Bị chấn chỉnh vì làm 'sai lệch di sản', Sở VHTT Thừa Thiên - Huế lý giải thế nào?

NGUYỄN VƯƠNG |

Lãnh đạo Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế vừa có những lý giải sau khi Cục Di sản có những nhắc nhở địa phương này liên quan đến thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Ngày 3/8, lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao (VH&TT) tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận, đơn vị nhận được Công văn của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Liên quan đến nội dung công văn của Cục Di sản văn hóa, lãnh đạo Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế cho hay, đơn vị có trao đổi và báo cáo cụ thể gửi Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo lãnh đạo Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế, hội thảo này có chủ đề: "Sống cùng di sản, Tái tạo di sản" nên có một số hình thức tương tác diễn giải di sản, nhưng chỉ dành cho các nhà nghiên cứu dự hội thảo, không mời đối tượng ngoài tham dự.

Bị chấn chỉnh vì làm sai lệch di sản, Sở VHTT Thừa Thiên - Huế lý giải thế nào? - Ảnh 1.

Biểu diễn trích đoạn và giới thiệu trang phục hầu đồng tối 2/8 tại Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế. (Ảnh: V.T.H)

" Đây là một nhóm thanh đồng trình diễn cho các nhà nghiên cứu dưới hình thức diễn giải thêm cho chủ đề liên quan đến di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chứ không phải đem hầu đồng ra trình diễn cho cộng đồng, nhân dân ", lãnh đạo Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế nói.

Trước đó, theo nội dung công văn của Cục Di sản văn hóa gửi Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế, ngày 2/8, cơ quan này nhận được thông tin, tại sự kiện Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam do Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế phối hợp với đơn vị Engaging With Vietnam và Trường Đại học Nghệ thuật (thuộc Đại học Huế) tổ chức, diễn ra hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, do một số nghệ nhân, thanh đồng miền Bắc thực hiện.

" Căn cứ các quy định của luật Di sản văn hóa, Công ước 2003 Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Đây là hoạt động làm sai lệch di sản khi đưa di sản ra biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản, sử dụng các thành tố của di sản để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản.

Vi phạm nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ tính thiêng, tập tục, kiêng kỵ của di sản và nguyên tắc đồng thuận trên cơ sở hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể thực hành di sản ", công văn nêu rõ.

Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan phối hợp, làm rõ sự việc, có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tuân thủ luật Di sản văn hóa và Công ước 2023, tránh gây những bức xúc trong cộng đồng chủ thể di sản cũng như nghệ nhân nắm giữ di sản...

Được biết, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế từng ban hành công văn yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo đúng Chương trình hành động quốc gia mà Chính phủ cam kết với UNESCO (đối với các di sản được đưa vào các Danh sách của UNESCO) và các biện pháp bảo vệ được ghi trong hồ sơ khoa học (đối với các di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).

Đồng thời, tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương; Nâng cao nhận thức cho nghệ nhân, người thực hành và cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; có biện pháp nhắc nhở và chấn chỉnh đối với các nghệ nhân, người thực hành, đặc biệt là nghệ nhân được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, đối với việc tham gia vào các hoạt động làm biến dạng, thực hành sai lệch di sản...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại