Tổn thương do bị chó cắn của bệnh nhi. Ảnh: BVCC
Theo lời kể của người nhà, cách vào viện 1 giờ, bệnh nhi Đ.Đ.G. (23 tháng tuổi, trú tại Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) bị chó đẻ nhà cắn rách da chảy máu vùng đầu, mặt, cổ. Gia đình đã đưa bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, quấy khóc. Vùng trán có 1 vết thương khuyết da diện rộng, kích thước 3x5cm sâu sát xương và 1 vết thương lóc da vùng trái, kích thước 10cm, lóc da rộng 5cm, kèm 2 vết thương mi bên trái và nhiều vết thương nhỏ dưới 1cm.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả CTScan sọ bình thường, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp chẩn đoán vết thương khuyết da vùng đầu và chỉ định phẫu thuật tạo hình các vạt da che phủ, vạt trượt.
Các bác sĩ đã tiến hành làm sạch vết thương, cắt lọc tổ chức viêm, hoại tử, đánh vạt trượt da bên cạnh, khâu tạo hình vạt da che phủ vết thương, khâu thẩm mĩ vết thương mi mắt, khâu vết thương trán theo các lớp giải phẫu.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi ổn định và được theo dõi, chăm sóc tại Khoa Ngoại tổng hợp Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn. Cùng với đó, bệnh nhi đã được tiêm phòng vaccine dại và đắp huyết thanh, được bác sĩ chuyên khoa mắt kiểm tra thị lực.
Các bác sĩ Trung Tâm Y tế huyện Thanh Sơn khuyến cáo: Các gia đình nuôi chó, mèo cần ý thức trông giữ vật nuôi, tránh thả rông và phải tiêm vaccine ngừa bệnh dại định kỳ… Không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo. Nếu gia đình có nuôi chó thì cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương…
Khi bị chó cắn , cần phải rửa sạch bằng xà phòng để tránh vi khuẩn gây bệnh, phải dùng băng gạt vô khuẩn ép và băng chặt vết thương chảy máu. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.