"Các bác sĩ đã chẩn đoán chân tôi bị đông cứng lại như đá, máu không lưu thông được trong một thời gian dài. Và họ quyết định cưa đôi chân để bảo toàn tính mạng của tôi", chị Tím buồn bã nói với báo trên.
Chữa được đôi chân, bảo toàn được tính mạng, cô sơn nữ được được đưa đến sống trong một khu trại dành cho người cơ nhỡ nhưng không thể giao tiếp với ai vì không biết tiếng Trung. Sau đó, công an ở đây dẫn theo một người Việt đến phiên dịch, nói chuyện với chị.
Chị Tím kể với PV Sức khoẻ & Đời sống: "Nghe tiếng quê nhà tôi mừng phát khóc, ôm chầm lấy người phiên dịch cầu cứu. Bất ngờ hơn, khoảng 1 tuần sau thì người ở trung tâm gọi tôi đến để nghe điện thoại. Cầm máy điện thoại áp vào tai tôi như rụng rời chân tay vì đó là giọng của bố tôi. Nghe tiếng bố tôi không nói nên lời, chỉ biết khóc".
Đúng 6 năm sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc, tháng 8/2017, cô thiếu nữ bản Pủng được đặt chân về quê hương Việt Nam. Niềm vui và sự tủi thân khi trở về nhà trong tàn tật không thể diễn tả thành lời, Tím chỉ biết khóc.
Vượt lên nghịch cảnh
Vượt qua nỗi mặc cảm vì nay thành người tàn tật, Lữ Thị Tím vẫn cho rằng việc mình trở về là phép màu nên tự nhủ mình phải vươn lên để không phụ công ông trời cho chị được tái sinh lần 2.
"Thực ra, vào những ngày đầu tiên trở về tôi rất tự ti. Bởi giờ đây tôi đã bị cụt 2 chân thì còn làm được gì nữa. Thế nhưng vòng tay ấm áp của cha mẹ đã giang rộng giúp tôi thay đổi suy nghĩ, quyết tâm phải sống thật tốt", chị Tím cho PV Người đưa tin hay.
Nhờ tài thêu thùa từ nhỏ nên dù mất đi đôi chân nhưng Tím vẫn thành công tạo dựng thương hiệu thêu ren thổ cẩm của cá nhân mình.
Bà Lữ Thị Biêng (mẹ chị Tím) cho báo Sức khoẻ & Đời sống hay: "Tím cũng không còn mặc cảm với đôi chân bị cưa cụt. Tím còn có "nghề" mới là "nghề diễn giả vì cộng đồng" về nạn mua bán người nhằm nâng cao nhận thức của bà con chốn rừng xa này đấy".
Khi PV báo trên hỏi thêm về nỗ lực phi thường để theo đuổi "nghề diễn giả", chị Tím vui vẻ cho hay: "Tôi cũng chỉ góp thêm tiếng nói để cảnh báo cho các chị em ở vùng cao này về thủ đoạn của bọn mua bán người. Mỗi lần CLB chống nạn mua bán người sinh hoạt, Hội phụ nữ huyện muốn tôi thuật lại chuyện "người thật, việc thật" của mình khi bị lừa bán và sau khi được giải thoát, trở về bản làng để có hôm nay cho chị em phụ nữ các bản trong xã nghe nhằm giúp họ cảnh giác, không dễ bị lừa bán như tôi trước đây".
Diễn giả Lữ Thị Tím chỉ qua vài lần nói chuyện đã nổi tiếng khắp bản Pủng. Ai nghe Tím kể chuyện 1 lần đều nhớ mãi vì cách kể của cô sơn nữ ấy đầy cuốn hút nhưng cũng rất cảm động. Tím đã lấy nước mắt của rất nhiều người.
Vừa làm nghề thêu vừa làm diễn giả phòng chống nạn buôn người, Tím hạnh phúc với cuộc sống này dù đôi chân đã không còn nữa. Thế nhưng, sâu thẳm trong tâm hồn người phụ nữ ấy là nỗi niềm không biết tỏ cùng ai: Tím ước được một lần mặc váy.
"Tím thường nói với tôi nếu có đôi chân giả thì tốt biết mấy. Khổ nỗi ở vùng biên ải này thì gia đình biết tìm đâu ra đôi chân cho Tím. Có hôm nghe tiếng rao bán váy ở đầu bản mà Tím nhoài người nói "Mẹ mua váy cho con đi. Khi nào có lại chân con sẽ mặc cho mẹ xem". Nghe Tím nói mà tôi chết lặng. Chỉ tại bọn mua bán người đã hủy hoại cả cuộc đời của con tôi", bà Biêng nói trong nước mắt với PV Sức khoẻ & Đời sống.
Trao đổi với báo Người đưa tin, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, qua nhiều lần làm “diễn giả” với cách kể chuyện súc tích và lôi cuốn, chị Lữ Thị Tím trở thành tuyên truyền viên tích cực, là tấm gương cho các CLB trong việc tuyên truyền phòng chống nạn buôn người trên địa bàn.
Tổng hợp