Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, nhà Hán được đánh giá là một vương triều tương đối lớn mạnh và để lại nhiều thành tựu.
Nhắc tới triều đại này, ngoài vị vua tại vị vào thời đỉnh cao thịnh trị là Hán Vũ Đế, hậu thế còn nhớ tới tên tuổi của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Ông chính là vị Hoàng đế có công khai quốc, đặt nền móng cho cơ nghiệp 400 năm của Đại Hán.
Tuy nhiên nhìn lại cuộc đời của Hán Cao Tổ, không khó để nhận thấy ông phải chịu nhiều tiếng xấu như "tiểu nhân", "lưu manh". Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, Lưu Bang có thể xem là vị vua "côn đồ" nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Điểm đáng nói là nguyên nhân tạo nên danh tiếng không mấy vẻ vang của Hoàng đế khai quốc nhà Hán lại bắt nguồn từ ba sự việc "nói có sách, mách có chứng" dưới đây.
Vị Hoàng đế sẵn sàng bỏ quên người thân trong lúc nguy nan chỉ vì mải mê hưởng thụ
Lưu Bang là một trong số ít những người sáng lập triều đại trong lịch sử Trung Quốc có xuất thân từ giai cấp nông dân. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Hán Cao Tổ (256 TCN – 195 TCN), húy Lưu Bang, là vị Hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông cũng là người đã chiến thắng trước đối thủ Tây Sở Bá vương Hạng Vũ trong trận chiến Hán Sở tranh hùng nổi tiếng năm nào.
Tuy nhiên theo đánh giá của các nhà sử học nước này, tính cách và con người của Lưu Bang bị cho là hoàn toàn trái ngược với đối thủ Hạng Vũ. Trong khi Tây Sở Bá vương được miêu tả là người khí khái, anh dũng, thì Lưu Bang xuất thân ít học, từ khi còn trẻ đã có rất nhiều thói xấu.
Về điều này, "Cao Tổ bản kỷ" có miêu tả Lưu Bang là người "thích rượu và gái". Cuốn "Chính sử Trung Quốc qua các triều đại" cũng đưa ra dẫn chứng, ngay tới cha ruột ông là Lưu Thái Công từng bất bình tới nỗi mắng con trai mình là "đồ vô lại".
Thích rượu và gái, lông bông, vô lại... là những tính từ từng được dùng để miêu tả về thời tuổi trẻ không mấy vẻ vang của Hán Cao Tổ Lưu Bang. (Ảnh minh họa).
Có ý kiến cho rằng, Lưu Bang lúc sinh thời từ sớm đã không được lòng bố mẹ ruột của mình là bởi bản thân ông cũng không mấy coi trọng tình thân.
Năm xưa khi Hạng Vũ tiến đánh Tề quốc, Lưu Bang đã nhân cơ hội chiếm được Bành Thành vốn là địa bàn của Tây Sở Bá Vương. Vì nơi đây cách quê nhà không xa, ông từng có ý định sẽ đi đón người thân đến Bành Thành.
Thế nhưng sự thực là sau khi đánh hạ được thành trì này, Lưu Bang chỉ lo thu thập tiền của, hưởng thụ mỹ nữ mà bỏ quên cả người thân ruột thịt.
Rất nhanh sau đó, Hạng Vũ đã đem quân phản kích đối thủ họ Lưu. Kết quả là Lưu Bang với 56 vạn quân thủ thành đã bại trận nhục nhã trước 3 vạn quân ít ỏi trong tay Tây Sở Bá vương.
Bấy giờ, cha ruột Lưu Bang là Thái Công cùng người vợ Lã Trĩ đều bị quân Sở bắt. Thiết nghĩ nếu Lưu Bang thực sự coi trọng người thân, nhanh chóng đón họ trở về bên mình ngay sau khi đánh hạ được thành trì thì đã chẳng có kết cục để phụ thân và nương tử rơi vào tay giặc.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, có lần Hạng Vũ khi bắt được cha Lưu Bang liền đẩy ông lên trước đoàn quân và nói:
"Nếu người không rút lui, ta liền phanh thây cha ngươi".
Nào ngờ Lưu Bang chẳng hề do dự mà đáp lại:
"Hai chúng ta từng kết nghĩa huynh đệ, cha ta cũng chính là cha ngươi. Nếu ngươi nhất định muốn nấu thịt cha mình thì nhớ phần ta lấy một bát canh".
Trước sự cạn tình cạn nghĩa đến mức bất chấp an nguy của người thân như vậy, Hạng Vũ không còn cách nào, đành phải hạ lệnh thả cha Lưu Bang.
Ba lần vứt con để thoát thân, sự cạn tình của Lưu Bang từng khiến thuộc hạ phải lên tiếng
Với bản tính không coi trọng tình thân, Lưu Bang chẳng những từng bỏ bê người thân mà còn sẵn sàng vứt bỏ con ruột của mình hòng thoát thân một mình. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Trở lại với trận chiến tại Bành Thành, có thể nói đây là một trong những thất bại thảm hại nhất trong cuộc đời cầm quân của Lưu Bang. Nếu lúc bấy giờ không kịp thời chạy trốn, vị Hoàng đế khai quốc của Hán triều rất có thể đã bỏ mạng dưới lưỡi kiếm kết lưỡi từ quân Sở.
Khi đó, Lưu Bang cùng mấy chục người thân tín vội vã tháo chạy. Ông cùng Hạ Hầu Anh đã phải ngồi xe ngựa để lén lút trốn khỏi Bành Thành.
Không ngờ trên đường tẩu thoát, Lưu Bang bất ngờ gặp lại hai người con của mình. Đó chính là Hán Huệ Đế Lưu Doanh cùng Lỗ Nguyên công chúa sau này.
Dưới tình thế cấp bách, thuộc hạ của ông là Hạ Hầu Oanh đã ôm hai đứa trẻ ngồi lên xe ngựa. Thế nhưng bấy giờ, người của Hạng Vũ truy đuổi rất gắt gao phía sau. Vì sợ mình rơi vào tay giặc, Lưu Bang đã làm ra một hành động vô cùng tuyệt tình.
Khi ấy, ông một mực cho rằng vì hai con của mình đã khiến cho xe ngựa chạy chậm hơn nên đã đạp cả hai đứa trẻ xuống ngựa. Hạ Hầu Anh thấy vậy liền vội vàng ôm con của quân chủ lên xe.
Thế nhưng Lưu Bang liên tiếp lặp đi lặp lại hành động này tới ba lần. Bấy giờ, ngay tới Hạ Hầu Anh cũng không khỏi bất bình mà nói rằng, dù nguy cấp tới đâu cũng không thể vứt bỏ con cái.
Nghe xong câu ấy, Lưu Bang mới miễn cưỡng để hai người con ruột được ngồi chung xe ngựa để chạy trốn cùng mình.
Dùng "mưu hèn" đánh lén Hạng Vũ - tỳ vết khó gột rửa trong cuộc đời cầm quân của Hán Cao Tổ
Trong trận chiến Hán Sở tranh hùng, Lưu Bang và Hạng Võ từng thỏa thuận đình chiến và cắt đất bằng hòa ước Hồng Câu. Nhưng ngay sau đó vị quân chủ họ Lưu đã xé bỏ hòa ước và đánh lén quân Sở. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Trong trận chiến Hán – Sở tranh hùng, đã từng có lần Lưu Bang cùng Hạng Vũ thỏa thuận đình chiến và ký hòa ước. Tây Sở bá vương khi đó không phòng bị gì, vừa thỏa thuận xong đã hạ lệnh rút binh.
Thế nhưng Lưu Bang sau khi nghe xong ý kiến của thủ hạ liền quyết định tấn công từ phía sau nhằm thừa cơ đánh lén Hạng Vũ. Tuy nhiên khi ấy binh lực trong tay đối thủ rất mạnh, quân Hán chẳng những không thành công mà còn bị quân Sở đánh cho đại bại.
Dù nước cờ dùng "mưu hèn" ấy chẳng thể làm nên đại sự, nhưng chiêu trò đánh lén này cũng khiến thanh danh của Lưu Bang càng thêm tỳ vết.
Không phải ngẫu nhiên mà vị vua khai quốc của nhà Hán lại sở hữu một lý lịch đầy tỳ vết và bị hậu thế gắn cho những danh hiệu không mấy vẻ vang. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Chính những câu chuyện "nói có sách, mách có chứng" trên đây đã khiến tên tuổi của Hán Cao Tổ Lưu Bang từ lâu bị gắn liền với những từ như "lưu manh", "tiểu nhân".
Cổ nhân có câu "hổ dữ không ăn thịt con", nhưng vị quân chủ họ Lưu ấy chẳng những không coi trọng tình thân mà còn sẵn sàng vứt bỏ con mình để bảo toàn mạng sống cho bản thân.
Vì vậy cũng không hề điều khó hiểu khi hậu thế "ưu ái" tặng cho Lưu Bang danh hiệu Hoàng đế "côn đồ" nhất trong lịch sử Trung Hoa.
*Theo Qulishi