Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết chi 60 tỉ USD cho các nước châu Phi trong lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi, tương đương với gói đầu tư mà nước này đưa ra tại hội nghị trước đó ở Johannesburg năm 2015.
Rất nhiều quốc gia châu Phi, những nước đang tìm cách sắp xếp lại khoản nợ của mình với Trung Quốc, đã trở thành phép thử thực tế cho mối quan hệ của Bắc Kinh với châu lục này, mặc dù đa phần các nước vẫn xem việc vay nợ Trung Quốc là món cược hời nhất để phát triển nền kinh tế.
Trước làn sóng chỉ trích về chính sách kiểu "bẫy nợ", một quan chức hàng đầu của Trung Quốc đã lên tiếng.
"Nếu nhìn một cách cận cảnh vào các nước châu Phi đang nợ nần chồng chất, ta sẽ thấy Trung Quốc không phải là chủ nợ chính", đặc sứ của Trung Quốc tại châu Phi Xu Jinghu nói trong một cuộc họp báo, "Đổ lỗi cho Trung Quốc về các vấn đề nợ là vô nghĩa và vô căn cứ".
Bà Xu cho biết thêm rằng, Trung Quốc sẽ chọn các dự án tránh gây ra vấn đề nợ:
"Khi chúng tôi hợp tác với các nước châu Phi, chúng tôi sẽ tiến hành các nghiên cứu về tính khả thi một cách kỹ lưỡng và đầy đủ để lựa chọn xem dự án nào có thể tiến triển. Những dự án này sẽ được cân nhắc khả năng phát triển để giúp các nước châu Phi đạt được sự phát triển bền vững, cũng như tránh được các vấn đề tài chính và nợ nần".
Trung Quốc đang giúp các nước châu Phi phát triển chứ không phải tích lũy nợ nần, bà Xu khẳng định.
"Chúng ta cần phải cân nhắc tới sự dao động của nền kinh tế thế giới, tình hình đã đẩy chi phí tài chính lên cao đối với các nước châu Phi và đa phần họ đều phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô trong khi giá của chúng trên thị trường thế giới lại đang sụt giảm", bà Xu nhấn mạnh.
"Tất cả những vấn đề đó đã góp phần gây ra vấn đề nợ của các nước châu Phi".
Trung Quốc đã phủ nhận đường lối ngoại giao "bẫy nợ", và ông Tập cũng nói rằng nợ chính phủ từ các khoản vay không lãi suất của Trung Quốc tính tới cuối năm 2018 đã được xóa cho những nước châu Phi nghèo nhất.
Mặc dù tổng giá trị mà ông Tập cam kết năm nay cũng ngang với năm 2015 nhưng phần vay thì thấp hơn, còn phần hỗ trợ ưu đãi thì cao hơn trước, Deborah Brautigam, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - châu Phi tại Đại học Johns Hopkins cho hay.
"Các chính sách giảm nợ của Trung Quốc không thay đổi", bà Brautigan cho biết, phần xóa nợ chỉ là một phần rất khiêm tốn trong đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi.