Bị con người hút máu cả thập kỷ, loài động vật này đang đứng trên bờ tuyệt chủng

Bảo Nam |

Nhu cầu về máu của loài cua móng ngựa trong lĩnh vực thử nghiệm vắc xin và thuốc đã góp phần làm giảm dân số của chúng một cách đáng báo động.

Các nhà bảo tồn đang lo ngại rằng cua móng ngựa, một hóa thạch sống 450 triệu năm tuổi, sẽ bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng vì giá trị máu của chúng đối với ngành dược phẩm.

Máu cua móng ngựa cung cấp nguồn lysate limulus amebocyte (LAL) tự nhiên, được sử dụng để kiểm tra vắc xin, thuốc và thiết bị y tế để đảm bảo rằng chúng không bị nhiễm các độc tố vi khuẩn nguy hiểm được gọi là nội độc tố. Và đó là lý do hàng trăm nghìn con cua móng ngựa bị bắt và phải chảy các dòng máu màu xanh và đặc như sữa vào bình chứa mỗi năm. Hiện các nhóm bảo tồn đang đẩy mạnh các nỗ lực vận động và thực hiện các hành động pháp lý để giúp cứu loài động vật này, cũng như các loài khác sống dựa vào chúng.

May mắn thay, đã có một giải pháp thay thế cho máu cua móng ngựa. Vào cuối những năm 1990, các nhà sinh vật học tại Đại học Singapore đã tạo ra một phiên bản tổng hợp của LAL được gọi là Yếu tố tái tổ hợp C (rFC). Nhiều nghiên cứu cho thấy rFC cũng hiệu quả như LAL được chiết xuất từ cua móng ngựa, và nó hiện đang được bán trên thị trường.

 Bị con người hút máu cả thập kỷ, loài động vật này đang đứng trên bờ tuyệt chủng  - Ảnh 1.

Cua móng ngựa bị lấy máu tại phòng thí nghiệm ở Nam Carolina, Mỹ.

“Chúng ta sẽ sống trong một thế giới ngày càng có nhiều mầm bệnh và xu hướng ngày càng có nhiều dược phẩm yêu cầu xét nghiệm nội độc tố”, Ryan Phelan, CEO kiêm đồng sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Revive & Restore cho biết. “Ở một số điểm, điều đó sẽ gây áp lực lên việc cung cấp một sản phẩm không bền vững. Tại sao chúng ta không đảm bảo con đường cung cấp của riêng mình?”

Ngành công nghiệp y tế và dược phẩm toàn cầu sử dụng LAL để đảm bảo rằng vắc xin và nhiều loại thiết bị và sản phẩm y tế không bị nhiễm nội độc tố, thứ có thể gây sốt, sốc phản vệ và các bệnh như bệnh dịch hạch. Trong quá trình thử nghiệm, LAL đông tụ xung quanh nội độc tố, đánh dấu sự hiện diện của chúng và định lượng mức độ nhiễm độc. Nhu cầu cao đối với hợp chất này có thể khiến một lít LAL được bán với giá 15.000 USD trở lên.

 Bị con người hút máu cả thập kỷ, loài động vật này đang đứng trên bờ tuyệt chủng  - Ảnh 2.

Máu của cua móng ngựa có giá trị rất cao.

Kết quả này khiến cho việc kinh doanh máu cua móng ngựa vô cùng phát đạt. Ngày nay, các công ty y sinh của Mỹ đánh bắt khoảng 500.000 con cua móng ngựa mỗi năm, theo báo cáo từ Ủy ban Nghề cá Biển Đại Tây Dương. Nhưng, có rất ít luật hoặc quy định để bảo vệ hoặc hạn chế việc bắt cua móng ngựa. Và mặc dù những con cua móng ngựa cuối cùng sẽ được trả lại biển sau thời gian lấy máu, các nhóm bảo tồn ước tính rằng có tới 30% trong số chúng sẽ chết trong quá trình này. Do áp lực từ ngành công nghiệp y sinh, cùng với việc mất môi trường sống và việc đánh bắt cua móng ngựa của các ngư dân để làm mồi nhử, số lượng loài của này cả ở Mỹ và trên toàn thế giới đã giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây.

Tại Vịnh Delaware, nơi chúng có số lượng lớn nhất ở Mỹ, số lượng cua móng ngựa đã giảm từ 1,24 triệu con năm 1990 xuống dưới 334.000 con vào năm 2002. Mặc dù dân số loài này dường như đã ổn định, nhưng các nhà bảo tồn lo ngại rằng nhu cầu đối với cua móng ngựa tại Mỹ tăng lên do ngành công nghiệp dược phẩm có thể buộc chúng đi theo con đường của loài cua móng ngựa châu Á, Tachypleus tridentatus, loài đang nhanh chóng biến mất ở Trung Quốc và được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê là có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay, cua móng ngựa Mỹ được xếp vào danh sách những loài dễ bị tổn thương.

Không chỉ vậy, việc dựa vào cua móng ngựa để làm dược phẩm cũng có ảnh hưởng tới các loài khác. Trong quá trình lấy máu, những con cua sẽ bị cô lập khỏi vùng biển từ tháng 5 đến tháng 6 - mùa chúng đẻ trứng. Trong khoảng thời gian đó, một con cua móng ngựa cái bình thường có thể đẻ tới 80.000 quả trứng. Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng việc loại bỏ cua móng ngựa khỏi bãi biển sẽ làm giảm sự sẵn có của trứng cua móng ngựa, một nguồn thức ăn cho các loài chim ven biển di cư. Quần thể hải quỳ đỏ đã giảm 80% trong những thập kỷ gần đây. Các nhà bảo tồn khẳng định rằng sự suy giảm này có liên quan đến nguồn cung trứng cua móng ngựa ngày càng giảm.

Những người ủng hộ rFC vẫn tiếp tục khẩn trương thúc đẩy việc chuyển đổi khỏi sự phụ thuộc vào máu cua móng ngựa. Ngoài việc nhân đạo hơn, rFC được sản xuất trong phòng thí nghiệm, vì vậy các công ty sẽ không phải lo lắng về sự khác biệt về kích thước của từng con cua, hoặc sự thay đổi trong quần thể của chúng, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất LAL. Nếu nhu cầu tăng lên, các nhà sản xuất có thể sản xuất nhiều rFC hơn trên quy mô lớn, điều này có thể làm giảm chi phí sản xuất và làm cho nó ít tốn kém hơn. Còn những người chỉ trích rFC thì cho rằng rFC cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm để chứng minh rằng nó là hoàn toàn an toàn.

Và các cuộc tranh luận về fRC và LAL đang ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy một lượng lớn nghiên cứu về vắc-xin và phương pháp điều trị COVID-19 tiềm năng, dựa trên việc sử dụng LAL để đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Khi nhu cầu về vắc xin và các sản phẩm y tế khác tăng lên, các nhà bảo tồn lo lắng rằng nếu không nhanh chóng chuyển sang dùng rFC, tình trạng của loài cua móng ngựa Mỹ và các sinh vật sống dựa vào chúng sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Larry Niles, một nhà sinh vật học động vật hoang dã và chuyên gia về các vấn đề môi trường của Vịnh Delaware, nói rằng có một sự mâu thuẫn cố hữu trong cách các cơ quan chính quyền nhìn nhận về loài cua móng ngựa. Theo ông, cua móng ngựa không phải là loài được bảo vệ và do đó họ không thấy chúng có giá trị.

“Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng có một ngành công nghiệp trị giá 500 tỷ USD cho máu của chúng, vì vậy chúng không phải là vô giá trị”, Niles nói. “Chúng thực sự là một trong những loài sinh vật biển có giá trị nhất ở Bờ Đông.”

Tham khảo TheVerge

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại