Bị cô lập hoàn toàn trong vấn đề Iran: Mỹ đang đi quá xa?

Phạm Hà |

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Mỹ sẽ không từ bỏ nỗ lực của mình.

Mỹ tiếp tục bị cô lập hơn trong nỗ lực tái áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran, khi 13 trong số 15 nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc phản đối bước đi của Mỹ. 

Các nước cho rằng Mỹ đã rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân cách đây 2 năm, do đó nước này không có quyền hợp pháp để kích hoạt cái gọi là “quy trình đảo ngược” nhằm tái áp đặt trừng phạt Iran.

Chỉ trong vòng 24 giờ kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ Mikeo Pompeo chính thức kích hoạt cơ chế tái trừng phạt Iran, hàng loạt quốc gia đã có thư phản đối bao gồm các đồng minh lâu năm của Mỹ như Anh, Pháp, Đức và Bỉ cũng như các nước như Trung Quốc, Nga, Nam Phi…

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nhấn mạnh: "Tái áp đặt trừng phạt chỉ có thể được kích hoạt bởi một quốc gia là thành viên của Thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ không phải là thành viên. Mỹ trình bày lý lẽ của riêng mình tại sao họ có quyền làm như vậy. Nhưng chúng tôi tin rằng, những lập luận của Mỹ không hợp lệ. Chúng tôi sẽ đưa ra những lập luận của riêng mình. "

Hiện giờ chỉ có nước Cộng hòa Dominica chưa đưa ra thư phản đối chính thức. Tuần trước quốc đảo Caribbean này cũng là nước thành viên duy nhất ủng hộ nỗ lực của Mỹ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran.

Mỹ hôm qua bày tỏ thất vọng về thái độ của các đồng minh châu Âu liên quan tới việc áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. 

Bà Kelly Craft - Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc khẳng định, khôi phục các lệnh trừng phạt và kéo dài lệnh cấm vận vũ khí chống Iran là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Mỹ sẽ không từ bỏ nỗ lực của mình: "Thông điệp của chúng tôi rất đơn giản. Mỹ sẽ không bao giờ để Iran có thể tự do mua và bán các loại máy bay, xe tăng hay các loại vũ khí khác. Lệnh cấm vận vũ khí sẽ được tiếp tục".

Thực tế hầu hết các nước thành viên được cho là đồng minh của Mỹ trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc có thể ủng hộ bước đi của Mỹ, nếu Mỹ thỏa hiệp, bao gồm khả năng gia hạn lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran trong một khoảng thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, các bên đã không tìm được tiếng nói chung về vấn đề này. 

Việc Mỹ thất bại trong dự thảo nghị quyết nhằm vào Iran khiến nước này cố gắng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt- một bước đi đẩy Thỏa thuận hạt nhân đứng trước nguy cơ đổ vỡ, điều mà các quốc gia châu Âu chắc chắn không mong muốn.

Theo giới ngoại giao, việc Mỹ đối mặt với sự cô lập hiện nay do quốc gia này đã đi quá xa trong vấn đề Iran. Về cơ bản, hầu hết các quốc gia đều đồng ý với Mỹ rằng Iran thực sự chưa tuân thủ hoàn tòan các cam kết của mình. Mỹ với quốc tế cần tìm kiếm các bước đi gia tăng sức ép, buộc Iran tuân thủ các cam kết nhưng vẫn duy trì thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên Mỹ đã đi sai nước cờ một cách hung hăng, đẩy Iran và Liên minh châu Âu trên một con thuyền, khiến Mỹ hòan toàn bị cô lập.

Vấp phải sự phản đối của hầu hết các quốc gia trong Hội đồng bảo an, Mỹ hôm qua tuyên bố tái áp đặt giới hạn thị thực nhằm vào 13 quan chức Iran, với khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên quốc gia Hồi giáo này. Mỹ cũng khẳng định sẽ dùng mọi cách để ngăn Trung Quốc và Nga bán vũ khí cho Iran.

Với cảnh báo Mỹ sẽ áp đặt trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào từ chối gây sức ép với Iran, trong khi phần còn lại của thế giới phản đối, kịch bản đó có thể tạo ra những tranh chấp pháp lý kéo dài nhiều năm tại các tòa án trên khắp thế giới, khi các công ty hay cá nhân làm ăn với Iran thách thức những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt lên Iran./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại