Trong cuộc sống thường ngày, bất kể ở Việt Nam hay trên thế giới, chúng ta rất thích kể cho con nghe những câu chuyện có ý nghĩa giáo dục. Có lúc, chúng ta quên mất nguồn gốc của câu chuyện nhưng điều đó cũng không có vẫn đề gì.
Khi kể truyện, cha mẹ không chỉ dạy con cái những điều bổ ích mà cũng là một hình thức chia sẻ, giao lưu giữa bản thân với con cái. Vậy phụ huynh Mỹ thích kể những câu chuyện thế nào cho con họ nghe?
Có phải cũng như các cha mẹ Việt Nam chúng ta, họ thích kể những câu chuyện như: Cô bé quàng khăn đỏ hay Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn không? Dưới đây là 5 câu chuyện mà trẻ em Mỹ thích nghe nhất.
Câu chuyện thứ nhất
Có một người vô gia cư ngang bướng thường thích đi lại trong trung tâm mua sắm. Vì ông là kẻ lang thang nên có rất nhiều người cố ý trêu chọc ông. Những người này luôn tìm đủ mọi cách cười nhạo ông.
Trong số đó, có một cách mà mọi người thử cả trăm lần cũng không chán, đó chính là bỏ đồng 5 xu và đồng 10 xu vào lòng bàn tay rồi để cho ông ta chọn.
Mọi người cảm thấy người vô gia cư này vừa ngốc vừa buồn cười ở chỗ, lần nào ông cũng chọn đồng 5 xu. Họ cho rằng ông quá ngốc vì không biết lấy đồng xu giá trị lớn hơn. Thế nên thấy vậy, mọi người đều ôm bụng cười.
Sau một thời gian, một phụ nữ tốt bụng rất thân với người vô gia cư, thường giúp đỡ ông đã hỏi: "Đến đồng 5 xu và đồng 10 xu mà ông cũng không phân biệt nổi sao?"
Người đàn ông mỉm cười có chút láu cá: "Nếu tôi lấy đồng 10 xu, sau này tôi cũng chẳng lấy thêm được đồng 5 xu nào nữa. Cô xem, rốt cuộc ai thông minh, ai ngốc nghếch chứ?"
Thông thường kể xong câu chuyện này, phụ huynh Mỹ đều hỏi con: "Con thấy người vô gia cư làm vậy có đúng không?" Các bé thường sẽ trả lời: "Ông ấy làm đúng ạ." Cha mẹ lại hỏi: "Vậy tại sao ông ấy làm đúng?"
"Bởi vì ông ấy có thể lấy được càng nhiều đồng 5 xu ạ."
Trong quá trình trao đổi, họ dạy con hiểu rằng tự cho mình là người thông minh thực ra không hề thông minh, thấy kẻ khác ngốc nhưng chưa chắc đã ngốc. Người ta phải học được cách nhìn xa trông rộng mà bỏ đi cái lợi lớn trước mắt.
Câu chuyện thứ hai
Có một bác sĩ khoa ngoại nói với sinh viên của mình rằng, năng lực quan trọng nhất mà một bác sĩ khoa ngoại cần chính là không biết buồn nôn và có khả năng quan sát tốt.
Ông nhúng một ngón tay vào đĩa chất lỏng nhìn đã khiến người khác buồn nôn. Sau đó ông bác sĩ liếm ngón tay của mình. Ông muốn cả lớp đều làm một lần giống như vậy. Các sinh viên đành phải cắm đầu làm theo.
Ảnh minh họa.
Bác sĩ xem xong phá lên cười nói, chúc mừng các em đã kết thúc bài trắc nghiệm thứ nhất. Tiếc là không có ai qua cả. Cả lớp đều mơ hồ không hiểu. "Tại sao ạ? Không phải chúng em đã làm như thầy nói sao?"
Cuối cùng bác sĩ công bố đáp án. Ông nói, khi quan sát, các em đều không quan sát kỹ bởi vì ngón tay tôi liếm không phải là ngón tay tôi đã nhúng sâu vào chiếc đĩa. Rất tiếc, các em không thích hợp để làm bác sĩ khoa ngoại.
Kể xong câu chuyện này, cha mẹ đều sẽ hỏi các con: "Tại sao bác sĩ đó lại từ chối tất cả sinh viên?" Các bé sẽ trả lời: "Bởi vì họ không quan sát kỹ cách làm của ông ấy." Cha mẹ sẽ nhân cơ hội này nói cho con mình biết, làm việc thì phải cẩn thận, nghiêm túc.
Vì vậy, trong cuộc sống, con người phải chú ý quan sát xung quanh. Người chú ý quan sát phải dùng đôi mắt của mình để đối diện với cuộc sống.
Rất nhiều người thất bại không phải vì họ không có năng lực, cũng không phải vì họ không đủ thông minh, mà bởi vì họ không đủ chuyên tâm, tỉ mỉ dùng đôi mắt để quan sát cuộc sống.
Câu chuyện thứ ba
Có một người đi thuyền đến nước Anh để phát triển sự nghiệp nhưng không may, thuyền của anh ta gặp cơn bão rất lớn. Điều này khiến tất cả mọi người trên thuyền, kể cả anh bạn đó đều hoảng loạn.
Nhưng khi anh không biết nên làm thế nào thì thấy một bà cụ vô cùng bình tĩnh đứng cầu nguyện, vẻ mặt như thể không hề có bão lớn vậy.
Đợi sóng gió qua đi, cả thuyền thoát khỏi nguy hiểm, anh bạn này mới tò mò đến chỗ bà cụ hỏi tại sao sóng to gió lớn như thế mà bà không hề sợ hãi chút nào. Anh nhận được câu trả lời thế này.
Bà cụ nói, bà có hai cô con gái, một người đã được thượng đế đưa đi, một người đang sống ở nước Anh. Bà nói khi sóng to gió lớn, bà cầu xin thượng đế:
"Nếu đón con lên thiên đường thì để cho con gặp cô con gái lớn; nếu để cho con sống thì con sẽ đến nước Anh gặp cô con gái út." "Cho dù tôi đi đến đâu thì tôi cũng có thể gặp một trong hai cô con gái của mình. Vậy thì tại sao tôi phải sợ chứ?"
Ảnh minh họa.
Cuộc đời là hữu hạn, cuộc đời cũng đã được sắp đặt cả rồi. Vì vậy, khi bạn gặp nguy hiểm, nhất định đừng sợ hãi, mà hãy bình tĩnh đối diện với nó.
Đừng quá lo sẽ phải chết, cũng đừng quá lo chết đi rồi thì sẽ không được người khác yêu thương. Điều này không quan trọng.
Điều quan trọng là trên thế gian này, cho dù bạn đi đến đâu cũng đều có người yêu thương bạn và đón nhận sự tồn tại của bạn. Vì vậy đừng sợ cuộc đời mình sẽ kết thúc mà phải sợ rằng nó chưa bao giờ bắt đầu.
Câu chuyện thứ tư
Có một cây hoa nhỏ yếu ướt không chịu nổi gió. Nó mọc dưới gốc một cây thông cao lớn. Cây hoa nhỏ cảm thấy vô cùng may mắn vì có cây lớn làm chiếc ô che mưa chắn gió cho nó, để nó có cuộc sống vô lo vô nghĩ.
Một hôm, đột nhiên có toán công nhân đến đốn mất cây thông lớn đó. Cây hoa nhỏ vô cùng đau lòng, buồn bã. Nó khóc lóc nói, không có cây lớn che chở, giờ tôi phải làm thế nào đây? Nếu có mưa to gió lớn, tôi phải làm thế nào?
Mưa gió sẽ vùi dập cơ thể yếu ớt của tôi đến chết mất. Nghe thấy nó khóc lóc, một cây khác đằng xa an ủi: "Đừng nghĩ như vậy, không có cây lớn che chở, bạn có thể trực tiếp đón ánh nắng mặt trời, hứng những giọt mưa.
Như vậy cơ thể của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn có thể khoe vẻ đẹp của mình với mọi người. Thấy bạn, chắc chắn họ sẽ ngạc nhiên khen bạn là một đóa hoa đẹp. Như vậy bạn có vui không?"
Ảnh minh họa.
Cây hoa nhỏ nghe xong, vui mừng mỉm cười.
Sớm muộn gì, mỗi người đều phải rời xa sự che chở, bao bọc của cha mẹ và gia đình. Vì vậy chúng ta phải học cách trưởng thành, học cách chấp nhận những sự vật khác.
Ta phải biết rằng, người trải qua muôn vàn thử thách thì mới có thể trở thành người mạnh mẽ nhất. Không trải qua mưa gió, sao thấy được cầu vồng chính là đạo lý này.
Câu chuyện thứ năm
Có một người, năm 21 tuổi, anh ta buôn bán thất bại thảm hại. Năm 22 tuổi, anh ta tranh cử nghị viên bang lại thất bại. Năm 24 tuổi, anh buôn bán lại thất bại hơn nữa. Năm 26 tuổi, người bạn đời anh yêu thương nhất qua đời.
Năm 27 tuổi, anh từng cảm thấy cuộc sống chẳng còn hy vọng gì nữa. Năm 34 tuổi, anh tranh cử nghị viên bang và lại thất bại lần nữa. Năm 36 tuổi, anh vẫn thất bại khi tranh cử nghị viên bang. Năm 45 tuổi, tiếp tục thất bại.
Năm 47 tuổi, đề cử Phó Tổng thống bị loại. Năm 49 tuổi, đề cử Thượng nghị sĩ liên bang bị loại. Năm 52 tuổi, trúng cử chức Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ. Người này chính là Lincoln.
(Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ)
Vì ông kiên trì cho rằng chỉ là thượng đế trì hoãn lời thỉnh cầu của ông chứ không phải người từ chối lời thỉnh cầu đó, nên ông đã kiên trì mãi, kiên trì mãi. Cuối cùng ông đã thành công.
Một người có thể cho phép mình thất bại nhiều lần, hơn nữa cũng cho phép thất bại trong cùng một việc nhưng không cho phép mình vì nhiều lần thất bại trong cùng một việc mà từ bỏ việc đó.
Nếu bạn đồng ý, nếu bạn có hứng thú với việc này, nếu bạn kiên trì, bạn nhất định sẽ nhận được ân huệ của thượng đế. Vì vậy, chỉ có người kiên cường theo đuổi ước mơ mới có cơ hội biến ước mơ thành hiện thực.